|
Đoàn thanh tra liên ngành Hà Nội kiểm tra, xác minh, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định tạm giữ thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện vi phạm (Nguồn ảnh: rfd.gov.vn) |
Thông tin từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho hay, từ ngày 13/4 đến 20/4/2016, Đoàn thanh tra gồm Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Hà Nội và Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I đã tiến hành thanh tra đột xuất 2 cơ sở kinh doanh thiết bị vô tuyến điện tại quận Thanh Xuân và quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Trên cơ sở xác minh, rà soát thông tin từ các vụ xử lý can nhiễu thiết bị kích sóng trên địa bàn Hà Nội của Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I, đoàn thanh tra đã xác định được một số tổ chức, cá nhân đã bán rất nhiều thiết bị kích sóng di động không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng trên thị trường gây ảnh hưởng can nhiễu trong thời gian qua.
Cụ thể, tại 2 cơ sở vừa bị thanh tra đột xuất, đoàn thanh tra đã phát hiện 12 thiết bị kích sóng di động, 2 thiết bị bộ đàm, 42 chiếc anten và các phụ kiện kèm theo không có hóa đơn, chứng từ. Các thiết bị kích sóng di động không có giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo quy định.
Đoàn thanh tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định tạm giữ toàn bộ số thiết bị thu phát vô tuyến điện nêu trên. Theo đó, 2 cơ sở này bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền là 46 triệu đồng, kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm nêu trên.
Đại diện 2 cơ sở kinh doanh trái phép thiết bị vô tuyến điện cho biết, các thiết bị trên được vận chuyển lậu từ nước ngoài về Việt Nam. Đại diện 2 cơ sở này cũng thừa nhận hành vi bán thiết bị kích sóng di động không có giấy chứng nhận hợp chuẩn hợp quy, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn, chứng từ là vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, trong vòng 1 năm trở lại đây, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ can nhiễu do thiết bị kích sóng di động gây ra đối với các mạng thông tin di động Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile trên địa bàn Hà Nội.
Trong kết luận tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành TT&TT quý I và tháng 4/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chỉ rõ, một trong những tồn tại của công tác quản lý nhà nước về TT&TT trong thời gian qua là các thiết bị kích sóng di động không đảm bảo an toàn vẫn được mua, bán, sử dụng gây can nhiễu cho các sóng vô tuyến điện khu vực xung quanh.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã chỉ đạo Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục An toàn thông tin và VNCERT phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công thương xây dựng kế hoạch kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán các thiết bị kích sóng di động.
Thiết bị kích sóng di động được biết đến là loại thiết bị vô tuyến điện hoạt động theo nguyên lý thu sóng GSM các loại băng tần tại nơi có cường độ sóng tốt rồi chuyển tiếp, khuếch đại và phát lại ở nơi có sóng yếu.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các loại thiết bị này nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho mạng thông tin di động. Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động, có giấy phép sử dụng băng tần, được sử dụng thiết bị phát lặp (còn gọi là thiết bị kích sóng điện thoại di động, repeater) trong hệ thống thông tin di động, để lắp đặt tại các khu vực bị hạn chế vùng phủ sóng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin di động và không gây can nhiễu cho các mạng thông tin di động.
Cũng theo Cục Tần số vô tuyến điện, năm 2015, Cục đã phát hiện và xử lý 173 vụ sử dụng thiết bị kích sóng di động trái phép gây nhiễu đối với 228 trạm gốc di động tại Hà Nội và TP.HCM.