Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Dữ liệu mở châu Á (AODP) 2021 – vừa được tổ chức trực tuyến hôm nay (16/11).
Cộng đồng làm gia tăng giá trị của dữ liệu mở
Hội nghị được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, chủ trì bởi Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Tổ chức Đối tác Dữ liệu mở châu Á (AODP), Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (AVU&C), và tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức truyền thông số (CRC), và Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (NISCI).
Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, và Môi trường của Quốc hội - nói rằng việc Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Dữ liệu mở châu Á 2021 đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc xây dựng, chia sẻ, sử dụng dữ liệu. Dữ liệu mở giúp phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới thịnh vượng chung của khu vực châu Á nói chung trong đó có Việt Nam nói riêng.
Ngày nay, khoa học và công nghệ phát triển hết sức mạnh mẽ, việc ứng dụng các thành tựu của khoa học – công nghệ có thể nói rất sâu rộng trong các lĩnh vự của đời sống hàng ngày.
Nhưng đồng thời nhân loại cũng phải đối mặt với thách thức hết sức to lớn như đại dịch COVID-19, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công nghệ số với vai trò trung tâm là dữ liệu số sẽ giúp chúng ta có thể phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới thịnh vượng chung nhưng đồng thời cũng giúp hóa giải những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Dữ liệu số có thể giúp chúng ta chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, dữ liệu số có thể giúp chúng ta quản lý dịch bệnh, quản lý việc tiêm chủng hiệu quả hơn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, và Môi trường của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, các dữ liệu của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam trong việc nghiên cứu, giải trình trình tự gen của virus SARS-CoV-2. Các dữ liệu về kết quả của tiến trình các bước thử nghiệm, ứng tuyển vaccine phòng COVID-19 đã giúp chúng ta nhanh chóng có vaccine phù hợp để thực hiện việc tiêm chủng, giúp ngăn chặn lây lan của dịch bệnh ngày càng rộng rãi.
Dữ liệu số giúp chúng ta thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và kể cả các hoạt động đời sống hàng ngày của người dân, đặc biệt trong thời gian phong tỏa khó khăn nhất.
Cùng với đó, dữ liệu số trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dữ liệu số giúp dự báo ngày càng sớm hơn, chính xác hơn, ứng phó một cách có hiệu quả đối với các hiện tượng biến đổi cực đoan của khí hậu, với hiện tượng phát thải khí nhà kính và hiện tượng ấm nóng lên toàn cầu, với hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn. Nhờ có dữ liệu số, chúng ta có thể bảo vệ môi trường tốt hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu hài hòa hơn.
Video: Nội dung phát biểu của ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, và Môi trường của Quốc hội tại Hội nghị Dữ liệu mở châu Á (AODP) 2021. |
Thực tiễn cho thấy việc đầu tư cho công nghệ số, đầu tư cho xây dựng, chia sẻ, khai thác, sử dụng các dữ liệu số giúp phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới thịnh vượng chung và cũng hóa giải các khó khăn, thách thức đang phải đối mặt.
“Trong xu hướng mở, dữ liệu mở có những đặc trưng hết sức quan trong đó là: Công khai sử dụng, Tái sử dụng và Không độc quyền. Điều đó có nghĩa rằng cộng đồng có thể khai thác, sử dụng các dữ liệu đó dựa trên giấy phép mở nhưng cũng chính cộng đồng có thể làm gia tăng giá trị của dữ liệu mở. Dữ liệu đó lại được sẻ chia cho cộng đồng. Và dữ liệu mở phát huy giá trị của mình trong quá trình đổi mới sáng tạo có thể nói là không có giới hạn” – ông Lê Quang Huy nêu quan điểm.
Hoàn thiện thể chế, pháp luật về chuyển đổi số
Châu Á với dân số đông nhất thế giới với lực lượng lao động trẻ hết sức năng động, sáng tạo cần phải tiên phong trong lĩnh vực phát triển công nghệ số, phát triển các dữ liệu khai thác chia sẻ và ứng dụng dữ liệu sao cho hiệu quả nhất để giúp cho các quốc gia trong châu lục có thể phát triển thịnh vượng hơn và giúp chúng ta hòa chung vào dòng chảy của toàn cầu để giải quyết những khó khăn và thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt.
Trong bối cảnh này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, và Môi trường của Quốc hội đánh giá việc Hội Truyền thông số Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Đối tác về Dữ liệu mở Châu Á năm nay hết sức có ý nghĩa. Các thảo luận, ý kiến phát biểu của các chuyên gia, của các nhà khoa học, của các doanh nghiệp, hiệp hội, chính là nội dung trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm để đề ra giải pháp, đề xuất, kiến nghị trong đó có các đề xuất kiến nghị để hoàn thiện thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật trong khoa học – công nghệ nói chung và trong công nghệ số, dữ liệu số và dữ liệu mở nói riêng.
Theo lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cùng với các cơ quan của Quốc hội, trong thời gian qua, Ủy ban đã nỗ lực tích cực thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện các thể chế, các chính sách pháp luật về khoa học - công nghệ nói chung nhưng trong đó có pháp luật về chuyển đổi số nói riêng.
“Chúng tôi hy vọng rằng với việc hoàn thiện các thể chế pháp luật về chuyển đổi số nói chung, dữ liệu mở sẽ được phát huy sức mạnh của mình và qua đó có thể khuyến khích và thúc đẩy việc xây dựng phát triển và ứng dụng các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ cũng như các mô hình kinh doanh mới” – ông Lê Quang Huy nói thêm.