Thông tin trên vừa được Văn phòng Chính phủ cho biết trong văn bản gửi tới các Bộ: Xây dựng, TN&MT, Y tế, Giao thông vận tải; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND 20 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Lâm Đồng, Lào Cai, Nghệ An, Bến Tre và Lạng Sơn về việc tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ hỗ trợ UBND 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tích hợp với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia (Ảnh minh họa)
|
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cho cũng cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện và thành việc kết nối, tích hợp với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia trong thời gian từ nay đến ngày 31/5/2020.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ sẽ hỗ trợ các Bộ: Xây dựng, TN&MT, Y tế, Giao thông vận tải và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích hợp với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện thanh toán phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Trong đó, Bộ Xây dựng mở rộng việc tích hợp, thanh toán trực tuyến trong nộp phạt vi phạm hành chính, với thời gian hoàn thành trước ngày 30/9/2020.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích hợp nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành theo thời hạn quy định tại Quyết định 411 ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2020.
Cùng với đó, trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ hỗ trợ UBND 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên tích hợp với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện thanh toán phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Văn phòng Chính phủ đề nghị các cơ quan, đơn vị quan tâm, bố trí nguồn lực, phối hợp triển khai thực hiện đáp ứng đúng tiến độ, chất lượng đề ra.
Được khai trương từ ngày 9/12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, góp phần công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng.
Văn phòng Chính phủ cho biết, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 395 dịch vụ công trực tuyến, gồm 163 dịch vụ cho công dân và 232 dịch vụ cho doanh nghiệp.
Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đã cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến, trong đó cho phép người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế, nộp phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khi giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công khác.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia hiện đã có trên 35 triệu lượt truy cập, hơn 140.000 tài khoản đăng ký, hơn 7,3 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái và trên 68.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng. Hệ thống cũng tiếp nhận hỗ trợ hơn 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ ước tính, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, kể từ ngày 12/5/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch nhằm giúp cho công tác hỗ trợ được kịp thời, thuận lợi, công khai và minh bạch.
Cụ thể, sáu dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch đang được cung cấp trên Cổng gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.
Theo ICTNews