|
Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc. Ảnh: UDN. |
Tờ Nhân Dân nhật báo phiên bản hải ngoại ngày 20/11 cho biết tối ngày 19/11, Bộ Tham mưu liên hợp, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố cùng ngày có 6 máy bay quân sự Trung Quốc (gồm 4 máy bay ném bom H-6K, 1 máy bay trinh sát điện tử Y-8, 1 máy bay trinh sát Tu-154) đã từ biển Hoa Đông bay qua eo biển Miyako, vượt chuỗi đảo thứ nhất, tiến hành huấn luyện biển xa.
Đối với hoạt động huấn luyện này của phía Trung Quốc, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản lập tức điều động các máy bay chiến đấu cất cánh để tiến hành giám sát chặt chẽ.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản cảm thấy "căng thẳng". Trước đó, ngày 24/8, Bộ Tham mưu liên hợp, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết 6 máy bay ném bom H-6 Trung Quốc từ phía đông bắc khu vực Đài Loan, bay theo hướng đông nam, rồi bay qua eo biển Miyako, sau đó bay dọc theo hướng đông nam của Okinawa, rồi bay theo hướng đông bắc, bay đến vùng biển bán đảo Kii, rồi tiếp tục quay trở lại tuyến đường cũ.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đây là lần đầu tiên máy bay quân sự quân đội Trung Quốc bay tuyến đường này. Lần này, máy bay chiến đấu Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cũng đã tiến hành cất cánh khẩn cấp để đối phó máy bay Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng cho rằng vùng biển Tây Thái Bình Dương là khu vực các nước đều có quyền đi lại tự do. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai huấn luyện ở vùng biển Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc muốn các nước khác tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không của tàu chiến, máy bay hải quân Trung Quốc.
Phía không quân Trung Quốc cũng từng cho biết họ tiến hành huấn luyện biển xa như vậy là để kiểm nghiệm thực lực chiến đấu thực tế trên biển. Khi đối phương càng "quấy nhiễu", không quân Trung Quốc càng bay thường xuyên và bay nhiều hơn.
Ngoài ra, trang tin CCTV Trung Quốc ngày 19/11 cũng cho biết gần đây một trung đoàn máy bay ném bom của lực lượng đường không hải quân Trung Quốc đã triển khai huấn luyện chiến đấu chuyển từ vùng biển này đến vùng biển kia trong thời gian dài.
Hoạt động huấn luyện lần này mô phỏng chi viện cho đơn vị bạn tác chiến, khẩn cấp hành động, hoàn thành các nhiệm vụ huấn luyện như tấn công mô phỏng nhiều mục tiêu và bay siêu thấp trên biển trong môi trường xa lạ…
Trên thực tế, những năm gần đây, với thực lực kinh tế, quân sự không ngừng tăng cường, hải, không quân Trung Quốc gia tăng triển khai các hành động quân sự tại các vùng biển trong khu vực như biển Hoa Đông, Biển Đông, thậm chí vươn xa hơn như Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương…
Việc vươn xa của quân đội Trung Quốc là một thực tế đối với một nước có lợi ích quốc gia đang mở rộng trên toàn cầu của họ, nhưng những hành động quân sự nhằm hậu thuẫn cho “yêu sách chủ quyền” trên biển một cách phi pháp của họ đang gây nhiều lo ngại cho cộng đồng quốc tế.