Sáng 23/11, tại buổi thảo luận về Dự thảo Luật An ninh mạng, đa số ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội trường bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật; bởi có nhiều quốc gia đã ban hành để phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội, cho rằng quy định nhà cung cấp dịch vụ phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam là trái với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam.
Bà Thuý cho hay, trong cam kết với WTO, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam; cam kết của Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam cũng nêu tương tự.
“Trong thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, cơ quan chủ trì soạn thảo dự Luật cần hết sức quan tâm đến sự phù hợp của Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”, ĐBQH Thuý nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trọng Bình, đoàn Hải Phòng cho rằng, cơ quan chủ trì soạn Dự thảo Luật cần rà soát vì còn nhiều chỗ chưa nhất quán, bố cục dàn trải. Theo đại biểu Bình, dự thảo còn sử dụng “từ trùng lặp và dễ gây nhầm lẫn”.
Nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung, bố cục của Luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung; tính phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên. Bên cạnh đó, dự thảo cần bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, công dân, cũng như quyền bình đẳng trong hoạt động giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông nước ngoài sang đầu tư, hợp tác và cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.
Theo chương trình làm việc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ báo cáo giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Luật Tố cáo (sửa đổi).
Dự thảo Luật An ninh mạng được xây dựng gồm 8 chương, 55 điều với các quy định cụ thể liên quan đến phạm vi điều chỉnh: Luật quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của CHXHCN Việt Nam.
Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động trên không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của CHXHCN Việt Nam.
Dự luật được xây dựng trên quan điểm chỉ đạo là: Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng. Xác định bảo đảm an ninh mạng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, giao Bộ Công an chủ trì, đặt dưới sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp mới; cụ thể hóa đầy đủ các quy định có tính đổi mới của Hiến pháp, nhất là quy định về bảo vệ Tổ quốc và quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, xác định hợp lý mối quan hệ giữa Luật này và các luật liên quan. Kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung các quy định đã bộc lộ những hạn chế...
Mục đích xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành. Phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh. Triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; bảo đảm hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.