Người dân Đà Nẵng tìm thông tin gì trên Cổng dịch vụ dữ liệu mở của địa phương?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng có hơn 510 tập dữ liệu được cung cấp, hơn 3.650.000 lượt truy cập, cùng gần 800.000 lượt gọi API dữ liệu từ các hệ thống, đang góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Giao diện Cổng dịch vụ dữ liệu mở TP Đà Nẵng
Giao diện Cổng dịch vụ dữ liệu mở TP Đà Nẵng

Đến nay Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng đã phục vụ cho hơn 60.000 người dùng với khoảng 300.000 lượt truy cập thường xuyên để tìm kiếm, khai thác thông tin… Năm 2020, Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng đã đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards) ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.

Dữ liệu mở là một trong những nội dung chính sẽ được bàn thảo tại Hội nghị Đối tác dữ liệu mở châu Á 2021 với chủ đề “Trao đổi dữ liệu và tăng cường hợp tác đa bên cho phát triển dữ liệu mở”, diễn ra vào ngày 16/11 tới. Sự kiện do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Liên minh Dữ liệu mở châu Á (AODP) và Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVU&C) phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC), VietTimes là đơn vị bảo trợ truyền thông, đồng hành cùng sự kiện này.

Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng được coi là mô hình chuyển đổi số mang lại hiệu quả tích cực cho Đà Nẵng trong tiến trình theo đuổi 3 trụ cột Chính quyền số, Xã hội số và Kinh tế số.

Để hiểu hơn về Cổng dịch vụ dữ liệu mở này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng.

Sứ mệnh phục vụ người dân và phát triển kinh tế số, xã hội số

- Ông có thể cho biết dữ liệu mở hiện đóng vai trò thế nào trong chiến lược chuyển đổi số của Đà Nẵng? Chính quyền thành phố nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của dữ liệu mở đối với ngành công nghiệp dịch vụ dữ liệu và hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số của địa phương?

Ông Trần Ngọc Thạch: Cổng dữ liệu mở là một hợp phần trong xây dựng thành phố thông minh. Đây là một nền tảng để chia sẻ dữ liệu số cho các ngành, đơn vị để khai thác, sử dụng. Cổng dữ liệu mở có thể chia sẻ dưới dạng hàm API, các ứng dụng bên thứ ba có thể kết nối, tích hợp để phát triển các ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp hoặc phục vụ cho cộng đồng.

Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước sẽ cung cấp dịch vụ công kịp thời cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng.

Ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng.

- Từ khi hình thành đến nay, Cổng dịch vụ dữ liệu mở đã cung cấp những dữ liệu gì và người dùng thường tìm kiếm và truy cập vào dạng dữ liệu gì thưa ông?

Ông Trần Ngọc Thạch: Cổng dữ liệu mở hiện tại cung cấp hơn 510 tập dữ liệu (có thể tải về hoặc truy cập qua hàm API), trên các lĩnh vực như giáo dục, y tế, doanh nghiệp, tài nguyên – môi trường, dữ liệu dịch tễ COVID-19,… Thời gian qua, dữ liệu người dùng quan tâm nhiều là: thông tin dịch tễ bệnh nhân COVID-19, điểm thi, giá đất, phương tiện vi phạm giao thông, cơ sở lưu trú, thông tin doanh nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh.

- Dữ liệu mở đã và đang mang lại lợi ích như thế nào cho người dân Đà Nẵng?

Ông Trần Ngọc Thạch: Với hơn 510 dữ liệu trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, Cổng dữ liệu mở giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng, thuận tiện tiếp cận các dữ liệu được công khai.

Một số cơ sở dữ liệu được trích xuất dưới dạng API để xây dựng các ứng dụng phục vụ cho người dân Đà Nẵng trong thời gian qua như: Ứng dụng bản đồ dịch tễ (sử dụng dữ liệu thông tin dịch tễ COVID-19 với hơn 100.000 lượt truy cập, dữ liệu tọa đồ hành chính các quận, huyện, xã phường để hiển thị vùng xanh, đỏ, vàng tương ứng cấp độ dịch hơn 150.000 lượt truy cập…), Ứng dụng Danang Smart City (sử dụng dữ liệu các cơ sở tiêm chủng, giá đất, trường học, xe vi phạm giao thông, cơ sở khám bệnh, khách sạn, cây ATM, danh bạ 1 cửa các sở, ban, ngành… với hơn 300.000 lượt truy cập).

- Có nhóm dữ liệu nào có nhu cầu lớn nhưng Cổng dịch vụ dữ liệu mở chưa thể cung cấp hay không thưa ông? Đó là những dữ liệu gì và tương lai Đà Nẵng có cung cấp những dữ liệu ấy hay không?

