Thông tin nêu trên vừa được ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết tại hội thảo chuyên đề “Smart Society - Xu hướng kỷ nguyên công nghệ ICT: Ứng dụng dịch vụ Viễn thông, CNTT vào Chính phủ điện tử, Y tế, Giáo dục và các tiện ích phục vụ cộng đồng” diễn ra vào chiều ngày 20/7/2016 tại Hà Nội. Đây là phiên hội thảo nằm trong chuỗi hội thảo chuyên đề được tổ chức song song với Triển lãm quốc tế về sản phẩm, dịch vụ Viễn thông - CNTT và Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Comm 2016) diễn ra từ ngày 20 - 22/7/2016.
Trong bài tham luận “Hiện trạng chính sách và triển vọng phát triển CNTT tại Việt Nam” trình bày tại hội thảo chuyên đề này, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT Nguyễn Thanh Tuyên đã phác họa phần nào bức tranh về thị trường CNTT Việt Nam trong năm 2015 vừa qua.
Với tổng doanh thu ước đạt 49,5 tỷ USD, công nghiệp CNTT năm 2015 đã tăng trưởng gần 15% so với doanh thu năm 2014. Đặc biệt, năm 2015, ngành CNTT-TT đã trở thành ngành đóng nhiều nhất cho ngân sách nhà nước; trong đó riêng các doanh nghiệp CNTT-TT nằm trong nhóm V1000 (những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam) đã đóng góp tới 82.344 tỷ đồng, chiếm 10% ngân sách.
Nhận định ngành công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2015 tiếp tục ghi nhận những điểm sáng do sự phục hồi dần của thị trường trong nước và sự khởi sắc của thị trường xuất khẩu, gia công trên thế giới đã được vị diễn giả này minh chứng rõ nét bằng những thông tin, số liệu cụ thể trong cả 3 lĩnh vực: công nghiệp phần cứng, điện tử; công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số trong năm ngoái.
Doanh thu ngành công nghiệp CNTT Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh trong 6 năm từ 2010 đến 2015 (Nguồn: Vụ CNTT) |
Cụ thể, theo ông Tuyên, về công nghiệp phần cứng điện tử, năm 2015, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, lĩnh vực phần cứng điện tử của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng mặc dù tốc độ có giảm: ước tính doanh thu phần cứng điện tử đạt khoảng trên 46 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 16%; xuất khẩu điện thoại di động đạt gần 35,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 30%; xuất khẩu máy tính và linh kiện đạt trên 15 tỷ USD, tăng hơn 38 %; và xuất siêu lĩnh vực phần cứng điện tử là hơn 12 tỷ USD.
“Trong khi Việt Nam nhập siêu rất lớn thì con số xuất siêu mà lĩnh vực phần cứng điện tử đóng góp năm 2015 vô cùng quan trọng để góp phần giúp cho cán cân thanh toán của chúng ta không bị nhập siêu quá nhiều”, ông Tuyên cho hay.
Cũng trong năm 2015, xuất khẩu các sản phẩm phần cứng, điện tử của Việt Nam tăng mạnh ở khu vực thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, trong khi ở thị trường châu Á bị sụt giảm. Còn tại Việt Nam, doanh số bán lẻ các thiết bị phần cứng điện tử vẫn tăng trưởng ổn định dù đang có xu hướng chững lại ở phân khúc máy tính và tablet. Đơn cử như, theo thống kê, thị trường máy tính xách tay tại Việt Nam chỉ tăng trưởng 2,4% về số lượng và gần như không tăng trưởng về giá trị so với năm 2014.
Đối với lĩnh vực phần mềm, đại diện Vụ CNTT cho biết, trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, sự suy giảm chung của kinh tế thế giới và khó khăn kinh tế trong nước đã khiến ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam sụt giảm nhiều về tốc độ tăng trưởng; tuy nhiên nhờ thị trường gia công, xuất khẩu tăng trưởng mạnh đã giúp lĩnh vực phần mềm có sự khởi sắc.
Theo thống kê, trong năm 2015, công nghiệp phần mềm vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng ổn định với doanh thu ước đạt gần 1,6 tỷ USD tăng trưởng khoảng 9%. Số lượng công ty làm dịch vụ gia công phần mềm với nước ngoài tăng mạnh yêu cầu đòi hỏi nguồn nhân lực tăng bình quân 10%/năm. Nhiều doanh nghiệp PM có chứng chỉ CMMI, trong đó 5 doanh nghiệp có CMMi mức 5: FSoft, Luxoft, Global Cybersoft, CSC và TMA.
Thị trường xuất khẩu phần mềm năm 2015 chủ yếu vẫn tập trung ở 3 khu vực Nhật, Bắc Mỹ và châu Âu; một số doanh nghiệp đã mở rộng ra thị trường mới như Mymamar và Bangladesh… Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), thị trường xuất khẩu của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT đạt tốc độ phát triển từ 30 - 40% năm 2015. Doanh nghiệp chủ lực FPT Software đã xuất khẩu phần mềm đạt 220 triệu USD, tăng trưởng 40% trong đó 45% từ Nhật Bản, 27% từ Mỹ còn lại từ châu Âu và Á. Bên cạnh đó, doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng năm 2015 cũng đạt khoảng 40 triệu USD, với thị trường Nhật Bản chiếm 70% và Mỹ chiếm khoảng 20%.
Còn với lĩnh vực công nghiệp nội dung số, thông tin được diễn giả đến từ Vụ CNTT thuộc Bộ TT&TT cho hay, trong năm 2015 vừa qua, lĩnh vực này vẫn tăng trưởng ổn định. Khép lại năm 2015, doanh thu của công nghiệp nội dung số Việt Nam ước đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2014. Đặc biệt, năm 2015 được xem là cột mốc đánh dấu sự phát triển và tầm ảnh hưởng lan rộng của game mobile. Theo trang web statista chuyên thống kê về game, doanh thu thị trường game di động Việt trong năm 2015 vào khoảng 107 triệu USD (tương đương khoảng 2.400 tỷ đồng), với số lượng người dùng smartphone tăng từ 12,6 triệu trong năm 2014 lên 13,3 triệu vào năm 2015.
Về thị trường nội dung số, ông Tuyên cho biết, cả nước hiện có 76 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online) và theo Newzoo - công ty chuyên nghiên cứu thị trường game, Việt Nam đứng thứ 34 thế giới và 9 khu vực châu Á về doanh thu với giá trị 216,34 triệu USD. Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 200 mạng xã hội được cấp phép; trong đó Facebook vẫn là mạng xã hội được dùng nhiều nhất tại Việt Nam với 35 triệu người dùng, chiếm hơn 1/3 dân số (tính đến tháng 12/2015).
Theo ICT News