10 sự kiện nổi bật về Đại hội Đảng lần thứ 12

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc. Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã thống kê lại 10 sự kiện nổi bật. 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung, bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang, bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII - Ảnh: Viễn Sự

Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu nguyên văn 10 thống kê này:

1 - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016. Trong đó, đại hội họp trù bị sáng ngày 20 và khai mạc chính thức vào 8g sáng 21-1, tức 12 tháng 12 năm Ất Mùi tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, số 1, đại lộ Thăng Long, Hà Nội - trung tâm hội nghị quốc gia lớn nhất của nước ta hiện nay. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại nhất của Đảng, dân tộc và đất nước ta trong năm 2016.

- Trước và trong thời gian diễn ra Đại hội XII của Đảng, Đảng ta đã nhận được hơn 242 điện, thư chúc mừng của các chính đảng, các tổ chức và bạn bè quốc tế từ khắp các châu lục trên thế giới. Đây là Đại hội Đảng toàn quốc nhận được điện, thư chúc mừng nhiều nhất so với các kỳ Đại hội truớc, thể hiện tình cảm sâu sắc của bạn bè quốc tế đối với Đảng, Nhà nuớc và nhân dân ta; đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Đảng, Nhà nước, dân tộc ta trên trường quốc tế.

- Chủ đề của Đại hội XII được xác định là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Chủ đề của Đại hội XII tổng số có 63 chữ, tượng trưng cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung uơng và thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, quyết tâm phấn đấu của cả nước và toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

4 - Về dự Đại hội XII của Đảng có 1.510 đại biểu và tổ chức thành 68 đoàn, trong đó có 197 đại biểu đương nhiên, 1.300 đại biểu bầu cử và 13 đại biểu được chỉ định, tăng 133 đại biểu so với Đại hội XI của Đảng. Đây là Đại hội có số lượng đại biểu đông nhất trong 12 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.

Trong số các đại biểu về dự Đại hội, có 2 đại biểu trên 70 tuổi và 2 đại biểu dưới 30 tuổi; đại biểu cao tuổi nhất là 74 tuổi và đại biểu trẻ tuổi nhất là 28 tuổi; có 194 đại biểu là nữ; 174 đại biểu là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, có 502 đại biểu đã dự 3 Đại hội Đảng toàn quốc trở lên, trong đó có 1 đại biểu nữ tham dự 8 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc là đồng chí Hà Thị Khiết - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Dân vận Trung ương khóa XI; ít nhất có 15 gia đình cả bố con hoặc anh em ruột là đại biểu chính thức của Đại hội.

5 - Khách mời dự phiên khai mạc và bế mạc của Đại hội XII có các đồng chí nguyên tổng bí thư, nguyên chủ tịch nước, nguyên chủ tịch Quốc hội và nguyên thủ tướng Chính phủ; có nhiều đồng chí nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và các ủy viên Trung ương Đảng từ Đại hội VI trở về trước; đại diện các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức tiêu biểu và các đoàn ngoại giao tại Hà Nội...

Trong số khách mời của Đại hội XII có 12 đồng chí nguyên là phó chủ tịch nước, phó thủ tướng Chính phủ và phó chủ tịch Quốc hội.

6 - Đây là Đại hội mà trình độ học vấn cũng như chất lượng của đại biểu cao nhất qua 12 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.

Trong 1.510 đại biểu dự đại hội: có 1.509 đại biểu trình độ đại học và trên đại học, trong đó 55 giáo sư và phó giáo sư, 752 tiến sĩ và thạc sĩ; 1.501 đại biểu có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân (99,4%); 569 đại biểu đã được nhận huy hiệu 30 năm và 40 năm tuổi Đảng; 10 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; 20 đại biểu là Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú; 15 đại biểu là Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú; 1.000 đại biểu đã được Đảng, Nhà nước khen thưởng huân chương các loại.

7 - Với phương châm chỉ đạo của đại hội là: “Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới”, Đại hội đã thực sự phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và tạo được sự thống nhất cao với các dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Đại hội, gồm: Báo cáo Chính trị; Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết trung ương 4 (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Ngoài hơn 20 báo cáo tham luận khá sâu sắc tại hội trường, còn có gần 700 lượt ý kiến thảo luận tại các Đoàn đại biểu, trong đó có một số bài tham luận được đại biểu đánh giá cao là bài phát biểu của các đồng chí: Bùi Quang Vinh, Đinh La Thăng, Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thị Hoàng...

8 - Để chuẩn bị phương án nhân sự Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đây là Đại hội đầu tiên Đảng ta triển khai thực hiện đề án: “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.

Trên cơ sở đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, bài bản, khoa học, thận trọng và thực sự phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, tạo được sự thống nhất cao của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và của các đại biểu đại hội.

- Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, trí tuệ và đổi mới, Đại hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về công tác nhân sự, việc ứng cử, đề cử ở các Đoàn và trên hội trường. Đại hội thảo luận dân chủ và bỏ phiếu kín đối với những trường hợp xin rút khỏi danh sách bầu cử với sự thống nhất cao trước khi chốt danh sách bầu cử. Đại hội chỉ bầu một lần đủ số lượng Ban Chấp hành Trung ương khoá XII gồm 200 đồng chí với số phiếu tập trung cao (đồng chí trúng cử có số phiếu thấp nhất cũng hơn 62%), trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.

Đây cũng là nhiệm kỳ Đại hội bầu số lượng ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiều nhất từ trước đến nay, tăng 5 đồng chí so với nhiệm kỳ Đại hội XI. Trong số các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII có 52% tái cử; 10% nữ; 8,5% là người dân tộc thiểu số; 21% dưới 50 tuổi và tuổi bình quân chung của Ban Chấp hành Trung ương là 53 tuổi.

10 - Ngày 27-1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hội trường Trung ương Đảng, số 1, đại lộ Hùng Vương, Hà Nội. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí; bầu Ban Bí thư gồm 3 đồng chí; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 đồng chí và chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - được đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và tái cử chức tổng bí thư của Đảng nhiệm kỳ khoá XII với số phiếu tập trung rất cao (đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa và tham gia Bộ Chính trị 4 khóa). Đồng chí Trần Quốc Vượng được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong số các ủy viên Bộ Chính trị khóa XII có 12 đồng chí mới, 3 đồng chí nữ, 1 đồng chí là người dân tộc thiểu số và 1 đồng chí dưới 50 tuổi.

Việt Nam nhận được 248 thư, điện mừng về Đại hội Đảng 12

Ngày 28-1, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng đã thông báo một số thông tin về diễn biến và các kết quả chính của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12của ĐCSVNtới các đại diện đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại VN.

Tại buổi thông báo, ông Hoàng Bình Quân Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, cho biết VNnhận được tổng cộng 248 thư, điện mừng từ 94 quốc gia trên thế giới.

Theo ông Quân, sau 9 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Đại hội đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các mục tiêu và chương trình đề ra.

Chia sẻ với các đại diện nước ngoài, ông Quân nhấn mạnh Đại hội chủ trương đạt tăng trưởng GDP cao hơn, chú trọng chất lượng tăng trưởng gắn với mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, phát huy vai trò của thị trường và các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, vai trò của khoa học công nghệ và nhân tố con người, đồng thời đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Về chính trị, Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiếp tục phát huy dân chủ trong xã hội và bảo đảm quyền con người gắn với tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Về lĩnh vực đối ngoại, Đại hội chủ trương tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu

Theo Tuổi trẻ