Ông Trần Ngọc Thạch: Một số dữ liệu liên quan đến thuế, bảo hiểm, thông tin đất đai được nhiều người dân, tổ chức có nhu cầu tra cứu, Sở TT&TT đang phối hợp với các sở, ngành liên quan để liên thông dữ liệu, phục vụ tra cứu theo đúng quy định về công khai dữ liệu.

Vượt ra khỏi ranh giới địa phương

- Được biết, Cổng dữ liệu mở của Đà Nẵng hiện là cổng duy nhất của Việt Nam sử dụng cụm từ “dịch vụ dữ liệu”. Hàm ý của việc coi cung cấp dữ liệu mở như một “dịch vụ trực tuyến”. Vậy TP Đà Nẵng có chiến lược gì để phục vụ “người dùng” cả về chất lượng lẫn số lượng? (đơn cử như chiến lược tăng hiệu quả hoạt động của cổng dữ liệu mở, tăng lượng người dùng, lượt tải và sử dụng dịch vụ dữ liệu mở…)

Ông Trần Ngọc Thạch: Cổng dữ liệu mở có một tính năng là cho phép tổ chức, cá nhân tự công khai dữ liệu của mình để các đối tượng mình đang phục vụ có thể tra cứu, sử dụng. Các bước thực hiện đăng tải, cấu hình, tùy biến đối với các trường dữ liệu được thực hiện theo quy trình thuận lợi, nhanh chóng, giúp các cơ quan, đơn vị sở hữu dữ liệu có thể triển khai dễ dàng.

Ngoài sử dụng tại TP Đà Nẵng, Cổng dịch vụ dữ liệu Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ các địa phương để cung cấp dịch vụ tra cứu dữ liệu như: Tra cứu tình trạng nộp hồ sơ xét tuyển Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2021 đối với sinh viên, phục vụ hơn 12.000 lượt truy cập; Tra cứu trạng thái cấp thẻ Căn cước công dân (huyện Sơn Tây và huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), phục vụ hơn 7.000 lượt truy cập…

- Ở một số quốc gia, ví dụ như Philipines, họ có thiết kế cơ chế phản hồi để khảo sát nhu cầu của người dùng với dữ liệu mở, tăng tính hữu dụng của dữ liệu. Vậy Đà Nẵng có xem xét xây dựng phương án này không? Và Đà Nẵng sẽ xây dựng như thế nào?

Ông Trần Ngọc Thạch: Một trong các phương án đang thực hiện là thông qua thống kê từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên Cổng dữ liệu mở để làm cơ sở xác định nhu cầu tìm kiếm dữ liệu của người dân. Thời gian qua, trên Cổng dữ liệu mở, người dân quan tâm nhiều đến dữ liệu thông tin dịch tễ COVID-19, dữ liệu tiêm chủng, dữ liệu vùng cấp độ dịch…

Bên cạnh đó, liên thông cổng dữ liệu mở Đà Nẵng với các cổng dữ liệu mở quốc gia và các ban ngành, địa phương để có thể nhận được các phản hồi từ người dùng quan tâm đến dữ liệu của Đà Nẵng.

Dữ liệu công khai trên Cổng dữ liệu mở TP Đà Nẵng

Dữ liệu công khai trên Cổng dữ liệu mở TP Đà Nẵng

- Trong quá trình công bố danh mục dữ liệu mở, hiện Đà Nẵng đang có quy trình như thế nào để quyết định dữ liệu có nên mở hay không?

Ông Trần Ngọc Thạch: Hiện Đà Nẵng thí điểm cung cấp trước một số dữ liệu phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin nhiều của người dân như: thông tin dịch tễ, giá đất, xe vi phạm giao thông, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, các thông tin về kinh tế - xã hội… được phép công khai.

Đồng thời, nghiên cứu, phối hợp với các ngành để tham mưu thành phố tiếp tục ban hành các dữ liệu mở, được công khai theo quy định.

- Ông có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong triển khai dữ liệu mở? Bài toán chi phí và hiệu quả khi triển khai thế nào?

Ông Trần Ngọc Thạch: Việc thực hiện quy chế phối hợp cung cấp dữ liệu giữa các cơ quan, ban, ngành còn gặp một số vướng mắc. Cổng dữ liệu mở tiếp tục cần được nâng cấp để đáp ứng tốt hơn các chuẩn mở của dữ liệu; liên thông dữ liệu với các kho dữ liệu mở của quốc gia và các cơ quan, ban, ngành, địa phương.

Đến nay đã có hơn 510 tập dữ liệu được cung cấp và có khoảng hơn 3.650.000 lượt truy cập cổng dữ liệu, với gần 800.000 lượt gọi API dữ liệu từ các hệ thống khác.

- Xin cảm ơn ông!