49% người dùng Việt Nam gỡ cài đặt app thương mại điện tử, tỷ lệ cao nhất Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo thống kê của iPrice Group, khoảng gần một nửa số người tiêu dùng ở Đông Nam Á đã gỡ cài đặt app thương mại điện tử, trong đó tỷ lệ gỡ cài đặt của Việt Nam là cao nhất.
(ảnh minh họa: Marketech)
(ảnh minh họa: Marketech)

Với việc thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng trở nên tiện dụng trong đại dịch Covid-19, người mua sắm cũng ngày càng trở nên chọn lọc hơn với các ứng dụng (app) TMĐT mà họ đang sử dụng.

Theo một báo cáo được công bố gần đây do iPrice Group hợp tác với SimilarWeb và AppsFlyer thực hiện, trong quý I và quý II năm 2020, trung bình một nửa số người tiêu dùng ở các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore, đã gỡ bỏ các ứng dụng mua sắm. Tỷ lệ gỡ cài đặt trung bình cao nhất là Việt Nam với 49%, tiếp theo là Indonesia (47%), Malaysia (41%), Thái Lan (37%) và Singapore (36%).

Tuy nhiên, việc gỡ app không phải là một chỉ số tiêu cực. Nó phản ánh việc chọn lọc các app TMĐT của người tiêu dùng.

Khi phân tích việc chuyển đổi app, báo cáo cho thấy số lượt cài đặt cũng tăng lên. Với 12,4 triệu lượt cài đặt được phân tích, cho thấy mức tăng trung bình 2% về lượt cài đặt tự nhiên trên các app mua sắm thuộc nền tảng iOS và Android trong khu vực Đông Nam Á giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020.

Báo cáo thống kê một số lý do khiến người tiêu dùng cài đặt các app mua sắm, bao gồm: bị hạn chế ra ngoài do giãn cách xã hội, các chiến dịch khuyến mãi mua hàng trực tuyến như giảm giá và miễn phí vận chuyển, các tính năng tiện dụng của app. Một số công ty TMĐT hợp tác với những người nổi tiếng như tài tử Lee Min-ho, nhóm nhạc Blackpink, cầu thủ Cristiano Ronaldo... cũng là những yếu tố hấp dẫn người dùng.

Báo cáo cho thấy các nền tảng mua sắm trực tuyến trên khắp Đông Nam Á năm 2020 đã đạt được mức tăng tích cực so với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng nhiều nhất là Singapore với 35%, tiếp theo là Philippines (21%), Việt Nam (19%), Malaysia (17%), Thái Lan (15%) và Indonesia (6%).

Lưu lượng truy cập vào các cửa hàng trực tuyến cũng tăng 52% so với quý I năm 2020, chứng tỏ người tiêu dùng ở hầu hết các quốc gia trong khu vực tìm đến các cửa hàng trực tuyến thay vì cửa hàng ngoài đời thực do giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, các nền tảng cung cấp các sản phẩm mỹ phẩm cho thấy lưu lượng truy cập web giảm 35% từ quý đầu tiên đến quý IV năm 2020. Các trang web thời trang và điện tử cũng giảm lưu lượng truy cập tới 14% ở 6 quốc gia nói trên.

Việc truy cập nhiều hơn vào các nền tảng mua sắm trực tuyến kéo theo sự gia tăng chi tiêu trung bình. Nghiên cứu tương tự cho thấy chi tiêu trung bình của người tiêu dùng Đông Nam Á tăng 19%. Mặc dù các trang web thời trang và điện tử có lưu lượng truy cập web giảm 14% nhưng kích thước giỏ hàng trung bình cho các danh mục này đã tăng đáng kể, cũng như đối với các sản phẩm thể thao và dùng ngoài trời.

Theo nghiên cứu, người tiêu dùng ở Đông Nam Á chi trung bình tổng thể 2 USD cho mỗi đơn hàng vào năm 2020, cao hơn 19% so với năm 2019. Singapore ghi nhận mức chi tiêu trung bình 61 USD cho mỗi đơn hàng, trong khi Malaysia đạt 41 USD - cả hai đều cho thấy quy mô giỏ hàng trung bình cao nhất vào năm 2020 trong khu vực.

iPrice cũng lưu ý rằng những thay đổi bất thường này đã cho thấy một dấu hiệu của sự tăng tốc kỹ thuật số trong bán lẻ trực tuyến bất chấp đại dịch toàn cầu đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong khu vực.