Giáo viên cần làm gì trong khi “chờ” SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều chỉnh sửa?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong khi chờ đợi hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, việc giáo viên cần làm lúc này để giảng dạy bộ sách đang được dư luận dành sự quan tâm đặc biệt.
Giáo viên và phụ huynh học sinh xem SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều (Ảnh: Minh Thuý)
Giáo viên và phụ huynh học sinh xem SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều (Ảnh: Minh Thuý)

Giáo viên phải chủ động sửa “lỗi”

Trao đổi với PV VietTimes, GS. TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam – cho biết: Khi soạn bài và phát hiện những sai sót trong SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều (từ ngữ, bài đọc), nếu giáo viên vững vàng thì sẽ chủ động tránh dạy học sinh những sai sót đó. Nếu giáo viên coi SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều như một bản mẫu hoàn chỉnh, cố định để dạy học, thì phụ huynh học sinh sẽ phàn nàn.

Về nguyên tắc, từ trước đến nay giáo viên phải dạy đúng theo SGK. Tuy nhiên, hiện SGK Tiếng Việt 1 đang có những bài đọc chưa phù hợp với những từ ngữ khiến học sinh khó hiểu, nên nếu giáo viên cứ máy móc dạy theo thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới học sinh. Do đó, tinh thần chủ động của mỗi giáo viên là vô cùng cần thiết trong khi chờ đợi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn sửa đổi thay thế những bài đọc chưa phù hợp trong SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều.

Thực tế, nếu đã có hướng dẫn chỉnh sửa bộ SGK thì giáo viên cũng chưa thể làm được ngay, nên Hội đồng thẩm định phải rà soát lại một lần nữa theo ý kiến của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, tại các trường, tổ trưởng khối 1 cùng các giáo viên phải tích cực, chủ động trong việc soạn giáo án, đồng thời, trao đổi với nhau về bài học trong sách.

SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều (Ảnh: NSC)

SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều (Ảnh: NSC)

Bộ GD&ĐT sẽ trưng cầu ý kiến về SGK trên mạng

Sau khi dư luận nêu những nội dung được cho là chưa phù hợp trong SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK đã được Hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” và trưng cầu ý kiến của xã hội trên mạng.

Chia sẻ về vấn đề này, GS. TS. Phạm Tất Dong cho hay: Để thẩm định SGK thì trước hết phải trưng cầu ý kiến của giáo viên, bởi họ là những người trực tiếp tiếp xúc với SGK để giảng dạy cho học sinh. Các trường ở mỗi địa phương cần lấy ý kiến của các giáo viên dạy lớp 1, vì nhiều giáo viên cho rằng SGK Tiếng Việt 1 có nhiều điểm tiến bộ, chỉ có một vài bài đọc sử dụng từ ngữ không đúng. “Nếu trưng cầu ý kiến rộng rãi của xã hội về SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều thì khó, vì không phải ai cũng trực tiếp tiếp xúc với sách” - ông Dong nói.

Trước đó, thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc rà soát lại SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều được phản ánh có nội dung chưa phù hợp, Hội đồng thẩm định đã làm việc với các tác giả SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp.

Cụ thể, Hội đồng thẩm định yêu cầu tác giả chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163,…, đồng thời, thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”,…

Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam.

Dự kiến vào ngày 15/11 tới, nhóm tác giả SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều mới báo cáo Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa.