Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, việc triển khai phần mềm ứng dụng theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp mới này sẽ cho phép hằng ngày có thể cập nhật diễn biến rừng.
Bất cứ một diễn biến mới nào của rừng, một diện tích, một lô rừng nào thay đổi trạng thái do cháy rừng, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng… đều có thể cập nhật trực tuyến.
Những năm vừa qua, việc cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp thường được thực hiện vào năm sau đó. Các tỉnh nộp báo cáo lên Bộ NN&PTNT trước ngày 31/3 hằng năm. Bộ sẽ tổng hợp và công bố diện tích rừng của năm trước đó vào tháng 6 hằng năm.
“Với phần mềm mới này sẽ không còn công việc như vậy nữa. Bất cứ diễn biến rừng nào từ 1/1/2016 đến nay đều có thể cập nhật ngay vào cơ sở dữ liệu. Đến hết năm 2016, hoàn toàn có thể có dữ liệu hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp của năm nay để công bố ngay vào đầu năm 2017”, ông Nguyễn Bá Ngãi nói.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện đã có 40/60 tỉnh, thành phố với 5,63 triệu lô rừng của 830.000 chủ rừng đã được cập nhật vào hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. Trong năm nay sẽ cập nhật tiếp 20 tỉnh, thành phố còn lại.
Hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được xây dựng qua Dự án Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam - giai đoạn II (FORMIS II) nhằm hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp trong việc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.
Hệ thống sẽ lưu trữ, cũng như quản lý và khai thác hiệu quả dữ liệu điều tra kiểm kê rừng toàn quốc và các dữ liệu theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong bộ cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng quốc gia.
Mọi diễn biến về rừng và đất lâm nghiệp như hoạt động, rủi ro, diễn biến sử dụng đất và quyền sở hữu rừng sẽ được cập nhập liên tục vào hệ thống cơ sở dữ liệu điều tra kiểm kê rừng toàn quốc; đưa ra thông tin cập nhật về tài nguyên rừng bằng cách cung cấp báo cáo về hiện trạng và diễn biến rừng.
Báo cáo này sẽ hỗ trợ cho mục đích thống kê, xây dựng chiến lược, kế hoạch cho phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên rừng.