Trang tin Sina (Trung Quốc) ngày 15/6 cho biết căn cứ vào kế hoạch phòng vệ mới của Nhật Bản, trong 5 - 10 năm tới, trọng điểm phát triển của Lực lượng Phòng vệ tập trung vào Lực lượng Phòng vệ Trên không (không quân).
Bộ Quốc phòng Nhật Bản kêu gọi xây dựng “phiên bản 2.0 Lực lượng Phòng vệ Trên không”, mục tiêu là xây dựng thành một lực lượng không quân có thể đóng vai trò chủ đạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, “vừa có thể đóng vai trò quân đồng minh quan trọng của Mỹ, vừa có thể độc lập đối phó Không quân Trung Quốc”.
Hướng tới “tàng hình” và “tấn công”
Tạp chí Hàng không Thế giới (Nhật Bản) cho hay căn cứ vào quy hoạch, trước năm 2020 Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản sẽ tiếp nhận một loạt trang bị tác chiến mới, gây ảnh hưởng sâu xa đến chuyển đổi sức chiến đấu tổng thể của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Trước hết, Lực lượng Phòng vệ Trên không sẽ từng bước tiếp nhận máy bay chiến đấu F-35, trong đó khả năng tấn công đường không sẽ có sự thay đổi về chất. Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ từng bước tiếp nhận 42 máy bay chiến đấu F-35A để thay thế cho 75 máy bay chiến đấu F-4EJ và RF-4E/EJ hiện có.
Theo kế hoạch phòng vệ trung hạn, đến cuối năm 2019, Nhật Bản sẽ nhận được 28 máy bay chiến đấu F-35A. Do đó, “tàng hình” và “tấn công” sẽ trở thành đặc điểm mới của Lực lượng Phòng vệ Trên không.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lựa chọn Boeing E-737 của hãng Boeing Mỹ làm phiên bản thay thế của máy bay cảnh báo sớm E-2C.
Trong khi đó, đối với việc nhập khẩu máy bay không người lái, Nhật Bản cơ bản xác định máy bay không người lái dòng Global Hawk do Mỹ chế tạo. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ, hiện đã sơ bộ xác định mua sắm RQ-4B để tập trung theo dõi các mục tiêu trên đất liền, đồng thời triển khai ở căn cứ Misawa, tiến hành triển khai hiệp đồng với máy bay cùng loại của quân đội Mỹ.
Ngoài ra, trong vài năm tới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn có kế hoạch trang bị các loại máy bay chi viện và bảo đảm như 17 máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey, 3 máy bay tiếp dầu trên không, 10 máy bay vận tải C-2 và 20 máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K để nâng cao sức chiến đấu đường không tổng thể của Nhật Bản.
Chuyển hướng đến các đảo ở tây nam
Tăng cường “khả năng phòng vệ động thái” các đảo ở tây nam là then chốt của kế hoạch phòng vệ mới. Tập trung vào điều chỉnh triển khai lực lượng đường không Nhật Bản đã phản ánh Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản bắt đầu di chuyển lực lượng đến Okinawa, tập trung nâng cao khả năng tác chiến tại khu vực xung quanh đảo Senkaku.
Theo quy hoạch, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản sẽ tăng 1 phi đội máy bay chiến đấu (vốn có 12 chiếc, quy mô tương đương phi đội của Không quân Mỹ), 1 phi đội máy bay cảnh báo sớm (vốn có 2 chiếc), 1 phi đội máy bay tiếp dầu (vốn có 1 chiếc), các đơn vị tăng mới đều thuộc căn cứ Naha, Okinawa.
Căn cứ Naha cách đảo Senkaku chỉ 400 km, là căn cứ tổng hợp lớn sử dụng chung cho cả Lực lượng Phòng vệ Trên không và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Ngoài ra, trước đây, Nhật Bản chưa triển khai cố định lực lượng máy bay cảnh báo sớm ở các đảo tây nam, 2 phi đội máy bay cảnh báo sớm hiện có lần lượt triển khai ở căn cứ Misawa phía bắc (trang bị 13 chiếc E-2C) và căn cứ Hamamatsu ở miền trung (trang bị 4 máy bay E-767).
Hiện nay, Nhật Bản rõ ràng muốn trực tiếp thành lập phi đội máy bay cảnh báo sớm thứ ba của Lực lượng Phòng vệ Trên không ở Naha, có kế hoạch điều chỉnh một bộ phận máy bay cảnh báo sớm E-2C từ căn cứ Misawa tới, sau đó tiếp tục đổi sang trang bị máy bay cảnh báo sớm E-737.
Máy bay tiếp dầu, máy bay vận tải, hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3, radar cảnh báo sớm mặt đất mới, lực lượng tác chiến mới của Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất tiến hành triển khai ở các đảo tây nam, giúp cho hệ thống lực lượng tác chiến liên hợp của Nhật Bản ở các đảo tây nam ngày càng hoàn đầy đủ.
