Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để hoàn thành kế hoạch cả năm tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải đạt 7,42%. Nhấn mạnh rằng đây là mức tăng trưởng cao, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, vào cuộc quyết liệt để có những giải pháp đột phá. “Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành” – Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cho rằng tăng trưởng của nhiều ngành, địa phương còn thấp nên người đứng đầu các Bộ, ngành, tập đoàn phải báo cáo cụ thể số liệu tình hình và đưa ra những giải pháp cụ thể đối với ngành mình.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng chậm, chưa thể hiện là động lực tăng trưởng chính của GDP như các năm – Thủ tướng nhận xét. Với mức tăng 5,81% nửa đầu năm, muốn cả năm đạt 7,91% thì nửa cuối năm phải đạt mức tăng rất cao là 9,2%. Ngành chế biến chế tạo nửa đầu năm tăng 10,52%, để đạt mục tiêu kế hoạch là 13% thì nửa cuối năm phải tăng trưởng 14%. Ngành sản xuất phân phối điện nửa đầu năm tăng 8%, nên Thủ tướng cho rằng đây là câu hỏi khó đối với ngành điện để đạt tăng trưởng 11% cả năm.
Đối với ngành nông nghiệp, 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 2,65%. “Như vậy, từ giờ tới cuối năm, có đạt được con số 3,05% không? Muốn đạt mục tiêu này, nửa cuối năm phải tăng trưởng 3,3%”, Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thông phát biểu và làm rõ vấn đề.
Ngành xây dựng 6 tháng mới tăng 8,5% trong khi mục tiêu đề ra cả năm là 10,5%. Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) báo cáo cụ thể về ngành này khi mà “trên thực tiễn, thị trường bất động sản hết sức sôi động”, có nhiều dự án lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, FDI.
Đối với lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, đầu tư tài chính, thương mại, Thủ tướng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch, lộ trình để làm sao bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 – 22%. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản, bảo đảm chỉ tiêu lạm phát… “giải ngân không được giật cục mà rải đều”.
Đối với giải ngân vốn đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ báo cáo tình hình giải ngân, kể cả vốn ODA, đưa ra các giải pháp đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 34-34% GDP. Bởi nếu đạt được mục tiêu này sẽ đóng góp rất lớn vào GDP./.