3 việc lớn đã làm sau 20 ngày đắc cử của Donald Trump đã vẽ lên cơ bản chính sách của tân Tổng thống Mỹ?

VietTimes -- Những công việc quan trọng trong hơn 20 ngày qua của ông Donald Trump là thành lập nội các, xác định trọng điểm cầm quyền trong 100 ngày đầu tiên và thu xếp các bất đồng lợi ích và ân oán cũ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tân Hoa xã ngày 2/12 cho hay, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã hơn 20 ngày. Những ngày này, ông đã làm gì? Phương hướng chính sách đối nội, đối ngoại của ông đã rõ ràng chưa? Một bộ phận người dân phản đối và một số bang kiểm phiếu lại có ảnh hưởng đến vị thế cầm quyền của ông hay không?

Hơn 20 ngày qua, những lời nói và việc làm của ông Donald Trump cơ bản được quy thành 3 loại: Một là thành lập nội các. Hai là xác định trọng điểm cầm quyền 100 ngày. Ba là thu xếp các ân oán cũ và các mối bất đồng về lợi ích.

Xây dựng nội các

Thành lập nội các là một việc lớn quan trọng hàng đầu. Ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2017, ông cần bổ nhiệm khoảng 5.000 quan chức để thay thế một cách thuận lợi, thời gian rất cấp bách.

Trước mắt, ứng cử viên cho các chức vụ quan trọng như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng vẫn chưa được xác định với phương án cuối cùng, họ sẽ là những người thực thi cụ thể về chính sách ngoại giao và quốc phòng của Mỹ, cũng là "chong chóng đo chiều gió" về phương hướng chính sách của ông Donald Trump.

Hạ nghị sĩ Tom Price của bang Georgia được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Y tế và Phục vụ công chúng. Ảnh: Business Live
Hạ nghị sĩ Tom Price của bang Georgia được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Y tế và Phục vụ công chúng. Ảnh: Business Live

Nhìn vào các ứng cử viên đã tuyên bố, ông Donald Trump rõ ràng để lộ ra việc mở rộng nền tảng của ông trong Đảng Cộng hòa, thiên về các nhân vật cứng rắn cánh hữu, coi trọng lợi ích của các "công thần" tranh cử được bản thân tín nhiệm và các lãnh đạo phe ôn hòa Đảng Cộng hòa, nhưng cũng đã gây ra những tranh cãi và lo ngại mới.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, ông Reince Priebus sắp được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Nhà Trắng; người phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump là Steve Bannon sẽ được bổ nhiệm làm Chiến lược gia trưởng và cố vấn cao cấp của Tổng thống.

Trong đó, ông Reince Priebus là phe chính thống điển hình, có quan hệ tốt với Quốc hội, có tình giao hảo với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Còn ông Steve Bannon là phe chống chính thống điển hình, luôn theo sát ông Donald Trump trong thời gian tranh cử, nhưng ông bị lên án mạnh mẽ bởi các phát biểu kỳ thị chủng tộc và bài ngoại. Hai người này phối hợp công tác như thế nào đã tạo ra một mối lo ngại mới.

Ngoài ra, ông Donald Trump còn đề cử Steven Mnuchin, cựu đối tác Tập đoàn Goldman Sachs làm Bộ trưởng Tài chính, tỷ phú Gary Ross làm Bộ trưởng Thương mại, người gốc Hoa Triệu Tiểu Lan làm Bộ trưởng Giao thông, hạ nghị sĩ liên bang Tom Price của bang Georgia làm Bộ trưởng Y tế và Phục vụ công chúng, nhân sĩ ngành bảo hiểm y tế Seema Verma làm người đứng đầu Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid - một cơ quan quyền lực có nhiệm vụ giám sát các chương trình y tế và các tiêu chuẩn bảo hiểm.

Bà Seema Verma được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm người đứng đầu Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid. Ảnh: India Tribune
Bà Seema Verma được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm người đứng đầu Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid. Ảnh: India Tribune

Xác định trọng điểm

Hơn 20 ngày qua, một công việc chính khác của ông Donald Trump là xác định trọng điểm cầm quyền. Trong kế hoạch 100 ngày cầm quyền đầu tiên, ông tái khẳng định nguyên tắc cốt lõi "nước Mỹ trước tiên", tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng hoàn toàn không đề cập đến các cam kết tranh cử quan trọng của ông như dựng bức tường ở biên giới giữa Mỹ và Mexico, hạn chế người Hồi giáo nhập cảnh, loại bỏ chương trình cải cách y tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama và gia tăng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở.

Có tờ báo Mỹ cho rằng một nguyên nhân là thực hiện những cam kết này cần có sự ủng hộ của Quốc hội, không thể thực hiện được trong vòng 100 ngày, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là quan điểm của ông Donald Trump đã thay đổi về chất.

Các cam kết quan trọng trong thời gian tranh cử của ông Donald Trump bao gồm sửa đổi toàn diện mạng lưới giao thông của Mỹ và lật đổ phương án cải cách y tế của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama. Vì vậy, từ việc đề cử 3 nhân vật là Triểu Tiểu Lan, Tom Price và Seema Verma có thể thấy được, ông Donald Trump còn rất coi trọng đối với hai cam kết này.

Mặc dù vậy, sau khi thắng cử, mức độ điều chỉnh chính sách cụ thể của ông Donald Trump rõ ràng có xu hướng hòa hoãn, lập trường của ông trong một số vấn đề quan trọng đã "thụt lùi".

