36 tên lửa Tomahawk Mỹ tập kích Syria “biến mất“: Nga ra tay hay chuyện gì? (II)

VietTimes -- Rất nhiều chính trị gia phương Tây và các nhà bình luận chính trị cho rằng, vụ tấn công tên lửa Tomahawk là một đòn giáng mạnh vào vị thế của Nga ở khu vực Trung Đông nói chung và vị thế của tổng thống Nga V.Putin nói riêng. Hậu quả nào xảy ra sau cuộc tấn công tên lửa Tomahawk ở Nga, Mỹ và Syria.
Khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahawk (ảnh minh họa)
Khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahawk (ảnh minh họa)

(tiếp theo kỳ trước)

35 tên lửa Tomahawk Mỹ tập kích Syria “biến mất“: Nga ra tay hay chuyện gì?

Các hãng truyền thông danh tiếng thế giới luôn nhận định tổng thống Nga như một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất hành tinh. Chính giới Mỹ cho rằng, trên chính trường Trung Đông, vị thế của tổng thống Nga phủ bóng lên quyền lực của tổng thống Mỹ, Nga đang kiểm soát tình hình ở Syria. Chống lại những cuộc tấn công của đảng Dân chủ Mỹ và các nhóm diều hâu, tổng thống Donald Trump phải chấm dứt những suy nghĩ đó bằng hành động thực tế và mạnh mẽ.

Bằng cuộc tấn công quyết đoán, tính toán đến những khả năng đánh chặn và không đánh chặn của Nga, xác định hiệu quả hủy diệt của tên lửa Tomahawk chính quyền tổng thống Trump hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả của đòn tấn công. Và văn phòng Donald Trump đã đúng trên hầu hết mọi dự đoán đặt ra.

Cuộc tấn công ngày 07.04.2017 hoàn toàn không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là kết quả của một hành động bột phát mang tính tình huống. Cuộc tấn công của Mỹ là kết quả của một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình chính trị Trung Đông, bắt đầu ngay khi tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Đây là bước đầu tiên của một chính sách, sẽ từng bước điều chỉnh nhằm đẩy bật ảnh hưởng của Nga và Iran ra khỏi Trung Đông, phá hoại những kết quả đạt được của Nga ở Syria và hoàn thiện chủ trương lật đổ chính quyền Assad.

Để làm được điều này, Mỹ cần phải gắn kết lại lực lượng đồng minh như Ả rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và một số nước khác. Không phải ngẫu nhiên mà trước cuộc tấn công, tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp với thủ tướng Israel Netanyahu, hoàng tử Ả rập Xê út Muhammad bin Salman, vua Jordan Abdullah II, cũng như chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Một thỏa thuận về hành động tập thể đã được hình thành. Điều đó được thể hiện trong những cáo buộc Damascus và thống nhất trong tuyên bố: "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động của Mỹ".

Một trong những hiệu ứng của cuộc tấn công là gây ra sự nghi ngờ nghiêm trọng vai trò của Nga trong cuộc chiến Syria. Cộng đồng thế giới đã quen với khái niệm, Nga đang sử dụng lực lượng quân sự của mình đề bảo vệ chính quyền Syria và bảo vệ tổng thống Syria Al- Assad. Điều đó được hiểu đơn giản là bất cứ một động thái nào nhằm vào Syria đều là trách nhiệm của Nga.

Nhưng đó là nhiệm vụ bất khả thi, Nga có mặt ở Syria với mục đích duy nhất là chống khủng bố, điều đó được hiểu là nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ và giải quyết những mối quan hệ quốc tế với các quốc gia khác không phải nhiệm vụ của Nga, bao gồm cả việc Israel xâm phạm lãnh thổ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ nuôi dưỡng các tổ chức Hồi giáo cực đoan, xâm phạm lãnh thổ hoặc Mỹ tấn công quân đội Syria, hoàn toàn là trách nhiệm của chính quyền, quân đội và người dân Syria.

Mặc dù đó là thực tế khách quan, nhưng phần đông cộng đồng xã hội coi đó như một thất bại của lực lượng phòng không Nga ở Syria. Trên mạng xã hội, nhiều người đặt câu hỏi về sự bất lực của S-400 hay đặt ra những toan tính của điện Kremlin. Mặc dù hiệu quả tác chiến của Tomahawk không cao, nhưng truyền thông các nước phương Tây đặc biệt ca ngợi sự quyết đoán của tổng thống Mỹ, khẳng định với những hành động quyết liệt như vậy, chắc chắn Nga sẽ phải rút khỏi ý đồ chiến lược ủng hộ chính quyền Syria trong cuộc chiến chống khủng bố  và hoặc rút quân hoặc sẽ sa lầy ở Syria tương tự như Liên Xô ở Afghanistan.

Ngay sau cuộc tấn công của Mỹ vào Syria, tình hình chiến trường Syria có những biến động rõ rệt. Lực lượng Hay’at Tahrir Al-Sham tiến hành các cuộc tấn công dữ dội hơn, các nhóm chiến binh thuộc Quân đội Syria tự do FSA liên tục tấn công quân đội Syria bằng tên lửa TOW, phá hủy hàng chục phương tiện chiến đấu và gây nhiều thương vong.

