40% người dùng dịch vụ di động vẫn sử dụng 2G

Qualcomm cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều thuê bao sử dụng 2G, nếu nhà mạng muốn tăng doanh thu thì phải có chính sách hỗ trợ các thuê bao này lên 3G và 4G. Theo thống kê của Qualcomm, Việt Nam còn 30-40% người dùng dịch vụ di động vẫn sử dụng 2G.
Các nhà mạng có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình này nếu có chính sách hỗ trợ máy đầu cuối cho khách hàng.
Các nhà mạng có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình này nếu có chính sách hỗ trợ máy đầu cuối cho khách hàng.
Ông Patrick Tsie, Giám đốc công nghệ Qualcomm khu vực Đông Nam Á cho rằng, còn một lượng lớn thuê bao sử dụng điện thoại cơ bản (feature phone), có thể do điều kiện kinh tế, hoặc do sở thích cá nhân. Một số người cũng chỉ thích và có nhu cầu sử dụng những dịch vụ cơ bản. Qualcomm nắm bắt được nhu cầu đó, và trong xu thế chuyển đổi từ 2G lên 4G, đã đưa ra một nền tảng có giá cả hợp lý, hỗ trợ các dịch vụ truyền thống như thoại và nhắn tin, nhưng có chất lượng cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, có khả năng hỗ trợ những ứng dụng dữ liệu mới như Whatsapp, Facebook và như vậy người dùng vẫn sử dụng thiết bị quen thuộc với màn hình nhỏ, bàn phím vật lý, kích thước nhỏ gọn, nhưng được trải nghiệm dịch vụ cơ bản như thoại và nhắn tin với chất lượng cao hơn và từng bước trải nghiệm các dịch vụ dữ liệu trên web. Sau đó, khi đã quen rồi, những người dùng này có thể dễ dàng chuyển sang sử dụng smartphone.

Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết, đây là lần đầu tiên Qualcomm thiết kế một chipset giúp dòng điện thoại cơ bản có thể kết nối 4G. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, số lượng người dùng điện thoại cơ bản rất nhiều vì hai lý do: không có khả năng mua được điện thoại thông minh, và nhiều người dùng có thói quen dùng bàn phím vật lý.

"Việc nhanh chóng chuyển thuê bao 2G lên 3G và 4G đem lại nhiều hiệu quả cho nhà mạng bởi điều này sẽ thúc đẩy doanh thu trên mỗi thuê bao tăng, đồng thời giảm chi phí vận hành mạng 2G. Với tầm nhìn 5G, nếu các nhà mạng phải vận hành 4 lớp: 2G, 3G, 4G, 5G – thì đó là một khó khăn và chi phí rất lớn. Khi chuyển thuê bao 2G lên 3G và 4G nhà mạng sẽ có thêm băng tần để phục vụ cho mạng băng rộng. Thế nhưng, để phục vụ những người dùng có thói quen sử dụng điện thoại cơ bản và để nhà mạng có thể chuyển sang 4G và giải phóng băng tần, phải có một giải pháp để hỗ trợ các thuê bao 2G này", ông Thiều Phương Nam nói.

Ông Thiều Phương Nam cho biết, Qualcomm đưa ra mục tiêu là điện thoại cơ bản kết nối 4G này phải có tầm giá dưới 30USD để tiếp cận đến nhiều người. Bên cạnh đó, chiếc điện thoại này ngoài thoại, nhắn tin thông thường phải chạy được một số ứng dụng cơ bản như Facebook, Zalo…

Mantosh Malhotra, Phó Chủ tịch Qualcomm Đông Nam Á lý giải có thể nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi vì sao phải cần đến điện thoại cơ bản hỗ trợ 4G? Nếu có chiệc điện thoại này thì nhiều người quen sử dụng điện thoại cơ bản vẫn được tiếp tục dùng chiếc điện thoại quen thuộc, và sẽ có trải nghiệm rất khác trên chiếc điện thoại cơ bản của mình. Bên cạnh đó, khi người dùng được sử dụng nhiều tính năng hơn trên điện thoại cơ bản, họ sẽ gia tăng mức độ sử dụng, và qua đó APU (doanh thu bình quân trên thuê bao) tăng lên, mang lại lợi ích cho nhà mạng.

Hiện tại Việt Nam các nhà mạng và cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra lộ trình cụ thể để tắt sóng 2G. Tuy nhiên, một vài ý kiến cho rằng thời điểm Việt Nam có thể bắt đầu thực hiện là năm 2020. Các nhà mạng có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình này nếu có chính sách hỗ trợ máy đầu cuối cho khách hàng.

Theo ITCNews 
http://ictnews.vn/vien-thong/nha-mang-co-the-dung-dien-thoai-cuc-gach-moi-ho-tro-thue-bao-2g-len-4g-157262.ict