20% dân số ưu tiên ở Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19 bằng gói hỗ trợ đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhằm thực hiện mục tiêu 20% dân số ưu tiên tại Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19, chương trình đối tác Australia – UNICEF đã thành lập gói hỗ trợ phân phối vaccine. 
Đại sứ quán Australia cùng Trưởng đại diện UNICEF và TS. Dương Thị Hồng thảo luận về gói hỗ trợ, phân phối vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)
Đại sứ quán Australia cùng Trưởng đại diện UNICEF và TS. Dương Thị Hồng thảo luận về gói hỗ trợ, phân phối vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Thông tin trên được bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam - đưa ra tại lễ công bố chương trình đối tác Australia - UNICEF về hỗ trợ phân phối vaccine tại Việt Nam diễn ra vào sáng nay, ngày 19/4 tại Hà Nội.

Vaccine là chìa khoá chống lại dịch bệnh

Tại buổi lễ, bà Robyn Mudie – cho biết: COVID-19 là một thách thức y tế toàn cầu không chỉ khiến cuộc sống của người dân thay đổi mà còn gây tổn thất và thiệt hại nặng về con người và kinh tế. Vì thế, cuộc chiến chống COVID-19 cần có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, đảm bảo các quốc gia chống lại những ảnh hưởng của đại dịch. Để chống lại dịch bệnh hiệu quả thì vaccine là chìa khoá quan trọng nhất.

“Australia sẽ hỗ trợ cho Việt Nam tổng cộng 40 triệu đô la Úc để phòng, chống COVID-19, trong đó có 13,5 triệu đô la Úc nằm trong gói hỗ trợ kết hợp cùng UNICEF. Hiện, Australia đã sản xuất được vaccine phòng COVID-19 Astrazeneca. Sắp tới, Australia sẽ cung cấp cho Việt Nam, đồng thời, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine khác và trao đổi với Việt Nam để có kế hoạch hỗ trợ tiêm chủng cho người dân” - bà Robyn Mudie nói.

Bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

Bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

Bà Robyn Mudie khẳng định: Gói hỗ trợ đặc biệt và toàn diện nằm trong chương trình đối tác Australia – UNICEF trị giá 13,5 triệu đô la Úc sẽ giúp Việt Nam triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 hiệu quả, tiến tới mục tiêu vào cuối năm 2022, 20% dân số ưu tiên sẽ được tiếp cận với vaccine, làm cơ sở để đảm bảo vaccine đến được với toàn dân khi triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 hiệu quả, chương trình đối tác Australia – UNICEF sẽ cung cấp một gói hỗ trợ đặc biệt và toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu và triển khai thành công vaccine phòng COVID-19 thông qua cơ chế COVAX. Gói hỗ trợ này trị giá 13,5 triệu đô la Úc sẽ giúp Việt Nam triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 hiệu quả, tiến tới mục tiêu vào cuối năm 2022, 20% dân số ưu tiên sẽ được tiếp cận với vaccine, làm cơ sở để đảm bảo vaccine đến được với toàn dân khi triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Toàn cảnh buổi lễ công bố chương trình đối tác Australia - UNICEF về hỗ trợ phân phối vaccine tại Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

Toàn cảnh buổi lễ công bố chương trình đối tác Australia - UNICEF về hỗ trợ phân phối vaccine tại Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

Thời gian tới, chương trình đối tác Australia – UNICEF với gói hỗ trợ tổng thể sẽ giúp Việt Nam chống lại COVID-19 thông qua các hoạt động gồm: Mua thiết bị dây chuyền lạnh để bảo quản, vận chuyển vaccine, tổ chức các khoá tập huấn, cung cấp tài liệu để thực hiện tiêm chủng toàn dân, hỗ trợ xây dựng kế hoạch tiêm chủng ở vùng sâu, vùng xa, đảm bảo vaccine được bao phủ toàn bộ. Gói hỗ trợ cũng bao gồm việc tập huấn cho các cán bộ tiêm chủng, đánh giá độ an toàn, hiệu quả bảo vệ của vaccine. Ngoài hợp tác cùng UNICEF, Australia sẽ hợp tác với các quốc gia khác để trao đổi về các nguồn cung vaccine khác.

Thông tin về những tác dụng phụ có thể xảy ra sau tiêm vaccine phòng, COVID-19, Bà Robyn Mudie cho hay: Trên thế giới, cứ 1 triệu người thì chỉ có 4 người gặp phải các tác dụng phụ sau tiêm vaccine phòng COVID-19. Vì thế, người dân phải được cung cấp thông tin đầy đủ về những phản ứng xảy ra sau tiêm vaccine. Nếu 4 ngày sau tiêm mà vẫn còn tình trạng đau đầu, chóng mặt,… thì phải đến cơ sở y tế để kiểm tra. Nếu sau 4 ngày người tiêm vẫn có tình trạng đau đầu,… thì cần đến bác sĩ để kiểm tra. Hiện, Việt Nam đã có hệ thống giám sát, theo dõi hàng ngày về các tác dụng phụ sau tiêm vaccine.

Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) (Ảnh - Minh Thuý)

Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) (Ảnh - Minh Thuý)

Theo bà Rana Flowers - Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) - hơn 14 tháng qua, Việt Nam cùng thế giới đã phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Mặc dù Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng virus vẫn đang biến đổi không ngừng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tục gây ra dịch bệnh. Vì thế, vaccine phòng COVID-19 là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh. Việc tiêm vaccine với đối tượng ưu tiên sẽ bảo vệ họ trước những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

100% nhân viên y tế hồi phục sau khi gặp phản ứng nặng

Chia sẻ về gói hỗ trợ phân phối vaccine phòng COVID-19 nằm trong chương trình đối tác Australia – UNICEF, TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – cho hay: Dịch COVID-19 vẫn đang còn nhiều diễn biến phức tạp. Vì thế, vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh. Sự hỗ trợ của Australia sẽ góp phần nâng cao năng lực của các bộ y tế trong chương tình tiêm chủng mở rộng. Chương trình tiêm vaccine COVID-19 là chiến dịch tiêm chủng mở rộng lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam nên sự hỗ trợ của Australia sẽ góp phần giúp người dân được tiếp cận sớm với vaccine.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, Việt Nam đã nâng mức đảm bảo an toàn tiêm chủng cao hơn quốc gia khác. Trước tiêm, người dân sẽ được khám sàng lọc. Sau tiêm, hệ thống giám sát tiêm chủng được kích hoạt để đánh giá quá tình tiêm, đồng thời, theo dõi sức khoẻ của người dân sau tiêm. Hệ thống này đã được triển khai bài bản hơn 10 năm nay.

TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Theo bà Hồng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang liên tục ghi nhận các phản ứng sau tiêm hàng ngày, cứ sau 4-5h chiều, Viện sẽ nhận được số liệu từ các địa phương gửi về. Trong quá trình triển khai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tập huấn cho cán bộ y tế với các chuyên gia hàng đầu đê xử trí kịp thời những trưởng hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm.

Trước thông tin về một số trường hợp bị đông máu sau tiêm vaccine phòng COVID-19 trên thế giới, Bộ Y tế đã xây dựng ban an toàn tiêm chủng với các chuyên gia hàng đầu để xây dựng bảng hướng dẫn xử trí. Tại các địa phương, người dân sẽ khai báo thông tin về sức khoẻ bản thân bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử ở app trên điện thoại. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ sử dụng thông tin này để phân tích, đánh giá.

Hiện, cả nước đã có hơn 80.000 người đã được tiêm vaccine, 33% người có phản ứng sau tiêm. Những trường họp phản ứng nặng đã được xử trí kịp thời, 100% phản ứng nặng đã hồi phục hoàn toàn, đều là các cán bộ y tế và đã trở lại đi làm bình thường.

Trước thắc mắc vì sao trẻ dưới 16 tuổi không được tiêm vaccine phòng COVID-19, bà Hồng cho hay: Các vaccine phòng COVID-19 đều được nghiên cứu để dành cho người lớn. Các nhà sản xuất nghiên cứu trên đối tượng nào thì sẽ triển khai tiêm trên đối tượng đó. Tới đây, các nhà sản xuất vaccine trên thế giới sẽ nghiên cứu để tiêm vaccine cho trẻ em. Hy vọng trong tương lai sẽ có vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ em.