Ủy ban Y tế Quốc gia xác nhận vào Thứ Ba (21) và Thứ Tư (22) các trường hợp phát bệnh đầu tiên đã xuất hiện ở thành phố Trường Sa (thủ phủ tỉnh Hồ Nam) và Côn Minh (Vân Nam), hai trường hợp đầu tiên được xác nhận tại Giang Tây, trường hợp thứ hai được xác nhận tại Tứ Xuyên.
Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia đã công bố vào sáng thứ Tư (22): tổng cộng 440 bệnh nhân được xác định trên cả nước và 9 người đã chết; đã xảy ra tình trạng truyền bệnh từ người sang người và các nhân viên y tế bị lây bệnh.
Một khu vơcj điều trị cách ly bệnh nhân viêm phổi lạ ở Vũ Hán (Ảnh: Đa Chiều).
|
Được biết, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ở Trường Sa là một phụ nữ 57 tuổi ở quận Thanh Sơn của Vũ Hán. Trong thời gian đến thăm người thân ở Trường Sa, bà đã được đưa vào một bệnh viện do bị sốt và ho, được chỉ định cách ly và điều trị từ thứ Năm tuần trước (16/1). Hiện tại, tình trạng bệnh đã ổn định và thân nhiệt đã trở lại bình thường.
Bệnh nhân ở Côn Minh là một người đàn ông 51 tuổi, có hộ khẩu ở Vũ Hán. Ông đến Côn Minh vào Thứ Tư tuần trước (15) rồi bị sốt và mệt mỏi. Ông được nhập viện điều trị, tình trạng bệnh của ông đã được cải thiện sau khi điều trị.
Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng phát biểu về tình hình dịch bệnh viêm phổi tại địa phương (Ảnh: Đông Phương).
|
Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Tứ Xuyên cũng xác nhận thêm một trường hợp nữa. Bệnh nhân là một người đàn ông 57 tuổi sống ở Vũ Hán. Ông trở lại Quảng An vào thứ Tư tuần trước. Ông đến một bệnh viện trong thành phố khám vào ngày hôm sau vì sốt và ho và được nhập viện vào sáng sớm ngày thứ Tư. Ngoài ra, hiện có 5 trường hợp khác nghi ngờ mắc bệnh trong tỉnh, bao gồm 3 ở Thành Đô và 2 ở Miên Dương, tất cả những người này đều trở về từ Vũ Hán. Họ hiện đang được điều trị tại các cơ sở y tế được chỉ định và đã trong tình trạng ổn định.
Ở tỉnh Giang Tây, hai bệnh nhân đầu tiên đều là đàn ông 56 tuổi và 50 tuổi. Cả hai đều là những trường hợp nghiêm trọng, 49 người tiếp xúc gần gũi với họ hiện đều được theo dõi y tế.
Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc họp báo về tình hình dịch bệnh viêm phổi do virus corona (Ảnh: Tân Hoa xã)
|
Tại Quảng Tây, theo trang tin Quan Sát, ngày 19/1, thị xã Bắc Hải sau khi phát hiện một du khách đến từ Vũ Hán bị sốt đã cách ly để điều trị. Mẫu bệnh phẩm đã được gửi đi xét nghiệm, những người cùng đi và tiếp xúc gần với bệnh nhân đều được theo dõi y tế, hiện vẫn chưa có kết quả xác định người này có mắc chứng “Viêm phổi Vũ Hán” hay không.
Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang) nói trong một cuộc phỏng vấn với các cơ quan truyền thông chính thức: phải kiên quyết ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhấn mạnh phương châm “trong thành phố không lan rộng, ngoài thành phố không truyền ra”, yêu cầu các công dân Vũ Hán không đi đâu khỏi thành phố nếu không có chuyện gì đặc biệt, để giảm thiểu khả năng lây lan mầm bệnh. Ông cũng dẫn lời các chuyên gia nói rằng chứng bệnh viêm phổi này hiện chưa có loại thuốc đặc biệt gì điều trị, còn đối với các nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, họ chủ yếu làm việc ở các khu vực không cách ly.
Lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm đến tình hình dịch bệnh. Tối ngày 20/1, ông Tập Cận Bình đã phát biểu về vấn đề dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, chỉ rõ, cần phải coi trọng cao độ, dốc sức làm tốt công tác phòng chống, kiên quyết chặn đứng xu thế lây lan. Ông yêu cầu nhanh chóng xác định rõ con đường và nguyên nhân lây nhiễm bệnh, kịp thời thông báo thông tin về dịch bệnh, tăng cường hợp tác quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh “tăng cường dẫn dắt dư luận, giữ gìn đại cục ổn định,đảm bảo ăn Tết an toàn”.
Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm, kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh tại Tây Ninh, Thanh Hải (Ảnh: Đa Chiều).
|
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thì yêu cầu thực hiện “phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm, điều trị sớm và tập trung các biện pháp cứu trị”. Tân Hoa xã cho biết, theo chỉ thị và yêu cầu của các ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, Quốc Vụ viện đã bố trí toàn diện công tác phòng dịch, chỉ đạo tỉnh Hồ Bắc và các địa phương liên quan “thực hiện tốt hơn trách nhiệm của địa phương”. Bệnh “Viêm phổi Vũ Hán” đã được đưa vào danh mục quản lý loại A bệnh truyền nhiễm loại B. Tại Vũ Hán đã công bố 61 phòng khám khi thấy hiện tượng sốt và 9 cơ sở y tế được chỉ định cách ly điều trị.
Trong khi đó, một số quốc gia, khu vực tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn ngừa bệnh rất quyết liệt.
Đài Loan cấm du lịch tới Vũ Hán
Cục Du lịch Đài Loan ngày 22/1 tuyên bố từ ngày hôm nay cấm tổ chức các đoàn du lịch tới Vũ Hán, Bộ trưởng Giao thông cho biết sẽ xem xét việc dừng các chuyến bay đến và đi Vũ Hán, xem xét ngừng đón các đoàn du lịch đến từ Vũ Hán.
Ngày 21/1, Đài Loan đã phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên, một phụ nữ 55 tuổi. Người này làm việc tại Vũ Hán, sau khi nhiễm bệnh do không tin tưởng hệ thống y tế Trung Quốc Đại Lục nên 9 ngày sau khi phát bệnh đã mua vé máy bay trở về Đài Loan. Tất cả 46 người đi cùng chuyến bay đã phải giám sát y tế.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay Đào Viên, Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).
|
Cơ quan y tế Đài Loan đã tổ chức họp báo cho biết, bà này chưa từng lui tới chợ hải sản Hoa Nam cũng không ăn thịt động vật hoang dã, ngày 11/1 bắt đầu ho, khó thở và sốt, do không tin tưởng hệ thống y tế Đại Lục nên tự mua thuốc điều trị, ngày 20/1 bà này từ Vũ Hán về Đài Loan và bị phát hiện giữ lại từ sân bay sau khi nhân viên y tế lên máy bay kiểm tra thân nhiệt.
Tại Mỹ, quan chức Bộ Y tế ngày 21/1 xác nhận đã phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên ở bang Washington.Bệnh nhân là một nam công dân Mỹ 30 tuổi trú ở Snohomish County, mới từ Vũ Hán trở về Seatle hôm 15/1, đến 19/1 thì khó ở và nhập viện vì viêm phổi. Đến ngày 20/1 các bác sĩ đã xác nhận anh này bị mắc bệnh “Viêm phổi Vũ Hán”, hiện đang được điều trị cách ly tại một bệnh viện ở Everett.
Bản đồ các địa phương ở Trung Quốc và các quốc gia đã phát hiện có người mắc bệnh "viêm phổi Vũ Hán". (Ảnh: Đa Chiều).
|
Triều Tiên: để ngăn ngừa bệnh viêm phổi do virus Corona chủng loại mới từ Trung Quốc lan sang, chính phủ Triều Tiên đã quyết định kể từ ngày hôm nay (22/1) cấm du khách nước ngoài nhập cảnh Triều Tiên. Các nhân viên ngoại giao và người sử dụng hộ chiếu công vụ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này.
Được biết, khi xảy ra dịch SARS năm 2003 và dịch Ebola năm 2014, Triều Tiên cũng đã cấm người nước ngoài nhập cảnh nước này.
Nhật Bản: do lo sợ bệnh viêm phổi do virus Corona chủng loại mới lây lan, một nhà hàng ở Kanagawa đã trưng biển “Cấm người Trung Quốc vào trong”, “Không nên truyền bá virus gây bệnh” đã gây nên phản ứng mạnh mẽ trên cộng đồng mạng Trung Quốc; đồng thời gây nên cuộc tranh luận trong cộng đồng mạng Nhật Bản./.