Cụ thể, từ ngày 21/12/2014 đến 21/12/2015, Vncert đã ghi nhận được tổng số 31.585 sự cố tấn công mạng tại Việt Nam; trong đó hình thức tấn công mạng tăng nhiều nhất, gần 4 lần so với năm 2014, là tấn công lừa đảo (phishing), có 5.898 trường hợp. Còn hình thức tấn công cài mã độc (malware) tăng 1,7 lần so với năm trước, với tổng số 16.837 trường hợp. Trong khi đó, tấn công bằng thay đổi giao diện (deface) trong năm 2015 có 8.850 trường hợp, không tăng so với năm 2014.
Ngoài ra, trong năm qua, cũng xuất hiện nhiều trang thông tin lừa đảo trúng thưởng trên Internet; có gần 200 trường hợp giả mạo Facebook, Zalo, Piaggio, VNG, Garena, Beetalk, Zing Me, Game Bài, Tango, BigKool…
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó giám đốc Vncert cho biết, trong năm qua cơ quan này đã gửi yêu cầu điều phối và xử lý được 5.104 sự cố tấn công lừa đảo, tăng 4,5 lần so với năm 2014; gửi yêu cầu điều phối và xử lý được 6.188 sự cố tấn công thay đổi giao diện, trong đó có 252 sự cố liên quan đến các tên miền của chính phủ có đuôi “.gov.vn”.
Trong năm 2015 Vncert đã phối hợp với quốc tế xử lý và ngăn chặn 200 website giả mạo. Gần đây trung tâm này cũng ghi nhận xuất hiện hiện tượng giả mạo hòm thư điện tử, trang tin điện tử của các tổ chức Việt Nam nhằm trộm cắp tài khoản cá nhân, phục vụ cho mưu đồ xấu...
Trung tâm cũng đã tổ chức nhiều đợt diễn tập trong nước và quốc tế về ứng cứu, phòng chống tấn công mạng; tham gia hỗ trợ công tác tấn công chống tội phạm, chống khủng bố mạng trong phạm vi quốc gia và trong khuôn khổ hợp tác quốc tế; phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, phát hiện các vụ tấn công mạng; quản lý và vận hành các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ công tác điều phối, ứng cứu sự cố.
Theo TBKTSG