|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Theo đó, báo cáo ghi nhận mức lãi suất cho các kỳ hạn dài (trên 6 tháng) đã được đẩy lên mức cao nhất từ 8,5 - 8,7%/năm. Đồng thời, BVSC cũng chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đua lãi suất giữa các nhà băng có quy mô vừa và nhỏ.
Cụ thể, BVSC cho rằng các ngân hàng đang phải chịu áp lực cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số CAR theo tiêu chuẩn Basel II và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải chuẩn bị nguồn vốn cho mùa kinh doanh cuối năm.
Như VietTimes đã đưa tin trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 26/8/2019 đã có văn bản gửi các NHTM cảnh báo hiện tượng một số tổ chức tín dụng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng đồng VND nhan và khá lớn ở một số kỳ hạn.
NHNN đánh giá đây là động thái tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sự ổn định của hệ thống. Do đó, cơ quan này đã yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện theo các văn bản chỉ đạo và quy định của pháp luật. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, bao gồm cả biện pháp “siết” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Ngoài cuộc đua lãi suất huy động, báo cáo của BVSC cũng cho biết trong 2 tuần cuối tháng 8/2019, thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng có dấu hiệu căng thẳng. Mức lãi suất liên ngân hàng đã có lúc tăng lên mức 4,8-5%/tháng trong phiên ngày 27/8 trước khi hạ nhiệt về quanh mức 3,5%/tháng trong những phiên cuối.
“Thanh khoản hệ thống căng thẳng có thể xuất phát từ yếu tố mang tính thời điểm (dịp nghỉ lễ 2/9) cũng như khả năng thay đổi về nguồn vốn KBNN (Kho bạc Nhà nước - PV) gửi tại hệ thống NHTM trong thời gian tới” - báo cáo nhận định.
Nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống, NHNN đã dừng hoạt động phát hành tín phiếu để hút tiền về, thậm chí bơm ròng vốn qua công cụ OMO trong một vài phiên.
Về chỉ số lạm phát, CPI tháng 8/2019 tăng 0,28% so với tháng trước và 2,26% so với năm 2018. Trong đó các nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,24% thấp hơn hẳn so với mức tăng 0,87% của cùng kỳ năm trước. Lạm phát lõi cũng giảm nhẹ xuống mức 1,95%.
Theo BVSC, quan ngại lớn nhất về lạm phát trong 4 tháng cuối năm là rủi ro liên quan đến giá nhóm hàng thịt lợn do dịch bệnh có thể khiến nguồn cung khan hiếm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xu hướng giá cả các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới không có nhiều áp lực tăng do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xu hướng đồng NDT yếu đi (giúp chi phí NK các nguyên liệu SX từ TQ) sẽ là nhân tố giúp kiểm soát lạm phát.
Các chuyên gia của công ty chứng khoán này dự báo lạm phát trung bình cho cả năm 2019 sẽ ở mức 3-3,5%./.