|
Camera nhận diện khuôn mặt bắt đầu được triển khai tại nhiều quốc gia (ảnh: Pinterest) |
Hệ thống camera nhận diện khuôn mặt này đã được thử nghiệm trong gần một năm, nhưng Bộ Công nghệ Thông tin Nga hôm nay mới tiết lộ chi tiết dự án, bao gồm cả thỏa thuận với hãng công nghệ NtechLab để sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt của hãng này.
Phát biểu với The Verge, Trưởng phòng Thông tin trực thuộc Bộ Công nghệ Thông tin, ông Artem Ermolaev cho biết dự án vẫn còn "ở đâu đó" giữa thử nghiệm và kết thúc, nhưng đã giúp cảnh sát “tóm gọn” được 6 tên tội phạm. Ông Ermolaev cho biết: "Chúng tôi đã kết nối với danh sách các tội phạm liên bang trong hai tháng qua và bắt được sáu người. Những người này đã lẩn trốn trong vài năm qua”.
Chỉ một vài nghìn camera hoạt động cùng lúc
Hệ thống camera giám sát ở thành phố Moscow bao gồm 16.000 chiếc, bao phủ 95% các tòa nhà của thành phố. Tuy nhiên, do chi phí triển khai công nghệ, chỉ có một vài nghìn camera hoạt động cùng lúc. Các camera quét tìm khuôn mặt có thể được thay đổi liên tục nhằm mục đích quan sát "các khu vực tập trung tội phạm nhiều nhất" hoặc để điều tra các khu vực mà nghi phạm lui tới thường xuyên. Nhà chức trách thành phố hiện đang làm việc với NTechLabs để giảm chi phí và mở rộng phạm vi giám sát.
Khi phóng viên hỏi về mức độ tự động cũng như mức độ chính xác của hệ thống camera khi tìm kiếm tội phạm, ông Ermolaev nói rằng có "nhiều cách" để sử dụng công nghệ này. Lúc thì hệ thống tìm kiếm những khuôn mặt phù hợp với nhân dạng được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát, những lần khác thì nhóm của ông sẽ chụp màn hình từ camera giám sát và cấp dữ liệu vào phần mềm nhận dạng khuôn mặt theo cách thủ công. Không có con số chính xác cho bao nhiêu khuôn mặt được quét trên cơ sở hàng ngày, nhưng ông Ermolaev ước tính khoảng một vài nghìn.
Chất lượng hình ảnh chưa đủ tin cậy
Việc nhân rộng hệ thống nhận dạng khuôn mặt lên cấp độ toàn thành phố cũng bị hạn chế bởi chất lượng cảnh quay từ các camera giám sát. Những bức ảnh mà họ thu được thường có nhiễu hạt và các đối tượng ở xa, vì vậy mặc dù Bộ Công nghệ Thông tin Nga cho biết họ có quyền truy cập vào một mạng lưới 160.000 camera, nhưng không rõ bao nhiêu trong số đó tạo ra hình ảnh có thể sử dụng được.
Nói chuyện với The Verge, ông Ermolaev không đưa ra con số cụ thể về độ chính xác của phần mềm NTechLab khi phân tích hình ảnh camera giám sát. Tuy nhiên, ông nói với tờ Russia Beyond vào tháng 12 năm ngoái: "Trong những điều kiện hình ảnh không tốt, nhận diện dược 60-70% đối tượng trong ảnh là cực kỳ khó khăn. 30% đã là tốt lắm rồi".
Gạt những hạn chế này sang một bên, rõ ràng là việc nhận diện khuôn mặt đang dần được chấp nhận trên khắp thế giới. Cảnh sát Anh đã tiến hành một số thử nghiệm giám sát tại nhiều khu vực, trong đó có Notting Hill Carnival ở London và các khu vực diễn ra các trận đấu bóng bầu dục. Ở Trung Quốc, công nghệ nhận dạng khuôn mặt được áp dụng cho tất cả các mặt trong đời sống xã hội, từ việc tìm kiếm kẻ phạm tội đến giám sát người lấy trộm giấy vệ sinh. Việc triển khai công nghệ một cách đáng tin cậy trên toàn thành phố nhằm mục đích phát hiện tội phạm vẫn còn khó khăn, nhưng nó đã tiệm cận ngày một gần hơn đối với đời sống của mỗi con người.