Các khả năng tác chiến như trinh sát, cảnh báo sớm, phòng không - phòng thủ tên lửa, đột kích đường không và chi viện đối hải, đối đất được nâng lên một cách tổng thể, “đã tăng cường khả năng phản ứng nhanh của Lực lượng Phòng vệ khi ứng phó với các sự kiện bất ngờ ở lân cận đảo Senkaku”.
Điều cần nhấn mạnh là, Nhật Bản đặc biệt coi trọng xây dựng “lực lượng phòng vệ cơ động tổng hợp”, tức là muốn thúc đẩy tiến hành hiệp đồng hết sức chặt chẽ giữa 3 quân chủng (hải, lục, không quân) trong khuôn khổ “tác chiến trung tâm mạng”.
Trên thực tế, trong tương lai, Lực lượng Phòng vệ sẽ tập trung thúc đẩy khả năng trên các phương diện như cảnh giới, giám sát liên hợp, phòng không - phòng thủ tên lửa liên hợp, cứu nạn liên hợp, phong tỏa, tấn công và phòng thủ đảo liên hợp.
Ngày càng lệ thuộc vào Mỹ
Mặc dù Nhật Bản dựa nhiều hơn vào khả năng khoa học công nghệ và công nghiệp trong nước để hoàn thành đổi mới trang bị, nhưng phân tích kỹ sẽ thấy Nhật Bản không có bất cứ thay đổi nào trong việc lệ thuộc vào trang bị kỹ thuật của Mỹ, thậm chí tiếp tục lệ thuộc sâu hơn.
Chỉ về trang bị đường không, những năm gần đây, bề ngoài, công nghiệp hàng không Nhật Bản có thành tích nổi bật, máy bay tuần tra săn ngầm P-1 và máy bay vận tải C-2 lần lượt ra đời, công tác nghiên cứu chế tạo giai đoạn đầu của máy bay thử nghiệm Shinshin đang được thúc đẩy, nghiên cứu phát triển vũ khí trên máy bay cũng có tiến triển.
Hơn nữa doanh nghiệp Nhật Bản được phép tham gia lắp ráp và thử nghiệm máy bay chiến đấu F-35, tiến hành chế tạo một bộ phận linh kiện. Nhưng hàng loạt những “điềm báo tốt đẹp” này đều chỉ là “cảnh tượng hào nhoáng”.
Trước hết, việc cấu thành của máy bay chiến đấu rất phức tạp, Nhật Bản còn tồn tại những khiếm khuyết khó bù đắp trên một số phương diện công nghệ quan trọng nhất là tích hợp hệ thống.
Thứ hai, chi phí nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới đắt đỏ, trong khi đó, đầu tư cho chương trình nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu Shinshin của Nhật Bản “như muối bỏ biển”.
Thứ ba, bị kiềm chế bởi “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, chi phí vận hành ngành công nghiệp quân sự của Nhật Bản cao. Vì vậy, trong ngắn hạn, công nghiệp hàng không quân dụng Nhật Bản vẫn sẽ lệ thuộc vào Mỹ và vẫn phát triển theo kiểu chạy theo.
Nhìn vào cấu thành và vận dụng lực lượng tác chiến, cục diện “Mỹ chính, Nhật phụ” cũng rất khó thay đổi. Nhìn bề ngoài, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có xu hướng “ngang hàng” với quân đồn trú Mỹ tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, trên toàn bộ hướng Tây Thái Bình Dương, nhất là khu vực các đảo tây nam, “chất và lượng” của Quân đội Mỹ đều vượt xa Lực lượng Phòng vệ Trên không.
Các máy bay chiến đấu tiên tiến như B-2, F-22 và EA-18G cùng với hơn 300 vệ tinh dẫn đường, thông tin và trinh sát hoạt động trên quỹ đạo của Quân đội Mỹ là những lực lượng mà Nhật Bản không thể thay thế.
Quân đội thông tin hóa tập trung nhấn mạnh đến tính hoàn chỉnh và tính tổng thể của cơ cấu hệ thống quân sự, không thể thiếu một trong các yếu tố và đơn vị tác chiến; trong khi đó việc xây dựng hệ thống tác chiến thông tin hóa đầy đủ phải có rất nhiều hỗ trợ về kinh phí.
Như vậy, Nhật Bản chỉ có thể đưa hệ thống quân sự của mình vào hệ thống tác chiến toàn cầu của Quân đội Mỹ mới có thể thực sự phát huy tác dụng. Hơn nữa, cùng với việc đẩy sâu chiến lược, Mỹ tiếp tục đặt ra yêu cầu cao hơn đối với sức mạnh quân sự tổng thể của các đồng minh châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Nhật Bản, sức mạnh quân sự của Nhật Bản chắc chắn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn “càng xây dựng, càng lệ thuộc”.
Những năm gần đây, Mỹ khuyến khích Nhật Bản phát triển sức mạnh quân sự, mục đích chẳng qua là để tăng cường kiểm soát có hiệu quả của họ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là thực hiện “kiểm soát hoàn toàn” đối với các nước đồng minh và đối tác.
Với ý nghĩa này, lực lượng tác chiến đường không Nhật Bản cho dù chuyển đổi như thế nào thì địa vị của nó vẫn chỉ là “lực lượng đường không không thuộc biên chế” của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.