Đây là lời cảnh báo Apple đưa ra ngày 15/3 trong một đơn giải trình được trình lên Tòa án Quận California, Mỹ, liên quan đến vụ tranh cãi pháp lý giữa hãng này với cơ quan chức năng Mỹ.
Đơn giải trình này được viết bằng tay và được trình lên Thẩm phán Sheri Pym của Tòa án Quận California nhằm đáp trả đơn kiện ngày 10/3 vừa qua của Bộ Tư pháp Mỹ, cáo buộc Apple “cố tình tạo hàng rào công nghệ,” nhằm ngăn cản các nỗ lực tiếp cận dữ liệu trong điện thoại iPhone của một trong hai tay súng gây ra vụ khủng bố tại thành phố San Bernardino, bang California, hồi tháng 12/2015.
Trong đơn, Apple cho rằng FBI đang “viết lại lịch sử” khi yêu cầu hãng này đưa ra một phần mềm chuyên dụng giúp cơ quan chức năng phá các rào cản an ninh để tiếp cận dữ liệu của điện thoại iPhone.
Apple nhấn mạnh yêu cầu của FBI sẽ khiến các nhà sáng lập phần mềm phải “khiếp sợ."
Trong đơn giải trình, hãng này cũng nói rõ chính phủ đã vượt quá thẩm quyền khi lấy Đạo luật All Writs làm “vũ khí” để buộc hãng này đáp ứng yêu cầu nói trên và coi All Writs là “chiếc đũa thần toàn năng” hơn là một công cụ pháp lý theo đúng nghĩa.
Được ban hành từ thế kỷ 18, Đạo luật All Writs cho phép tòa án liên bang ra bất cứ phán quyết nào hoặc trát nếu thấy cần thiết và hợp pháp.
Tranh cãi về vấn đề giải mã các thiết bị thông minh bùng lên sau khi hãng Apple đệ đơn phản đối lệnh của một thẩm phán Mỹ yêu cầu hãng này hỗ trợ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) "bẻ khóa" chiếc iPhone được một thủ phạm vụ xả súng tại thành phố San Bernardino, bang California, sử dụng.
Phía Apple cho rằng yêu cầu của FBI là một động thái nguy hiểm, phá vỡ một số tính năng bảo mật quan trọng, đồng thời phá bỏ những thành tựu về bảo mật mà hãng này đã đạt được trong hàng thập kỷ qua để bảo vệ khách hàng.
Theo kế hoạch, vào ngày 22/3 tới, đại diện của Apple sẽ ra trước một tòa án bang California để yêu cầu tòa bác bỏ phán quyết trước đó.
Cuộc chiến pháp lý giữa Chính phủ Mỹ và “đại gia” công nghệ cũng tạo ra hai luồng ý kiến trái ngược.
Một bên là các hãng, tập đoàn và chuyên gia công nghệ lên tiếng ủng hộ Apple và một bên là các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh lại cho rằng phán quyết đứng về phía Apple có thể ảnh hưởng đến công tác điều tra và thực thi pháp luật.
Theo Vietnam+