Như chúng tôi đưa tin, liên tiếp các ngày 20-21/10 vừa qua, nhiều chủ phương tiện sống xung quanh trạm thu phí tại km 42+730 quốc lộ 6 (thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình) đã đỗ xe tại 4 làn đường cạnh cabin, không chịu mua vé qua trạm
Một số chủ phương tiện còn chống đối, kích động chủ phương tiện khác không mua vé, thậm chí đâm xe vào barie làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ách tắc giao thông. Sự việc chỉ được giải quyết khi lực lượng chức năng địa phương can thiệp.
Theo Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình, cao điểm là chiều 20/10, khoảng 50 chủ phương tiện tại thị trấn Lương Sơn đã đến trạm thu phí đề nghị Công ty BOT miễn hoặc giảm giá vé đối với các xe đăng ký và người dân hộ khẩu tại thị trấn Lương Sơn với bán kính 5 km.
Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Hòa Bình đã cho biết quan điểm về vụ việc trên.
Về vụ việc người dân phản ứng trước việc thu phí trên Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Lương Sơn, ông đánh giá như thế nào?
Đây là dự án BOT đầu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình do Tổng công ty 36, Bộ Quốc phòng triển khai. Sau một thời gian thi công, họ đưa vào sử dụng và tiến hành thu phí thì bất cập bắt đầu phát sinh. Người dân cho rằng việc thu phí quá cao và đặt ở giữa thị trấn Lương Sơn. Người dân thị trấn chưa đồng tình, có đề xuất, kiến nghị. Một số quá khích tiến tới chặn tại trạm, đề nghị trạm không được đặt ở giữa thị trấn.
Thực ra đặt ở đâu cũng vậy, quan trọng là có chính sách riêng cho cư dân ở đó. Dù có chuyển ra phía ngoài, giáp với Xuân Mai hay chuyển lên Lương Sơn thì người dân tại đó vẫn không đồng tình nếu không có chính sách. Thử hình dung tự nhiên trước cổng nhà mình có trạm thu phí chình ình, hàng ngày mình đi qua đi lại mà phải nộp tiền thì chắc là cả nước không ai chấp nhận.
Người dân phản ứng là đúng, hoàn toàn chính đáng. Cán bộ công chức khu vực Bãi Lạng lên thị trấn làm việc, ngày đi 4 lần, mỗi lần 25.000đ, ngày 100.000đ, một tháng hơn 3 triệu thì sống sao được, đó là chưa kể người ta đi thăm nom bạn bè, đưa con đi học, thì cũng như vậy, taxi đi đón khách 2 km, lượt đi lượt về trả 50k thì lấy tiền của khách bao nhiêu? Có khách nào chấp nhận trả tiền qua trạm không?
Trước sự việc người dân quá khích, ông nhận định thế nào về trách nhiệm của chính quyền địa phương, thưa ông?
Đó là trách nhiệm của địa phương, địa phương phải xử lý. Địa phương cần vào cuộc. Tôi đã làm việc với Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn ngay khi có dấu hiệu chứ không phải đến khi bộc phát nhưng bộ ngành trung ương xử lý chậm. Chính quyền tỉnh hoàn toàn “bó tay” vì ấn định giá do Bộ Tài chính và Bộ giao thông Vận tải, ngay kể cả nhà BOT cũng không có quyền định giá.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện đã trao đổi, làm việc với dân địa phương, họ đồng ý mức giảm 20-30% thì chấp nhận nhưng nhà BOT không làm được mà chờ ý kiến bộ ngành, tạo bức xúc. Nếu Chủ nhật này chưa có thông báo chính thức thì họ sẽ làm một cuộc nữa.
Đồng chí trưởng đoàn đại biểu, Bí thư tỉnh uỷ Hoà Bình đã có trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Được biết, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có chỉ đạo và đã có thông báo giảm mức phí nhưng không biết vụ việc đã được triển khai đến đâu.
Đây là dự án BOT, có cải tạo, nâng cấp, chất lượng đường tốt hơn hẳn. Nhưng với người dân có sử dụng mức độ ít, phải trả cho cả quãng đường 40-50km là chưa hợp lý. Đặt trạm ở đâu cũng vậy. Phải có cơ chế, địa phương nào cũng vậy.
Xin ông cho biết, cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
Địa phương đã kiến nghị, người dân cũng đề xuất. Khi tiếp cận với dân, họ nói không định đi không nhưng phải có mức hợp lý, mỗi tháng 200-300.000đ thì được chứ mấy triệu thì dứt khoát không nộp. Chính sách phải phù hợp với đối tượng, đặc biệt liên quan đến thu nhập người dân.
Cơ chế đặc thù là phải miễn giảm. Ví dụ xe 4 khối đá, khoảng 60.000đ/khối, tức được hơn 200.000 đồng. Nếu họ đi qua 2 lượt thì đã mất hàng trăm ngàn tiền phí, trong khi tiền hàng chỉ có 200 nghìn thì rõ ràng người dân không đồng tình và không đồng tình là đúng.
Cảnh báo cho câu chuyện BOT để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng phải tính toán giảm gánh nặng cho xã hội, để người dân chịu gánh nặng nhất định.
Chúng tôi đang chờ quyết định cuối cùng của các bộ liên quan đến thẩm quyền quyết định việc miễn phí ở mức độ nào. An ninh trật tự ở đó thì người dân cơ bản chấp hành pháp luật, không có gì nghiêm trọng.
Vậy sau vụ việc này, cần phải rút ra bài học nào, thưa ông?
Rõ ràng cần phải tính toán lại về cơ chế huy động nguồn lực BOT. Đương nhiên chúng ta chưa thể làm được ở mức có con đường riêng, quy định đường này thu tiền hoặc không thu tiền.
Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet