|
Lễ mừng phát điện thương mại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 đã được Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) tổ chức vào cuối tuần qua, sau hơn 1 tháng Tổ máy số 2 vào vận hành thương mại.
Được khởi công vào tháng 10/2011, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 có công suất 1.080 MW, sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn bao gồm 2 tổ máy. Tổng mức đầu tư của Nhiệt điện Mông Dương 1 là 37.400 tỷ đồng, tương đương 1,769 tỷ USD.
Là công trình điện cấp bách trong Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét tới năm 2030, việc thu xếp vốn cho dự án đã về đích với 930 triệu USD vay ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 510 triệu USD vay thương mại từ Ngân hàng KEXIM (Hàn Quốc). Phần vay trong nước và nguồn vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 329 triệu USD.
Sau hơn 3 năm xây dựng, Tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 đã hòa lưới điện lần đầu ngày 6/1/2015 và chính thức bàn giao vận hành thương mại tháng 10/2015. Tiếp đó ngày 22/5/2015, Tổ máy số 2 cũng đã hòa lưới lần đầu và được bàn giao vận hành thương mại từ ngày 3/12/2015.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 giúp bổ sung nguồn cấp điện, tăng tỷ lệ dự phòng công suất, tăng độ an toàn và ổn định cho hệ thống điện cả nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Trung tâm Nhiệt điện Mông Dương còn có thêm Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 được đầu tư theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) của các nhà đầu tư nước ngoài. Được khởi công xây dựng vào tháng 9/2011, Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 gồm hai tổ máy, với tổng công suất 1.240 MW, sản lượng điện khoảng 7,6 tỷ kWh đã sớm thu xếp xong vốn, giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đã vào vận hành thương mại từ tháng 4/2015, nhanh hơn kế hoạch đặt ra khoảng 6 tháng.
Có quy mô đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương II của Công TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương, được thành lập với sự tham gia của Công ty AES Corporation (Mỹ), Posco Power (Hàn Quốc) và China Investment Corporation (Trung Quốc), sẽ bàn giao cho phía Việt Nam sau 25 năm vận hành.
Trước đó, để có mặt bằng sạch phục vụ xây dựng Trung tâm Điện lực Mông Dương, việc giải toả 376 hộ dân với kinh phí đền bù 250 tỷ đồng, san gạt 5 quả núi, lấp dòng sông Mông Dương cũ dài khoảng 2,3 km và đào một kênh nắn dòng mới khoảng 1,2 km với tổng khối lượng đào đắp khoảng 6 triệu m3 đất đá đã được phía Việt Nam thực hiện.
Với sự có mặt của Trung tâm Điện lực Mông Dương, Quảng Ninh đã trở thành trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước ở thời điểm này với tổng công suất chiếm 18% tổng công suất phát điện của cả nước.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có thêm các công trình nguồn điện mới vào vận hành như dự tính, giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu về điện của nền kinh tế, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay, sau rất nhiều năm, lần đầu tiên ngành điện đạt được “giấc mơ” có dự phòng về nguồn.
Có được kết quả này là nhờ nhịp độ, tốc độ đầu tư vào ngành điện những năm qua rất lớn. Riêng EVN đã đầu tư hơn 492.000 tỷ đồng cho nguồn và lưới điện trong giai đoạn 2011-2015 và dự kiến sẽ thực hiện 600.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.
Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất trong những năm tới, ngành điện tiếp tục phải phát triển mạnh và đồng bộ hơn nữa. “Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã đặt ra cho ngành điện những nhiệm vụ cụ thể và rất nặng nề trong những năm tới, trong đó phát triển nguồn điện đảm bảo cung cấp điện là nhiệm vụ trọng tâm với mức bổ sung công suất nguồn điện mới hàng năm có thể lên đến 5.000-7.000MW”, Phó thủ tướng nói.
Theo Báo đầu tư