Phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của VNG có sự tham dự của các cổ đông sở hữu và đại diện cho hơn 19,6 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 69,76% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó, các cổ đông đã biểu quyết thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 của VNG với doanh thu dự kiến khoảng 6.714 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông dự kiến khoảng 299 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế cho công ty dự kiến âm khoảng 246 tỷ đồng.
Lý giải về kế hoạch lợi nhuận âm, ban lãnh đạo VNG cho biết con số âm 246 tỷ đồng chỉ là ghi nhận theo nguyên tắc kế toán trên báo cáo hợp nhất, thực tế lợi nhuận cho các cổ đông của VNG là 299 tỷ đồng. Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, VNG sẽ tập trung nhiều cho các sản phẩm chiến lược dài hạn, trong đó có ZaloPay.
Ví điện tử ZaloPay được cho là có nhiều lợi thế, hưởng lợi từ tệp khách hàng là 100 triệu người sử dụng Zalo, bên cạnh các khách hàng mảng game của VNG. Dù để lại nhiều con số ấn tượng về thị phần, đơn vị vận hành ZaloPay là CTCP Zion (Zion) vẫn đang chìm trong thua lỗ.
Hé lộ mức định giá của ZaloPay |
Ví điện tử chỉ là một trong những cuộc đua “đốt tiền” mà VNG đang theo đuổi. CTCP Ti Ki (Tiki) - đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử cùng tên - cũng nhiều năm liền báo lỗ. Tương tự Zion, tỷ lệ sở hữu tại Tiki của VNG cũng có xu hướng giảm dần.
VNG là một trong những “kỳ lân” công nghệ nổi bật của Việt Nam, từng được định giá lên tới hàng tỷ đô và đón nhận nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VNG cũng là một trong những vấn đề được cổ đông và dư luận quan tâm.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ, đại diện của VNG cho biết tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty là 48,08%.
Con số này vẫn nằm trong giới hạn sở hữu nước ngoài áp dụng đối với các ngành nghề kinh doanh của VNG là 49%, song đã có sự tăng trưởng so với mức 47,89% tại thời điểm cuối tháng 12/2018. Mà ở thời điểm đó, như VietTimes từng đề cập, nếu tính trên số cổ phiếu có quyền biểu quyết, số cổ phần mà các nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ đã chiếm tới 62% số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành tại VNG.
Các cổ đông cũng bỏ phiếu bầu HĐQT VNG nhiệm kỳ 2020 - 2025 với 5 thành viên. Trong đó, ông Lê Hồng Minh vẫn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT, 4 thành viên còn lại bao gồm: ông Vương Quang Khải, bà Jung Won Byun, ông Bryan Fredric Pelz, ông Vũ Việt Sơn. Đáng chú ý, HĐQT nhiệm kỳ mới của VNG sẽ không nhận thù lao.
Năm 2019, VNG báo lãi sau thuế 454,8 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2018. Tuy nhiên, các cổ đông đã thông qua việc không chia cổ tức năm 2019./.