10 ứng dụng mạng xã hội phổ biến tiêu tốn lượng lớn dữ liệu

VietTimes – Đây là các ứng dụng mạng xã hội tải về rất nhiều dữ liệu, vì thế bạn không nên sử dụng các ứng dụng này khi đang dùng kết nối 4G hoặc 3G.
10 ứng dụng phổ biến đang tiêu tốn lượng lớn dữ liệu mạng di động của bạn (Anhr: Slash Gear)

Trong thập kỷ qua, điện thoại thông minh đã dần trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Ngày càng có nhiều ứng dụng được tạo ra để phục vụ cho mục đích giải trí, công việc của người dùng.

Mặt trái của việc này là các ứng dụng sẽ tiêu tốn kha khá dữ liệu, đồng nghĩa với việc người dùng không nên sử dụng chúng khi đang bật kết nối 4G hoặc 3G. Ví dụ: một người Mỹ trung bình chi gần 100 USD mỗi tháng và khoảng 1.166 USD hàng năm chỉ để chi trả cho các gói internet. Và với việc thường xuyên sử dụng các ứng dụng và dịch vụ yêu cầu dữ liệu, việc chi tiêu gấp ba lần số tiền trung bình cho Internet hàng tháng không phải là điều hiếm gặp.

Các ứng dụng điện thoại thông minh tiêu thụ dữ liệu theo nhiều cách khác nhau. Các nền tảng như TikTok, nơi cung cấp video mới và chất lượng cao sau mỗi lần vuốt, tiêu thụ dữ liệu thông qua việc tải xuống video. Tương tự, các ứng dụng truyền thông xã hội cổ điển như Instagram và Facebook sẽ tiêu tốn dữ liệu mạng của người dùng khi họ lướt News feed, xem các nội dung đa phương tiện trên các nền tảng này. Bài viết dưới đây sẽ điểm tên những ứng dụng phổ biến tiêu tốn nhiều dữ liệu mạng của người dùng nhất.

Instagram

Instagram (Ảnh: Slash Gear)

Instagram là một ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng với việc cho phép người dùng dễ dàng chia sẻ những tấm ảnh mình chụp với bạn bè. Bài đăng của người dùng trên Instagram tập trung nhiều vào ảnh và video chất lượng cao. Do đặc điểm tập trung vào các file phương tiện truyền thông nên Instagram sẽ yêu cầu nhiều dữ liệu hơn Facebook.

Với việc bổ sung nhiều chức năng hơn trong những năm qua và sự thay đổi trong cách người dùng điều hướng nền tảng, mức tiêu thụ dữ liệu của Instagram chắc chắn đã tăng lên. Về chức năng, hiện có Instagram Stories và Instagram Reels, nhiều bộ filter chỉnh sửa ảnh hơn và tích hợp nhiều các ứng dụng của bên thứ ba. Về cách sử dụng, có sự gia tăng đáng chú ý về số lượng video được đăng cũng như sự cạnh tranh gay gắt giữa các tài khoản của influencer để các video của họ được đẩy lên mục Khám phá.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi việc dành một giờ mỗi ngày trên Instagram trong một tuần có thể tiêu tốn 4,2 GB dữ liệu của bạn (đây mới chỉ là con số dữ liệu tiêu thụ khi bạn chỉ thực hiện các tác vụ lướt News feed). Ứng dụng sẽ tiêu tốn nhiều dữ liệu hơn khi bạn thực hiện các tác vụ như đăng tải ảnh và video, trung bình khoảng 2 MB cho mỗi ảnh và con số này sẽ tăng lên đối với video.

Người dùng Instagram được cung cấp một số tùy chọn để hạn chế việc sử dụng dữ liệu: dừng tải trước video, chỉ xem ảnh và video ở độ phân giải cao khi máy kết nối với mạng Wi-Fi. Nhưng tất cả những điều này đều phải trả giá bằng trải nghiệm không còn mượt mà, nhanh chóng và thú vị, vốn là điểm thu hút người dùng của Instagram.

TikTok

TikTok (Ảnh: Slash Gear)

Trong suốt lịch sử sáng tạo nội dung, các video ngắn luôn được các ứng dụng mạng xã hội quan tâm. Instagram có Stories và Reels, YouTube có Shorts. Tuy nhiên, hiện tại, không có ứng dụng nào vượt qua được TikTok về mảng video ngắn. Hiện có hơn 1 tỷ người dùng TikTok hoạt động hàng tháng, cho thấy ứng dụng này đã phát triển vượt mức mong đợi.

Tương tự như Instagram, TikTok cung cấp một loạt tính năng khuyến khích người dùng tải lên những nội dung video ngắn. Với mong muốn đem đến các video giải trí ngắn cho người dùng trên khắp thế giới, qua đó kiếm về số lượng lớn follower, hàng loạt các bạn trẻ đang trên con đường trở thành các TikToker triệu view. Chính người dùng đã góp phần tạo nên sự lớn mạnh của TikTok ở thời điểm hiện tại.

TikTok rất thú vị , tuy nhiên nó ngốn rất nhiều dữ liệu của người dùng. Theo thống kê, một giờ lướt TikTok sẽ tiêu tốn 840MB dữ liệu và sẽ tiêu tốn 10 GB dữ liệu của bạn trong vòng một tuần. Con số này sẽ tăng lên đối với những người dùng thường xuyên đăng tải video. Nhìn chung, nhu cầu dữ liệu cao của TikTok minh họa một cách hoàn hảo thách thức trong việc quản lý dữ liệu không chỉ cho một ứng dụng mà cho toàn bộ bộ ứng dụng điện thoại thông minh do người dùng tải xuống.

YouTube

Youtube (Ảnh: Slash Gear)

YouTube phục vụ hơn hai tỉ người dùng hoạt động mỗi tháng. Một đặc điểm thường thấy của người dùng YouTube là họ thường xuyên “cày” hết tất cả các video của người sáng tạo nội dung nào đó trong nhiều giờ liền.

Nhưng sự phấn khích khi sử dụng nền tảng này nhanh chóng biến mất khi nhận được thông báo dữ liệu về lượng dữ liệu 4G đã tải về. Và đối với nhiều người dùng, thông báo này đến nhanh hơn dự kiến. Một thử nghiệm sử dụng dữ liệu mạng sử dụng trên Youtube đã chỉ ra rằng YouTube ngốn tới 2,7 GB dữ liệu cho mỗi 60 phút xem video ở độ phân giải 720p (HD). Mức tiêu thụ dữ liệu này tăng lên tới 23 GB mỗi giờ ở độ phân giải 2160p (4K) và ngay cả ở chất lượng thấp nhất là 144p, ứng dụng vẫn sử dụng hơn 1 MB mỗi phút.

Netflix

Netflix (Ảnh: Slash Gear)

Cũng là một nền tảng phát video trực tuyến, Netflix vượt trội hơn YouTube ở một số danh mục. Nền tảng này chuyên về nội dung dạng dài bao gồm các phim lẻ và các serie phim, phim hoạt hình, phim hoạt hình người thật đóng và nên tảng này cũng cung cấp cả những tựa game cho người dùng. Trong thị trường phát trực tuyến cạnh tranh khốc liệt, Netflix vẫn giữ được sự nổi bật và được yêu thích: tính đến quý 3 năm 2022, Netflix đã ghi nhận hơn 220 triệu thuê bao trả phí trên toàn thế giới.

Đúng như dự đoán, Netflix cũng vượt trội hơn YouTube về mức sử dụng dữ liệu. Bản thân số liệu thống kê về mức tiêu thụ dữ liệu khi sử dụng Netflix trên trình duyệt cũng rất cao: ở độ phân giải tiêu chuẩn, video Netflix tiêu tốn tới 1 GB mỗi giờ; và việc tăng chất lượng lên Full HD hoặc 4K sẽ tiêu tốn của người dùng từ 3 GB đến 7 GB cho mỗi giờ sử dụng. Trên ứng dụng dành cho thiết bị di động, việc xem nội dung ở cài đặt sử dụng dữ liệu di động "Dữ liệu tối đa" có thể ngốn hơn 1 GB mỗi 20 phút. Và ở cài đặt “Tự động”, ứng dụng sẽ giúp người dùng tiết kiệm dữ liệu hơn, nó sẽ tiêu tốn của người dùng 1 GB dữ liệu trong 4 giờ xem phim.

