|
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Trọng Đạt cho biết Cục Chống tham nhũng chỉ là cơ quan được giao làm đầu mối tổng hợp việc kê khai tài sản, thu nhập từ các Bộ, ngành, địa phương gửi về. “Với mấy chục người trong Cục thì không thể thẩm tra, kiểm tra lại toàn bộ gần 1 triệu bản kê khai tài sản, thu nhập trên cả nước”- ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, việc kiểm soát và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức hiện nay đã được phân cấp rõ ràng, cụ thể. “Không có cơ sở nào để nghi ngờ, thẩm định lại tất cả báo cáo của người ta (ý nói các Bộ, ngành, địa phương - PV) được. Chỉ khi nào có khiếu nại về việc kê khai tài sản của cán bộ nào đó thì chúng tôi mới có cơ sở yêu cầu báo cáo, kiểm tra lại”- ông Đạt nói.
Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ cho biết tính đến ngày 31/5/2015 có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập về Thanh tra Chính phủ; kết quả có 995.383/999.416 (đạt 99,6%) người đã kê khai; có 979.296 (đạt 98,4%) bản kê khai tài sản thu nhập đã được công khai; 317.167 (đạt 32,4%) bản đã được công khai theo hình thức niêm yết; 662.129 (đạt 67,6%) bản đã công khai theo hình thức công bố.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cho biết trong tổng số 1.225 người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập được cơ quan chức năng xác minh chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực. Thông tin này đã gây ra rất nhiều băn khoăn, thắc mắc trong dư luận.
Thanh tra Chính phủ cho biết từ nay tới cuối năm sẽ triển khai kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng làm cơ sở sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật này; đồng thời đánh giá tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng theo Thông tư số 04/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy tại cơ sở giáo dục, đào tạo; đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng; tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo tham nhũng; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin và phát hiện, xử lý tham nhũng.
Theo Dân trí