3 chiêu trò lừa đảo AI cần đề phòng vào năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các chuyên gia chống gian lận từ Scams.info đã chia sẻ danh sách ba chiêu trò lừa đảo AI mà tất cả chúng ta nên đề phòng vào năm 2024.

Ảnh: BGR
Ảnh: BGR

Theo BGR, năm 2024 sẽ là thời điểm thế giới nhận ra trí tuệ nhân tạo chỉ là một cơn sốt thoáng qua hay thực sự là tương lai của điện toán. Mặc dù có rất nhiều trường hợp sử dụng hợp pháp và hấp dẫn đối với AI nhưng công nghệ này cũng sẽ là trung tâm của vô số vụ lừa đảo trong những tháng tới. Tất cả chúng ta đều tò mò về AI và những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng điều đó để lợi dụng.

Các chuyên gia chống gian lận từ Scams.info đã chia sẻ danh sách ba chiêu trò lừa đảo AI mà tất cả chúng ta nên đề phòng vào năm 2024.

Lừa đảo đầu tư với AI

Các ông lớn như Google, Microsoft và OpenAI đã rót hàng triệu USD vào AI và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn trong năm nay. Những kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng thực tế này để dụ dỗ bạn đầu tư vào những cơ hội mờ ám. Nếu ai đó trên mạng xã hội cố thuyết phục rằng AI sẽ tăng gấp bội lợi nhuận đầu tư, hãy suy nghĩ kỹ trước khi mở ví.

"Hãy cẩn thận với những khoản đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao với rủi ro thấp và chắc chắn phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi dốc tiền cho chúng", chuyên gia Nicholas Crouch từ Scams.info cảnh báo. Những nhà đầu tư mới bước vào nghề cũng nên cảnh giác với những khoản lợi khi được yêu cầu giới thiệu thêm người tham gia đầu tư; chúng thường hoạt động theo mô hình đa cấp, vốn chỉ mang lại lợi ích cho những người đứng đầu, còn những người tham gia khác rất hiếm khi được hưởng lợi.

Mạo danh người thân

Chiêu trò giả danh thành bạn bè hoặc người thân để mượn tiền không còn mới, khi việc kẻ lừa đảo giả giọng không thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, với AI, trò lừa đảo này sẽ trở nên đáng sợ hơn rất nhiều. Chỉ cần một video YouTube hoặc bài đăng Facebook có giọng nói của người thân, kẻ lừa đảo có thể dùng AI để sao chép một cách hoàn hảo. Liệu bạn có thể nhận ra sự khác biệt qua cuộc gọi điện thoại?

"Điều quan trọng là mọi người phải bảo vệ tài khoản mạng xã hội của mình để ngăn kẻ lừa đảo thu thập được giọng nói và thông tin về gia đình", Crouch nhấn mạnh.

Dùng giọng nói để qua mặt hệ thống bảo mật

Một số ngân hàng sử dụng nhận dạng giọng nói để xác minh người dùng khi giao dịch ngân hàng qua điện thoại. Do sự phát triển của AI, phương pháp bảo mật này đột nhiên trở nên kém an toàn hơn nhiều so với vài năm trước. Nếu bạn đăng video ở bất kỳ đâu trên internet, kẻ xấu có thể sử dụng những clip đó để sao chép giọng nói của bạn. Như Crouch lưu ý, các ngân hàng cũng sử dụng dữ liệu khác để xác minh danh tính của bạn, nhưng điều này khiến những kẻ lừa đảo tiến gần hơn một bước đến việc đánh cắp tài khoản ngân hàng của bạn.

AI về cơ bản có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta và cách chúng ta tương tác với các thiết bị của mình. Đây cũng là công cụ mới nhất mà tin tặc và kẻ lừa đảo sẽ sử dụng để lợi dụng người dùng. Hãy luôn cảnh giác và tìm hiểu trước khi tương tác với bất kỳ công cụ AI nào.

Theo BGR