Samery Moras, 27 tuổi, đã 6 lần là nhà vô địch quốc gia Taekwondo Mỹ. Ngoài điều này, cô còn có hai kênh YouTube, với tổng cộng gần 100.000 người đăng ký và hơn 6,5 triệu lượt xem. Trong các kênh video này, ngoài những video cô tập gym, YouTuber này còn luôn cập nhật cho người hâm mộ về cuộc sống của mình, chia sẻ các mẹo tập luyện.
Cách kiếm tiền trên YouTube là đừng chỉ phụ thuộc vào YouTube
Trong khi Moras kiếm tiền từ YouTube thông qua các quảng cáo chạy trên các kênh của mình, cô cũng mở một cửa hàng trực tuyến bán vỏ điện thoại, áo nỉ, áo hai dây, ba lỗ (tank top) có in cụm từ "Fear Less" (Sợ hãi ít thôi). Cô cũng bán các khóa học điện tử về Taekwondo thông qua một dịch vụ có tên Thinkific và điều hành một trường võ thuật với các chị em.
"Đừng bao giờ dựa vào doanh thu quảng cáo trên YouTube nếu bạn muốn kiếm sống từ YouTube", Moras nói. "Thuật toán có thể thay đổi, kênh của bạn có thể bị hack, một triệu điều có thể xảy ra. Bạn cần các cách kiếm tiền khác nữa, bởi vì, nếu có bất cứ điều gì xảy ra hoặc thay đổi, cuộc sống của bạn [và thu nhập] sẽ không thay đổi mạnh mẽ".
Không phải chỉ Moras. Mặc dù nhiều ngôi sao YouTube có lượng khán giả lớn có thể kiếm sống chỉ bằng quảng cáo chạy trên video của họ và các dịch vụ khác của YouTube, nhưng trong những năm gần đây, những người sáng tạo nội dung trực tuyến ngày càng tìm cách kiếm tiền và xây dựng thương hiệu bên ngoài YouTube.
Lý do là nhiều nhà sáng tạo nội dung lo lắng những thay đổi bất ngờ trong quy tắc của YouTube có thể đột nhiên cắt giảm doanh thu của họ. Trước đây, các nhà sáng tạo nội dung đã bị ảnh hưởng sau khi YouTube thay đổi quy tắc kiếm tiền, các nhà quảng cáo tẩy chay các quảng cáo xuất hiện trên nội dung cực đoan. Thậm chí, để đủ điều kiện tham gia Chương trình Đối tác YouTube và kiếm tiền, họ phải có hơn 1.000 người đăng ký, trong số các yêu cầu khác.
"Tôi nghĩ mọi người nên đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình vì chúng ta không kiểm soát được chính sách của YouTube", Evelyn Ngugi, một nhà tạo nội dung nổi tiếng, nói.
Đầu năm nay, YouTube đã vô hiệu hóa bình luận trên hàng triệu video về trẻ vị thành niên sau khi có những cáo buộc vấn đề ấu dâm, dẫn đến lo ngại về tương lai của các kênh YouTube gia đình. YouTube cũng đang xem xét thay đổi cách xử lý nội dung về trẻ em.
YouTube phụ thuộc vào các nhà sáng tạo nội dung để kiếm tiền và thu hút người xem, YouTube cũng luôn tìm cách giữ họ lại trên trang và kiếm thu nhập.
Ngoài quảng cáo, nhà sáng tạo nội dung có thể kiếm tiền từ các thành viên, hàng hóa và Super Chats trên YouTube. Super Chats cho phép người xem trả số tiền khác nhau để có thông điệp nổi bật trên video trực tiếp. Người hâm mộ cũng có thể trả 5 USD một tháng để trở thành thành viên của một kênh và nhận được các đặc quyền như phát trực tiếp chỉ dành cho thành viên hoặc những lăng xê của chủ kênh YouTube.
Cho đến nay, hơn 90.000 kênh đã có Super Chats, một số kênh đã kiếm được hơn 400 USD mỗi phút, theo một bài đăng trên blog mới của YouTube. Nhà sáng tạo mang về 70% doanh thu từ Super Chats và thành viên, trong khi YouTube giữ 30%.
YouTube muốn cung cấp cho YouTuber nhiều cách kiếm tiền ngoài quảng cáo
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Giám đốc sản phẩm của YouTube, Neal Mohan cho biết công ty muốn cung cấp cho người sáng tạo nhiều cách tạo doanh thu ngoài quảng cáo.
“Super Chat là cách để nhà sáng tạo nội dung kiếm thêm thu nhập", Mohan nói. "Nhưng đó cũng là cách để người hâm mộ và người sáng tạo kết nối chặt chẽ hơn. Đó là một chủ đề xuyên suốt tất cả các sản phẩm mới mà chúng tôi đang công bố".
Nick Amyoony, người có kênh YouTube tên Nick Eh 30, tự mình phát trực tiếp trò chơi video nổi tiếng Fortnite mỗi ngày trong bốn giờ vào buổi sáng và bốn giờ vào buổi tối, điều này đã giúp anh đạt được hơn 4,5 triệu người đăng ký. Amyoony ước tính khoảng một nửa doanh thu của anh từ YouTube đến từ quảng cáo, phần còn lại đến từ Super Chats và thành viên.
Amyoony từ chối cung cấp thông tin cụ thể về tổng thu nhập YouTube của mình, nhưng cho biết người hâm mộ thường trả từ 2 đến 20 USD cho Super Chat, trong khi "super fan" đôi khi sẽ chi tới 500 USD.
Alisha McDonal, được biết đến với tên Alisha Marie trên các kênh truyền thông xã hội của mình, đã phát triển kênh YouTube hơn 10 năm, nhưng cô cũng đã mở rộng ra các phương tiện khác. Cô đăng nội dung trên cả tài khoản Instagram của mình.
"Thật điên rồ nếu YouTube biến mất vào ngày mai, ít nhất tôi cũng có một vài cách kiếm tiền khác”, McDonal nói.