Mặc dù sân bay Al-Shayrat phục hồi hoạt động chỉ một ngày sau cuộc tấn công, nhưng tinh thần chiến đấu của binh sĩ Syria có sự suy giảm, liên tiếp thất bại ở Hama và Daraa, dù phải thừa nhận rằng, ý chí chiến đấu của binh sĩ Syria không được như mong muốn.

Hầu như các kết quả cần thiết của cuộc tấn công, Nhà Trắng đã đạt được, ngoại trừ một vấn đề nhỏ. Trong buổi họp báo tối ngày 07.04.2017, thiếu tướng Igor Konashenkov tuyên bố, hiệu quả tác chiến của tên lửa Tomahawk quá thấp, chỉ có 23 quả tên lửa đạt đến mục tiêu là sân bay Al-Shayrat. Ngay trong ngày, trang thông tin ANNA News công bố một video, ghi lại toàn cảnh sân bay Al-Shayrat sau cuộc tấn công, tổn thất hoàn toàn không như Washington mong đợi.

Bao nhiêu quả tên lửa đã bay đến mục tiêu?

Vấn đề địa chính trị của cuộc tấn công Tomahawk bị đẩy sang một hướng mới. Hải quân Mỹ khẳng định đã phóng 59 quả tên lửa, 1 quả hư hỏng do lỗi kỹ thuật. Bộ quốc phòng Nga đưa ra con số 23. Một sự chênh lệch quá lớn về tuyên bố cũng như kết quả cuộc tấn công gây nên các cuộc tranh luận dữ dội.

Có hai vấn đề chính đặt ra: Những quả tên lửa còn lại đi đâu? Giả thiết rằng tên lửa rơi xuống biển sẽ đưa đến hàng chục câu hỏi không lời giải đáp như tại sao rơi, rơi ở đâu, yếu tố nào khiến tên lửa rơi, ai hạ những tên lửa này và bằng vũ khí gì?

Giả thiết 1: Nguyên nhân kỹ thuật, đây là điều không thể chấp nhận được, các tên lửa đều rất mới, quá trình đưa vào trạng thái container sẵn sàng chiến đấu được kiểm tra rất kỹ lưỡng. Có thể có 1 vài tên lửa hỏng, nhưng đến hơn 60% tên lửa lại là con số quá lớn.

Giả thiết 2: Bị lực lượng phòng không tác chiến điện tử của Nga hạ, giả thiết này gần với khả năng có thực hơn nhưng lại rơi vào một vấn đề khó giải thích. Phương tiện tác chiến điện tử nào đã hạ các tên lửa Tomahawk của Mỹ. Các tên lửa biến mất, có thể đã rơi xuống biển, vậy phương tiện tác chiến điện tử nào đã hạ Tomahawk, được bố trí trên tàu biển hay trên máy bay, vì sao lại vẫn còn 23 quả tên lửa bay đến mục tiêu?

Mỹ hoàn toàn có thể phát hiện ra các phương tiện mang khí tài EW và lên tiếng cáo buộc Nga trong vai trò của nhà bảo trợ “chính quyền độc tài Assad”, gây tổn thất không nhỏ cho quân đội Nga nếu đưa các cáo buộc này lên các phương tiện truyền thông thế giới và diễn đàn Liên Hiệp Quốc?

Giả thiết 3: Mỹ tuyên bố phóng 59 quả tên lửa, Nga tuyên bố chỉ có 23 quả đánh trúng mục tiêu. Hoàn toàn có thể nói Mỹ đã phóng đại số lượng tên lửa tấn công để gây ấn tượng mạnh cho quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này có vẻ khó tin do 23 tên lửa hoặc 59 tên lửa, hiệu quả địa chính trị từ quyết định tấn công bằng Tomahawk hoàn toàn giống nhau.

Giả thiết 4: Đây chính là giả thiết đáng ngại nhất đối với Washington và cùng là giả thiết kể cả phía Nga và Mỹ đều muốn giữ bí mật. Đó là kế hoạch tiến hành một vụ phóng tên lửa của Mỹ đã được lập sẵn dựa trên một sự kiện nào đó có thể xảy ra, (một vụ nhiễm độc hóa học chẳng hạn) đã bị rò rỉ, Nga nắm được kế hoạch và trang bị cho các phương tiện mang Syria, có thể là tàu biển hoặc máy bay, nhưng gần thực tế hơn là các chiến hạm hạng nhẹ những phương tiện tác chiến điện tử hiện đại. Những bộ khí tài này được triển khai khi phía Mỹ thông báo cho Nga về kế hoạch tấn công, kích hoạt đòn tập kích hạ các Tomahawk xuống biển khi phát hiện tên lửa.

