Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng nCoV mới diễn biến không ngừng phức tạp tại Trung Quốc, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cho biết cần thêm thông tin và bằng chứng để đưa ra quyết định cuối cùng về việc xem xét tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Trung Quốc là một sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).
Hôm nay, WHO sẽ tiếp tục họp về nội dung này.
Trước đó (ngày 22/1), WHO đã tổ chức cuộc họp Ủy ban đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng để xem xét tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Trung Quốc là một sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay chưa và đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia thành viên.
Hành khách tại Ga xe lửa Hankou (Vũ Hán, Trung Quốc). Ảnh: EPA-EFE
|
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC), Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận ở 13 tỉnh/thành phố tại Trung Quốc gồm: Hồ Bắc, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Quảng Đông, Chiết Giang, Sơn Đông, Giang Tây, Hà Nam, Hồ Nam, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực cũng đã ghi nhận các trường hợp bệnh viêm phổi cấp do nCoV mới xâm nhập như: Thái Lan (4 trường hợp), Nhật Bản (1 trường hợp), Hàn Quốc (1 trường hợp), Đài Loan (1 trường hợp), Mỹ (1 trường hợp), Ma Cao (1 trường hợp), Hồng Kông (1 trường hợp).
Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc viêm phổi cấp do chủng nCoV mới. Trước đó đã có 3 hành khách đến từ thành phố Vũ Hán bị sốt được phát hiện qua máy đo thân nhiệt từ xa tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng (2 hành khách) và sân bay Quốc tế Cam Ranh (1 hành khách). Các hành khách đã được cách ly kịp thời, loại trừ nhiễm nCoV và đã trở về Trung Quốc.
Như VietTimes đã đưa tin, để chủ động ứng phó với bệnh viêm phổi cấp tại Trung Quốc, Bộ Y tế Việt Nam đã ra chỉ thị yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona (nCoV) mới.
Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế Dự phòng thường xuyên cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, mạng lưới văn phòng đáp ứng khẩn cấp khu vực ASEAN.
Du khách đeo khẩu trang bảo vệ tại khu vực làm thủ tục của sân bay quốc tế Daxing ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP |
Các đơn vị y tế tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng; tổ chức giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa, quan sát tình trạng sức khỏe đối với các hành khách nhập cảnh từ thành phố Vũ Hán và vùng có dịch; phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không để bệnh lây lan ra cộng đồng; triển khai kế hoạch đáp ứng phòng, chống bệnh viêm phổi cấp với 3 tình huống diễn biến dịch bệnh tại các địa phương, đơn vị y tế.
Theo Bộ Y tế, các bệnh viện phải chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng khu vực cách ly, phân khu điều trị, thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. Từ đó, thực hiện nghiêm kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế khi thăm khám sàng lọc, chăm sóc, điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh do chủng nCoV mới.