|
Xe công - một vấn đề nóng gần đây về quản lý tài sản nhà nước - (Nguồn Internet) |
Thông tin này được ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính thông báo tại cuộc họp báo chuyên đề về quản lý tài sản Nhà nước chiều 27/9.
Hiện tại, có 4 loại tài sản nhà nước theo quy định hiện nay (bao gồm: Nhà, đất, máy móc, tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng) có tổng giá trị khoảng 1.040.000 tỷ đồng (khoảng gần 50 tỷ USD) chưa bao gồm nhóm tài sản hạ tầng, công trình cấp nước sạch,... các tài sản này đang trong quá trình đăng nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia cũng đang được làm rất tích cực, qua đó, có thể quản lý được những biến động của tài sản quốc gia.
Được biết, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi Luật năm 2008) còn lỏng lẻo, nên hiện nay việc tổ chức triển khai có lúc có nơi chưa nghiêm túc về quản lý sử dụng tài sản công, quy định về xử lý vi phạm còn chưa nghiêm.
Do đó dự thảo Luật lần này đưa ra rất chặt chẽ về xử lý vi phạm, quy định cụ thể về việc phải bồi hoàn cho Nhà nước, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự; người đứng đầu cơ quan cũng phải chịu trách nhiệm liên đới vì để xảy ra vi phạm tại đơn vị mình.
Ngoài ra, việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hiện nay là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành; bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; đáp ứng yêu cầu mới về khai thác nguồn lực từ tài sản công; thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được Quốc hội ban hành có liên quan, tác động trực tiếp tới quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại diện bộ Tài Chính hi vọng Luật mới khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; đồng thời chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở bảo đảm quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Bộ Tài chính sẽ nỗ lực tối đa soạn thảo các văn bản hướng dẫn gồm khoảng 10 nghị định hướng dẫn, cố gắng không để có “độ trễ” trong áp dụng Luật.
Thời gian tới, tài sản Nhà nước sẽ được cập nhật, tạo cơ sở dữ liệu rộng với diện quản lý đầy đủ hơn. Ví dụ, riêng về hạ tầng, danh mục có khoảng 39.962 tuyến đường với tổng nguyên giá là 1.831.000 tỷ đồng. Các tài sản quốc gia do các bộ ngành quản lý sẽ được tích hợp, tính toán tổng tài sản quốc gia nhằm đưa ra biện pháp quản lý, khai thác phù hợp nhất.