Mỹ có thể nhanh chóng tìm ra phương tiện nào mang khí tài EW đánh chặn tên lửa, nhưng không thể công bố bị quân đội Syria tập kích. Số lượng 23 quả tên lửa thoát được có thể do các chiến hạm Syria thoát ly chiến trường tránh đòn phản kích đường không của Mỹ. Những tên lửa còn lại này đóng vai trò tuyên truyền chống lại các cáo buộc hóa học và tố cáo hành động can thiệp bất chấp luật pháp quốc tế của Nhà Trắng.

Những gì có thể xảy ra hậu Tomahawk?

Cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào lãnh thổ Syria mang lại cho tổng thống mới được bầu Donald Trump một vị thế sức mạnh, phần nào làm dịu đi sự chống đối quyết liệt của những người ủng hộ đảng Dân chủ Mỹ và phái diều hâu, bao gồm cả các tướng lĩnh Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có thể đến Moscow với tối hậu thư dành cho điện Kremlin trong sự lựa chọn hoặc G-7 hoặc Assad.

Các quốc gia đồng minh của Mỹ cũng có được sự tích cực rõ rệt, thể hiện sự đồng thuận rất cao trong việc lên án chính quyền Damascus và tuyên bố ủng hộ cuộc tấn công của Mỹ vào Syria. Nhiều chính khách nước ngoài hy vọng Mỹ sẽ tiến hành những biện pháp cứng rắn hơn nữa với Syria nhằm đạt được mục đích cuối cùng, chính quyền ông Bashar al-Assad sụp đổ. Cuộc tấn công này cũng có ảnh hưởng lớn đến lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Syria, các tổ chức thánh chiến cực đoan như Al-Qaeda Syria và IS không có những tuyên bố ủng hộ như Quân đội Syria tự do FSA, nhưng các cuộc tấn công gia tăng rõ rệt, một trong những kết quả này là vụ khủng bố đẫm máu đánh vào những người dân di tản từ tỉnh Idlib về Aleppo.

Quân đội Syria, sau cú sốc ban đầu của nguy cơ bị tấn công từ phía Mỹ, phục hồi dần tinh thần sau khi sân bay quân sự ở Homs trở lại hoạt động với những tổn thất không đáng kể. Nhưng trên thực tế đang diễn ra những dao động tâm lý nhất định trước nguy cơ một cuộc chiến tranh có thể sẽ kéo rất dài và đẫm máu do Mỹ sẽ can thiệp sâu hơn vào Syria.

Trên phương diện chính trị, xuất hiện nhiều thông tin nghi ngờ về khả năng của Nga trong sứ mệnh tiêu diệt lực lượng khủng bố ở Syria trước sự can thiệp của Mỹ, nhiều người trông đợi vào một động thái đáp trả quyết liệt hơn từ Moscow. Nhưng Moscow chỉ giới hạn bằng những cảnh báo thông thường và tuyên bố sẽ giúp quân đội Syria gia tăng sức mạnh phòng không. Việc rút ra khỏi thỏa thuận chống va chạm không chủ ý không gây căng thẳng cho không quân Mỹ, thông qua các kênh ngoại giao quân sự đặc biệt, các máy bay Mỹ vẫn tiến hành các hoạt động quân sự trên chiến trường Syria.

Việc tăng cường năng lực phòng không của quân đội Syria ít nhất là một thắng lợi. Bộ quốc phòng Nga không đưa ra những chi tiết cụ thể, nhưng có thể dự đoán được, Nga mong muốn Syria xây dựng được một hệ thống phóng không mạnh như ở Hà Nội, đây mới là sứ mệnh khó khăn nhất của các cố vấn quân sự Nga trên chiến trường Syria.

Có thể, sau cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào Syria, trên cơ sở những kết quả đã có, Washington sẽ tính toán hơn nữa, cân nhắc kỹ và thực hiện các cáo buộc tại Liên Hiệp Quốc, khai thác triệt để các phương tiện truyền thông và lưỡng viện trước khi tiến hành các hoạt động quân sự. Nhưng điều đó không có nghĩa là Nhà Trắng sẽ không can thiệp bằng vũ lực. Mỹ có thể sử dụng nhiều giải pháp khác nhau mà vẫn giữ được vị thế sức mạnh và theo đuổi mục đích chính trị, ví dụ như chính thức cung cấp cho FSA tên lửa phòng không MANPAD.

Một hậu quả đáng sợ hơn tất cả, đó là tính liều lĩnh và manh động của lực lượng chiến binh thánh chiến, được các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Đạt được vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk, trong tình huống căng thẳng khác, các nhóm Hồi giáo cực đoan có thể sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc khủng bố khác, tiếp tục cáo buộc chính quyền ông Bashar al-Assad nhằm kêu gọi thêm vũ khí, trang bị và tài chính và những hành động can thiệp quân sự, tương tự như vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk nhưng với quy mô lớn hơn nữa. Điều đó có nghĩa là, Nhà Trắng bắn tên lửa trừng phạt Assad sử dụng “vũ khí hóa học”, trên thực tế đã mở ra nguy cơ gia tăng sử dụng các loại vũ khí hủy diệt lớn, trong đó có cả hóa học. 

Sân bay quân sự Al-Shayrat tiếp tục hoạt động chỉ một ngày sau cuộc tấn công tên lửa

TTB