1. Máy bay có khả năng gấp thành ô tô
Nhà sáng chế: Štefan Klein and Juraj Vaculík
Công ty: AeroMobil
Độ hoàn thiện: 2/5
Sau nhiều năm mày mò sang chế, tháng 10/2014, nhà sáng chế Klein đã đưa nguyên mẫu thứ 4 của chiếc máy bay gấp AeroMobil 3.0 tới một phi trường ở Nitra, Slovakia, mở chiếc cánh của máy bay và cất cánh trên bầu trời. Chiếc máy bay này bay ở độ cao 243 mét so với mặt đất và hạ cánh ngay tại phi trường đó. Về sau, AeroMobil đã thực hiện hơn 40 lần bay thử.
Nguyên lý hoạt động của sản phẩm này như sau: Phần cánh có khả năng điều chỉnh để có thể tối ưu góc cất và hạ cánh. Điều này cho phép chiếc máy bay kiêm ô tô này giảm quãng đường và tốc độ cần thiết để cất cánh. Nhờ vật liệu nhẹ, bao gồm phần thân làm bằng hợp chất carbon phủ lên trên phần khung bằng thép và phần bánh xe bằng carbon chỉ nặng 2,7kg, chiếc máy bay có trọng lượng rất nhẹ. Nguyên mẫu này sở hữu chiếc động cơ 100 mã lực với 4 xy-lanh Rotax 912 chạy bằng xăng thông thường, vì thế người lái có thể ra các trạm xăng để đổ đầy bình cho chiếc “máy bay”. Một hệ thống treo mạnh sẽ nâng cao hiệu năng trên đường và giúp chiếc máy bay có thể cất cánh và hạ cánh trên những đoạn đường gồ ghề. Máy bay còn có chế độ lái tự động hai trục nhờ vào một hệ thống điện tử hàng không Garmin giúp điều khiển độ cao và vận tốc. Trong trường hợp khẩn cấp, thiết bị được trang bị cả dù đạn đạo.
2. Miếng tiêm vắc-xin không cần kim
Nhà phát minh: Katarzyna “Kasia” Sawicka
Công ty: ImmunoMatrix LLC
Độ hoàn thiện: 1/5
Vắc-xin có thể cứu mạng của nhiều người nhưng hầu hết các loại vắc-xin phải được tiêm bằng kim. Kim tiêm vắc-xin là nguyên nhân gây ra nhiều nguy cơ về mất vệ sinh an toàn cũng như vấn nạn về rác thải y tế. Nhà kỹ sư sinh học Kasia Sawicka đã phát minh ra một phương pháp tiêm vắc-xin không đau với miếng dán có tên ImmunoMatrix. Loại miếng dán này có thể tiêm vắc-xin vào người bệnh nhân mà không phá vỡ phần da.
Vì phần da không thể hấp thụ những phân tử lớn một cách dễ dàng nên Sawicka phải tìm một cách khác để đưa vắc-xin vượt qua các rào cản. Khi làm việc ở viện nghiên cứu, cô Sawicka đã phát hiện ra một loại vật liệu thấm nước tốt có tên poly-vinylpyrrolidone có khả năng kéo nước ra khỏi làn da. Khi độ ẩm quay trở lại, lớp bên ngoài cùng của làn da bị sưng lên, và cho phép nhiều phân tử thâm nhập hơn so với mức thông thường. Sau nhiều năm, cô Sawicka đã tối ưu hóa quá trình này bằng cách kết hợp loại polymer trên với dung dịch vắc-xin để tạo nên những sợi nano có diện tích bề mặt lớn và đưa những sợi này vào thành một tấm. Thử nghiệm trên chuột và da người nhân tạo đem lại kết quả rất tốt.
3. Máy quản lý ô nhiễm cá nhân
Nhà phát minh: Kevin R. Hart and Laura Moe
Công ty: TZOA Wearables
Độ hoàn thiện: 3/5
Sau khi cùng rời khỏi một sự kiện khoa học vào năm 2013, anh thợ điện Kevin R. Hart và cô y tá Laura Moe đã quyết định tạo ra một thiết bị đeo có khả năng thu thập dữ liệu theo mọi bước chân của người dùng. Sau khi lên kế hoạch và vạch ra cách thức hoạt động của bộ cảm biến, hai người này đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ phòng nghiên cứu MakerLabs tại Vancouver, British Columbia để có thể phát triển thêm ý tưởng của mình.