Chẳng hạn, về vấn đề dựng lên bức tường ở biên giới giữa Mỹ và Mexico, trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump tuyên bố bức tường bê tông cao này sẽ được gia cố và kéo dài. Nhưng sau khi thắng cử, ông Donald Trump không tiếp tục yêu cầu Mexico phải chi phí cho xây dựng bức tường.

Đối với chương trình cải cách y tế của ông Barack Obama, lập trường của ông Donald Trump từ kiên quyết loại bỏ đã chuyển sang cân nhắc bảo lưu một phần. Đối với khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp, theo kế hoạch cũ là phải trục xuất toàn bộ; nhưng hiện nay đã chuyển sang trục xuất những kẻ có hồ sơ phạm tội.

Bà Triệu Tiểu Lan, người gốc Hoa, được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Giao thông Mỹ. Ảnh: myhealthbowl
Bà Triệu Tiểu Lan (bên trái), người gốc Hoa, được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Giao thông Mỹ. Ảnh: myhealthbowl

Đối với biến đổi khí hậu, ông Donald Trump chuyển từ chỉ trích đó là trò bịp bợm - sang thừa nhận nó có liên quan đến các hoạt động và sự tồn tại của con người, đồng thời cho biết giữ thái độ "mở" đối với Hiệp định Paris. Đối với việc thẩm vấn cực hình, ông cũng từ chủ trương khôi phục hình thức dội nước sang phản đối rõ ràng.

Thu xếp các bất đồng

Công việc trọng điểm thứ ba của ông Donald Trump là thu xếp các ân oán cũ và bất đồng lợi ích để vào làm ông chủ Nhà Trắng. Ông Donald Trump trước tiên bắt tay thân thiện với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người có nhiều phát biểu phê phán ông trong thời gian tranh cử, từ đó bước vào "thời kỳ trăng mật" của Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Ông còn chủ động chi 25 triệu USD đạt được hòa giải ngoài tòa án với nguyên cáo của vụ kiện lừa gạt tại Đại học Trump; từ bỏ cam kết tranh cử - giao cho quan chức điều tra độc lập để tống đối thủ tranh cử, ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton vào tù, cho biết không có ý định tiếp tục điều tra vụ email của bà Hillary và Quỹ Clinton.

Nhưng, thu xếp sự bất đồng về lợi ích hoàn toàn không phải là việc dễ dàng. Đối với xung đột lợi ích tiềm tàng giữa doanh nghiệp gia tộc và chức vụ Tổng thống, đến nay, ông Donald Trump chỉ cho biết sẽ chuyển việc làm ăn của mình cho con cái trưởng thành quản lý, từ chối tiến hành ủy thác kín (Blind trust) theo thông lệ.

Xét tới doanh nghiệp của ông Donald Trump trải rộng khắp các khu vực của nước Mỹ và ít nhất 20 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, quyết định này của ông đã gây ra tranh cãi to lớn. Một số nghị sĩ lâu năm Đảng Dân chủ đã yêu cầu triển khai điều tra đối với xung đột lợi ích tiềm tàng mà Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây ra.

Một vấn đề tiêu điểm khác mà báo chí Mỹ quan tâm là vai trò ảnh hưởng của người nhà ông Donald Trump đối với các quyết sách của ông, người con rể Jared Kushner được chú ý tới. Ông Donald Trump nhiều lần bày tỏ ca ngợi và tin tưởng đối với Jared Kushner, đồng thời tuyên bố có ý định bổ nhiệm con rể làm đặc phái viên để xử lý xung đột giữa Palestine và Israel.

Jared Kushner, con rể ông Donald Trump. Ảnh: The Straits Times
Jared Kushner, con rể ông Donald Trump. Ảnh: The Straits Times

Chuyên gia phân tích cho rằng, xung đột lợi ích tiềm tàng giữa chức vụ Tổng thống với lợi ích thương mại to lớn của ông Donald Trump và con cái ông, cùng với vấn đề "chính trị thân quen" có thể sẽ là vấn đề nóng được báo chí Mỹ xăm soi trong một khoảng thời gian tương đối dài, đồng thời có thể ảnh hưởng đến sự vững chắc về vị thế cầm quyền của ông Donald Trump.

Cuộc bầu cử năm 2016 là một cuộc bầu cử gây chia rẽ lớn trong xã hội Mỹ. Sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng với tư thế "thiên nga đen", trong lòng nhiều người bất ổn, ở nhiều thành phố lớn và vừa của nước Mỹ tiếp tục nổ ra các cuộc biểu tình phản đối.

Ngoài ra, các bang "dao động" cá biệt còn nổi lên cơn sóng kiểm lại phiếu bầu. Có nhà quan sát cho rằng mặc dù một bộ phận người dân vẫn có thái độ chống lại việc ông Donald Trump vào làm chủ Nhà Trắng, nhưng khả năng kiểm lại phiếu bầu lật ngược kết quả bầu cử hầu như là bằng không.

Ông Donald Trump thắng cử làm cho phương hướng chính sách đối nội, quan hệ ngoại giao và quan hệ nước lớn của Mỹ xuất hiện sự lo ngại to lớn. Đến nay, đội ngũ của ông Donald Trump đang tiến bước một cách khó khăn. Đối với đặc trưng của thời đại Donald Trump vẫn còn phải kiên nhẫn quan sát.