Google Chrome

Google Chrome (Ảnh: Slash Gear)

Có sẵn trên cả thiết bị Android và iOS, trình duyệt Chrome là công cụ tối ưu của Google dành cho Internet. Và là trình duyệt web phổ biến nhất trên thế giới, Chrome thực hiện mọi thứ mà người dùng cần ở một trình duyệt web.

Tùy thuộc vào trang web đang được truy cập hoặc tác vụ đang chạy, Chrome sẽ tiêu thụ lượng dữ liệu khác nhau. Trình duyệt cũng sẽ sử dụng dữ liệu để theo dõi lịch sử duyệt web, đề xuất các bài báo trong nguồn cấp dữ liệu Chrome và chạy các quy trình nền để giữ cho các tab trình duyệt luôn mở. Người dùng có thể giảm mức tiêu thụ dữ liệu của Chrome thông qua mục cài đặt "Tiết kiệm dữ liệu" trên ứng dụng Chrome. Và mặc dù điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ và độ mượt của trình duyệt, nhưng nó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tiết kiệm dữ liệu di động của bạn.

Snapchat

Snapchat (Ảnh: Slash Gear)

Ra mắt vào năm 2011 - một năm sau Instagram, Snapchat đặt chân vào vào lĩnh vực truyền thông xã hội với ý tưởng mới lạ của riêng mình. Các tính năng độc đáo của ứng dụng này bao gồm các filter thông minh thu hút sự chú ý của những người đam mê mạng xã hội đang tìm kiếm điều gì đó mới mẻ. Và nhiều tính năng của Snapchat đã hình thành nên nền tảng cho các tính năng được sửa đổi trên các ứng dụng truyền thông xã hội khác, chẳng hạn như Instagram Stories và các bộ filter độc đáo. Snapchat đã có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng người dùng hàng năm và hiện có khoảng 363 triệu người dùng hoạt động hàng ngày trên nền tảng này - một minh chứng cho thấy ứng dụng này được giới trẻ ưa chuộng.

Đối với những người dùng Snapchat, không khó để họ phát hiện ra rằng ứng dụng này tiêu tốn khá nhiều dữ liệu. Việc sử dụng nhiều tính năng do ứng dụng cung cấp, để thể hiện bản thân và kết nối với những người dùng Snapchat khác, sẽ ngốn của bạn vài megabyte dữ liệu. Quan trọng hơn, Snapchat hoạt động ở chế độ nền theo mặc định để tải trước Snaps và Stories. Tất cả những điều này góp phần khiến Snapchat tiêu thụ nhiều dữ liệu, có thể dễ dàng đạt mức 20GB dữ liệu mạng mỗi tháng.

Snapchat cũng cung cấp cho người dùng tùy chọn "Trình tiết kiệm dữ liệu", tắt tính năng tải trước. Khi tùy chọn này được bật, người dùng chỉ có thể tải xuống và xem Snaps khi trực tuyến. Trên thực tế, chúng tôi khuyên bạn nên bật tùy chọn này nếu bạn không đăng ký gói dữ liệu mạng không giới hạn.

Facebook

Facebook (Ảnh: Slash Gear)

Là ứng dụng được ghi nhận vì đã khơi dậy kỷ nguyên truyền thông xã hội ngày nay, Facebook đã liên tục phát triển để theo kịp sự cạnh tranh của các đối thủ. Hành trình gần 20 năm của nó đã chứng kiến ​​nền tảng này phát triển từ một mạng lưới bạn bè đơn thuần thành một trang chia sẻ thông tin, một thị trường để phát triển doanh nghiệp và là lựa chọn hàng đầu cho những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Sau nhiều năm hoạt động, Facebook vẫn có lượng người dùng đông đảo: tính đến quý 3 năm 2022, Facebook có gần 3 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng - khiến nó trở thành nền tảng truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.

Để cải thiện việc cung cấp sản phẩm của mình, Facebook đã giới thiệu một loạt tính năng trong vài năm qua. Điều này bao gồm giao diện ngày càng cải tiến cho phép mang lại trải nghiệm mượt mà hơn, các tính năng trong ứng dụng như Stories và Reels, hay thậm chí là Facbook Rooms giúp người dùng có thể dễ dàng tổ chức các cuộc họp trực tuyến. Facebook cũng theo bước Instagram để cho phép người dùng tải lên ảnh và video có độ phân giải cao. Mặc dù những tính năng này chắc chắn đã nâng tầm cho Facebook trở thành một nền tảng truyền thông xã hội toàn diện, nhưng chúng cũng góp phần làm tăng mức tiêu thụ dữ liệu theo thời gian.