Anh Hart và một nhóm các nhà vật lý học khác đang tìm cách tạo ra một chiếc máy kiểm soát mức độ ô nhiễm một cách chính xác và nhỏ hơn bất cứ chiếc máy nào đang được bán trên thị trường.
Nhà thiết kế công nghiệp Afshin Mehin đã giúp thiết bị có được vẻ ngoài bắt mắt. Kích thước của sản phẩm chỉ bé bằng chiếc bánh Oreo và có thể đo được tia cực tím và các hạt vật chất, một thành phần chủ chốt quyết định độ ô nhiễm.
Hart và Moe dự định bán chiếc máy TZOA với giá 99 USD. Các nhà khoa học muốn sử dụng những bộ cảm biến này để xác định nguồn gây ô nhiễm nhưng Hart lại nhìn thấy tiềm năng lớn hơn của sản phẩm này trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe. Sử dụng dữ liệu thu thập được từ TZOA, bố mẹ có thể bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi những khu vực ô nhiễm, vận động viên có thể lên kế hoạch cho những lộ trình luyện tập ít bị ô nhiễm nhất theo giờ trong ngày.
4. Chảo rán dạy bạn cách nấu ăn
Nhà phát minh: Humberto Evans, Mike Robbins, Kyle Moss, Yuan Wei
Tên công ty: CircuitLab
Độ hoàn thiện: 5/5
Thay vì ăn trong căng-tin của trường, Humberto Evans tự nấu ăn riêng. Trái lại Mike Robbins còn chẳng biết tráng trứng. Robbins chỉ có thể nấu được nếu Evans hướng dẫn cho mình từng bước. Cả hai nhận ra mọi người đều cần ai đó hướng dẫn cho mình cách nấu nướng. Với sự giúp đỡ của hai kỹ sư cựu sinh viên đại học MIT, Kyle Moss và Yuan Wei, họ đã tạo ra chiếc chảo thông minh đầu tiên trên thế giới với tên gọi Pantelligent. Chiếc chảo này có khả năng cảm biến nhiệt và truyền tải dữ liệu qua công nghệ Bluetooth trên cán cầm. Một ứng dụng trên smartphone sẽ sử dụng thông tin này để quyết định xem đã đến lúc thực hiện bước tiếp theo trong công thức chưa và sẽ thông báo với người sử dụng.
Người sử dụng có thể lựa chọn những công thức theo chương trình cài sẵn ví dụ như trứng rán, gà sốt cay hoặc lựa chọn chế độ nấu tự do. Sau khi lựa chọn chế độ nấu này, người dùng có thể ghi lại quá trình nấu và chia sẻ công thức.
5. Phòng xét nghiệm y tế nhỏ như chiếc hộp âm nhạc
Nhà sáng chế: Manu Prakash và George Korir
Công ty: Đại học Standford
Độ hoàn thiện: 4/5
Sản phẩm này khá dễ sử dụng với một con chip và một dụng cụ đục lỗ để thực hiện những phản ứng hóa học phức tạp ví dụ như chẩn đoán bệnh dựa trên mẫu máu. Kể cả những người chỉ được đào tạo chút ít về y học tại những vùng nông thôn và các quốc gia đang phát triển cũng có thể xác định và kiểm soát những căn bệnh nguy hiểm. Một thiết bị với 15 lỗ đục sẽ có giá chỉ 5 USD.
Chiếc máy hoạt động như sau: Sau khi bỏ mẫu phẩm vào, ví dụ như máu, người sử dụng lựa chọn một thẻ đục lỗ để thực hiện một phản ứng nhất định và điều chỉnh những bánh răng. Khi một chiếc răng của bánh răng trượt vào một lỗ đã được đục, một chiếc răng khác sẽ ép ra một dòng chất lỏng để bơm chất hóa học qua một con chip vi chất lỏng có thể tháo rời.
Những chiếc lỗ đục này có thể điều khiển lượng chất lỏng chảy ra với lượng chính xác. Khi mẫu phẩm chảy qua các đường dẫn trên chip, nó có thể tạo ra 15 phản ứng hóa học khác nhau. Người sử dụng kiểm tra kết quả qua những ống kinh đi kèm với chức năng phóng to hình ảnh hàng trăm lần.
Theo ICT News