Ý kiến trái chiều gay gắt về vắc-xin COVID-19 “sốt xình xịch” của Nga

VietTimes – Hai luồng ý kiến trái chiều gay gắt về vắc-xin COVID-19 đang gây “sốt xình xịch” khi chưa chính thức đưa vào sử dụng tại nước Nga mà đã có đơn hàng đăng ký mua tới hàng tỉ liều cho 20 nước trên thế giới.
Một nhà khoa học làm việc trong phòng nghiên cứu vắcxin COVID-19 tại Matxcơva, Nga, ngày 6/8 - Ảnh- REUTERS
Một nhà khoa học làm việc trong phòng nghiên cứu vắcxin COVID-19 tại Matxcơva, Nga, ngày 6/8 - Ảnh- REUTERS

Quan trọng nhất là phải an toàn

Trên nhiều mạng xã hội đang dấy lên những tranh cãi “sốt xình xịch” về việc Nga bỏ qua các bước quan trọng của quá trình nghiên cứu vắc-xin COVID-19, đặc biệt là bước thử nghiệm trên vài chục ngàn người tình nguyện như yêu cầu khoa học, khi công bố vắc-xin "Sputnik V" chỉ sau hai tháng thử nghiệm.

Về việc này, PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng: “Quan trọng nhất là phải hiệu quả và an toàn. Mà đã bỏ bước thì khó khẳng định an toàn lắm”.

Theo báo chí quốc tế cho biết thì quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với hiệu quả và mức độ an toàn của vắc-xin này vẫn chưa hoàn thiện, bởi vắc-xin của Nga chỉ đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3.

Ngược lại, dư luận trên các mạng xã hội cho rằng trên thực tế thì Nga đã chính thức thử nghiệm trên vài chục tình nguyện viên, nhưng PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức thẳng thắn cho rằng: “Nói không thôi thì nói sao chả được. Rất nhiều nước đang nghiên cứu vắc-xin này chứ đâu phải riêng Nga. Còn có Mỹ, Pháp, Cu Ba, Việt Nam… đều đang nghiên cứu vắc-xin. Nghiên cứu khoa học thì buộc phải có bằng chứng, có căn cứ khoa học, được các nhà khoa học đánh giá về tính an toàn và hiệu quả” - PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Nga đã vướng phải chỉ trích của nhiều quốc gia cho rằng thiếu căn cứ khoa học để khẳng định hiệu quả và tính an toàn của vắc xin "Sputnik V" do Viện Nghiên cứu Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga cùng phát triển. Mặc dù Bộ Y tế Nga lên tiếng phủ nhận nhưng phía Nga chưa công bố các tài liệu khoa học nghiên cứu vắc-xin này.

“Để một vắc-xin có thể ra đời, nhất là liên quan đến việc chống dịch, rất cần tuân thủ đúng nguyên tắc khoa học. Nếu làm không đúng và không đủ tất cả các bước thì chắc chắn là không an toàn” - PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức khẳng định ngắn gọn.

Bộ Y tế Nga tuyên bố hiệu quả phòng Covid-19 của vắc-xin 'Sputnik V' là 2 năm. (Ảnh: RDIF)
Bộ Y tế Nga tuyên bố hiệu quả phòng Covid-19 của vắc-xin 'Sputnik V' là 2 năm. (Ảnh: RDIF)


Nga có vội vàng khi công bố vắc-xin?

Liệu nước Nga có “vội vàng” khi công bố đi trước toàn cầu về vắc xin COVID-19? Đáng nói, Tổng thống Putin tiết lộ một trong hai cô con gái của ông cũng đã thử nghiệm tiêm vắc-xin này.

BS Lê Quốc Hùng (BV Chợ Rẫy, TP.HCM) có ý kiến: “Do dịch dang diễn biến nóng, lan tràn, là tình trạng cấp bách, phụ thuộc vào thực tế chống dịch của từng quốc gia, nên về luật thì Nga vẫn có thể bỏ bớt các bước, chỉ cần chứng minh rằng vắc-xin của Nga an toàn là đủ, còn hiệu quả thì tính sau”.

Giả sử ngay cả khi Nga chưa chứng minh được về tính an toàn của vắc-xin "Sputnik V" nhưng 20 nước trên toàn cầu đã đăng ký mua hàng tỉ liều vắc-xin này, BS Lê Quốc Hùng cho rằng: “Đó là thỏa thuận giữa các quốc gia với nhau, WHO không can thiệp. Quốc gia nào muốn mua thì cũng phải chấp nhận tỷ lệ rủi ro”.

“Nếu xét về khía cạnh đạo đức ngành y trước tình trạng cần chống dịch cấp bách như hiện tại, có mức độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao như ở Nga, thì Chính phủ được phép công bố vắc-xin lược bỏ bớt các bước” – BS Lê Quốc Hùng trao đổi.

PGS.TS Trần Cát Đông – Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN), tổ chức KHCN trực thuộc Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng chắc chắn vắc-xin của Nga phải có đủ căn cứ khoa học. Có điều vì chưa công bố các căn cứ khoa học này nên Nga đã vướng phải nhiều nghi ngại khi giới khoa học chưa có đủ căn cứ để đánh giá chính xác.

PGS.TS Trần Cát Đông đánh giá: “Quan điểm của tôi cho rằng trước tình huống dịch bệnh bùng phát quá nhanh, quá nguy hiểm như hiện nay, việc Nga bỏ bớt các bước, phê duyệt và công bố vắc-xin "Sputnik V" là hợp lý. Với tốc độ lây lan, tỷ lệ tử vong và ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19 chúng ta phải làm khác, phải có biện pháp cấp bách chứ không thể làm y như cũ”.

“Nga là một nước có bề dầy nghiên cứu khoa học. Đánh giá về tính an toàn của vắc-xin này, Nga đã đánh giá rồi. Tôi hoàn toàn tin rằng đây không chỉ là uy tín của riêng ngành y mà là uy tín chính trị của cả nước Nga” - PGS.TS Trần Cát Đông nêu quan điểm.

Về việc các công ty dược của VN có ý định nhập vắc-xin "Sputnik V" của Nga về hay không, PGS.TS Trần Cát Đông cho biết: “Theo thông tin tôi được biết thì Bộ Y tế đang cân nhắc việc này. Hơn nữa, Việt Nam cũng đang nghiên cứu vắc-xin COVID-19, có thể giữa hoặc cuối năm 2021 thì vắc-xin của Việt Nam cũng hoàn thành và có thể công bố. Với tình trạng dịch bệnh còn đang khống chế được như của Việt Nam thì không nhất thiết phải nhập vắc-xin từ Nga”.