Nếu bạn chỉ lướt News feed, Facebook sẽ ngốn của bạn 50 MB dữ liệu trong 5 phút và lên tới 480 MB mỗi giờ. Nếu bạn xem các video với chất lượng trung bình trên News feed, con số dữ liệu được sử dụng sẽ tăng lên đáng kể. Và cũng như các nền tảng truyền thông xã hội khác, việc tải lên và chia sẻ các phương tiện truyền thông sẽ tiêu tốn rất nhiều dữ liệu của người dùng.

Spotify

Spotify (Ảnh: Slash Gear)

Giống như YouTube thống trị không gian nội dung video, Spotify đang ở đỉnh cao trong lĩnh vực truyền phát nhạc. Nền tảng này lưu trữ tất cả các loại và thể loại âm nhạc, mang lại doanh thu đáng kể cho người sáng tạo âm nhạc và podcast tùy thuộc vào số lượng người nghe của họ. Spotify đã đạt đến đỉnh cao bằng cách cung cấp dịch vụ cho cả khách hàng miễn phí và khách hàng trả phí, điều này giải thích tại sao nền tảng này hiện có 456 triệu người dùng và 195 triệu người đăng ký trả phí.

Kể từ khi thành lập vào năm 2006, Spotify đã nỗ lực cải thiện các tính năng trải nghiệm người dùng trên nền tảng của mình. Từ giao diện của ứng dụng đến chất lượng âm thanh, cho đến việc tích hợp với hệ thống âm thanh ô tô, người dùng có thể nghe nhạc bất cứ khi nào và theo cách họ muốn. Nhưng xét về mức tiêu thụ dữ liệu, Spotify cũng gặp vấn đề tương tự với các nền tảng phát video trực tuyến như YouTube và Netflix. Về cơ bản, các bài nhạc phải tải lại trừ khi người dùng tải nó về mục ngoại tuyến. Đây là lý do tại sao Spotify cung cấp tùy chọn lưu ngoại tuyến cho những người dùng đăng ký trả phí.

Hơn nữa, lượng dữ liệu tiêu thụ phụ thuộc vào chất lượng âm thanh của bài hát. Người dùng nhận thấy rằng khi nghe các bài nhạc ở chất lượng bình thường (96kbps) sẽ tiêu tốn của người dùng 40 MB dữ liệu mạng mỗi giờ và con số này tăng lên 70 MB mỗi giờ đối với chất lượng cao (160kbps) và 150 MB mỗi giờ đối với chất lượng cực cao. (320kbps). Về vấn đề này, Spotify cho phép người dùng quyết định chất lượng âm nhạc họ nghe. Điều hướng đến phần "Cài đặt" của ứng dụng, người dùng cũng sẽ tìm thấy tùy chọn chuyển đổi Chất lượng tự động, tùy chọn này được Spotify khuyến nghị người dùng sử dụng.

Twitter

Twitter (Ảnh: Slash Gear)

Twitter là một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới và có lẽ là một trong những nền tảng gây tranh cãi nhất. Ứng dụng Blue Bird phù hợp với mọi người từ mọi lĩnh vực của cuộc sống, tạo cơ hội thể hiện bản thân chỉ bằng một vài đoạn tweet. Với gần 400 triệu người dùng trên toàn cầu và hơn 500 triệu tweet được đăng mỗi ngày, Twitter là nền tảng dành cho tin tức, xu hướng, giải trí và cả các vấn đề về chính trị. Và tất cả những điều này sẽ tiêu tốn của người dùng một lượng lớn dữ liệu.

Với giới hạn 280 ký tự cho các tweet, Twitter hướng đến mục tiêu người dùng chia sẻ thông tin mà không tiêu tốn quá nhiều tài nguyên. Cho đến nay, điều này đã mang lại hiệu quả tốt cho nền tảng, xét về cả việc giữ chân người dùng. Nhưng Twitter vẫn ghi nhận mức tiêu thụ dữ liệu cao.

Người dùng Twitter ngày nay đã quen với việc chia sẻ nhiều hình ảnh và video hơn. Twitter cũng có cài đặt tự động phát mặc định, chẳng hạn như hình ảnh và video sẽ tải ngay lập tức khi chúng xuất hiện trên màn hình. May mắn thay, ứng dụng này có các tùy chọn để giảm mức tiêu thụ dữ liệu bằng cách tắt tính năng tự động phát, bật tính năng chỉ xem video chất lượng cao bằng Wi-FI hoặc không bao giờ xem video chất lượng cao.

WhatsApp

WhatsApp (Ảnh: Slash Gear)

Được xếp hạng trong số các nền tảng nhắn tin phổ biến nhất trên thế giới, WhatsApp đã trở thành một lựa chọn phù hợp để gửi tin nhắn, thậm chí được ưa thích hơn cả tin nhắn SMS. Ứng dụng này được hơn hai tỷ người trên toàn thế giới sử dụng mỗi tháng, khiến nó trở thành một trong những ứng dụng điện thoại thông minh phổ biến nhất nói chung. WhatsApp tự quảng bá mình là một nền tảng sử dụng ít dữ liệu mạng, điều này đúng ở một số khía cạnh nào đó. Tin nhắn văn bản và ghi chú thoại chỉ tiêu tốn một vài kilobyte và thậm chí các cuộc gọi thoại cũng chỉ tiêu tốn của người dùng dưới 1 MB mỗi phút. Ngoài ra, WhatsApp còn nổi tiếng về việc giảm chất lượng và kích thước ảnh bằng cách sử dụng thuật toán nén. Việc giảm chất lượng này cũng áp dụng cho video. Một số người dùng tỏ ra hài lòng với tính năng này vì nó giúp họ tiết kiệm dữ liệu mạng di động. Tuy nhiên có một số người dùng lại cho rằng tính năng làm giảm trải nghiệm sử dụng của họ.

WhatsApp tiêu tốn rất ít dữ liệu, điều đó đúng nếu bạn thực hiện các cuộc gọi video trên ứng dụng này. Ước tính rằng WhatsApp tiêu tốn tới 5 MB mỗi phút đối với cuộc gọi video dựa trên 4G và 3,75 MB mỗi phút trên 3G. Hơn nữa, việc lướt WhatsApp của bạn bè trong vòng nhiều giờ cũng sẽ tiêu tốn của bạn kha khá lượng dữ liệu di động. WhatsApp cũng sử dụng dữ liệu di động để sao lưu các cuộc trò chuyện và các file phương tiện lên đám mây và đây là những tính năng sẽ bị hạn chế khi người dùng bật cài đặt "Sử dụng dữ liệu thấp".

Những cài đặt trên smartphone và ứng dụng giúp bạn tiết kiệm dữ liệu mạng di động

Hầu hết các ứng dụng sử dụng dữ liệu đều có các tính năng giúp người dùng tiết kiệm dữ liệu. Bạn sẽ tìm thấy các tùy chọn tiết kiệm dữ liệu di động trong phần cài đặt của ứng dụng. Ngoài ra, hệ điều hành điện thoại thông minh còn cung cấp các cài đặt tổng thể để hạn chế mức tiêu thụ dữ liệu.

Trên iPhone, người dùng có thể tìm thấy cài đặt "Chế độ dữ liệu thấp" để ngăn các quá trình sử dụng nhiều dữ liệu chạy trong nền, tắt tải xuống tự động và tạm dừng cập nhật các ứng dụng và dịch vụ của Apple. Tùy chọn này có thể được tìm thấy trong tab "Tùy chọn dữ liệu di động" trong cài đặt iPhone.

Ngoài ra, các thiết bị Android còn cung cấp nhiều cài đặt để theo dõi và giảm thiểu tình trạng cạn kiệt dữ liệu mạng di động. Điều hướng đến tùy chọn "Mạng & Internet" (hoặc tương tự) trong cài đặt Android, người dùng có thể tìm thấy các nút bật tắt để tắt tự động đồng bộ hóa và chuyển vùng dữ liệu, nhận cảnh báo sử dụng dữ liệu và tự động tắt dữ liệu mạng di động khi đạt đến giới hạt. Với các tùy chọn này, người dùng có thể quản lý dữ liệu mạng đi động một cách tối ưu.

Theo Slash Gear