1 ngày sau khi ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch Coteccons, ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB lộ diện với vai trò đại diện theo ủy quyền cho ông Talgat Turumbayev, Thành viên HĐQT Coteccons.
Ông Talgat Turumbayev và Chủ tịch HĐQT mới được bổ nhiệm của Coteccons là ông Bolat Duisenov là hai thành viên HĐQT đại diện của Kusto, quỹ đầu tư của Kazakhstan và là cổ đông lớn nhất tại Cotecons.
Cùng với ông Hải, bà Trịnh Quỳnh Giao là đại diện theo ủy quyền cho ông Herwig Guido H.Van Hove thành viên HĐQT, đại diện cho cổ đông The8. Bà Giao là tên tuổi khá quen thuộc với giới đầu tư, vì đã có thời gian làm đại diện vốn góp cho Red River Holding tại một số doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam.
Sự xuất hiện của ông Hải và bà Giao, cho thấy công tác chuyển giao quyền lực tại Coteccons đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng.
Khi ông Nguyễn Bá Dương lên tiếng nhận lỗi tại ĐHCĐ Coteccons diễn ra vào cuối tháng 6, giới quan sát đã kỳ vọng vào một cuộc hòa giải nội bộ giữa các nhóm cổ đông Coteccons. Mặc dù vậy, thực tế đã không có tiếng nói chung nào được cất lên.
Ông Dương là người cuối cùng trong nhóm cổ đông sáng lập Coteccons rời đi, để lại công ty sau 17 năm gây dựng cho nhóm cổ đông nước ngoài mà đại diện là Kusto và The8.
Dù cuộc chia tay có phần cay đắng, nhà sáng lập Coteccons nhiều khả năng đã đạt được một thỏa thuận để ra đi trông êm thấm. Hiện tại, trên lý thuyết ông Nguyễn Bá Dương và nhóm ban lãnh đạo cũ vẫn có tiếng nói đáng kể tại Coteccons, thậm chí đủ quyền phủ quyết nhờ nắm giữ nhiều cổ phần tại đây. Là chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính, Kusto chắc chắn sẽ sớm có phương án xử lý triệt để vấn đề sở hữu này.
Tạm gác lại chuyện đúng sai, được mất, những biến chuyển của công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam đang hình thành một thế cục mới tại thị trường xây dựng Việt Nam.
Tương lai mới ở Coteccons
Với Coteccons, sự ra đi của ban lãnh đạo cũ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của doanh nghiệp, trước hết phải nói tới vấn đề nhân sự.
Cho đến thời điểm, dù đã đưa nhiều người của mình vào ban lãnh đạo, song phía Kusto chưa bổ sung thêm thành viên nào có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Coteccons để thay thế vị trí của ông Nguyễn Bá Dương cũng như các vị trị cán bộ chủ chốt khác như ông Nguyễn Sỹ Công hay ông Trần Quang Quân.
Với việc thiếu đi những đầu tàu chủ chốt về chuyên môn, nhiều người lo sợ Coteccons sẽ trở thành “zombie”, đi theo vết xe đổ của Descon hay Beton6 – những doanh nghiệp xây dựng vang bóng một thời nhanh chóng đi xuống sau khi về tay Kusto.
Mặc dù vậy, ông Bolat Duisenov và các cộng sự có thể đang chuẩn bị cho một kịch bản khác. Việc Kusto nhanh chóng thanh lọc nội bộ Coteccons, đưa vào những nhân sự chất lượng như ông Lý Xuân Hải cho thấy, quỹ đầu tư Kazakhstan có tham vọng thay đổi Coteccons.
Nhìn lại quãng thời gian song hành với ban lãnh đạo cũ của Coteccons, có thể thấy điều Kusto “không vừa mắt” nhất ở ông Nguyễn Bá Dương không nằm ở chuyên môn, mà là vấn đề quản trị.
Triết lý “tôi làm được 10 đồng thì anh em ở dưới cũng phải được 7 đồng” của ông Dương không những không phù hợp, mà còn mâu thuẫn gay gắt với lợi ích của những cổ đông như Kusto.
Ông Dương dường như đã quên mất, sau khi có sự tham gia của cổ đông chiến lược, Coteccons không còn là công ty của “một người” như trước nữa. Ban lãnh đạo công ty không những phải suy nghĩ cho lợi ích của nhân viên, mà còn phải để ý tới lợi ích của cổ đông.
Đó cũng là lý do 2 năm trở lại đây, các đề xuất eSOP cho cán bộ nhân viên hay sáp nhập các công ty con vào Coteccons liên tục bị nhóm Kusto phủ quyết. Thiếu sót này cũng được ông Nguyễn Bá Dương thừa nhận trong cuộc họp ĐHCĐ vừa diễn ra.
Sau sự ra đi của nhóm cổ đông cũ, Kusto đang thay đổi bộ máy quản trị doanh nghiệp theo hướng không phụ thuộc vào một người hay một biểu tượng nữa, mà thực sự trở thành một công ty chung, bảo vệ lợi ích của cổ đông.
|
Coteccons sẽ trở thành một "zombie" hay lột xác thành một công ty quản trị tốt, bảo vệ lợi ích cổ đông?
|
Quá trình tái cơ cấu kiểu này đã diễn ra ở một số công ty được Kusto đầu tư. Chẳng hạn tại Descon, công ty này đang chuẩn bị quay trở lại sàn chứng khoán sau 9 năm hủy niêm yết. Sự trở lại của Descon đi cùng với việc “thay máu” toàn bộ thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát.
Vẫn còn quá sớm để phỏng đoán về khả năng thành công của Kusto. Mặc dù vậy, với vai trò là một quỹ đầu tư tài chính, Kusto chắc chắn sẽ sở hữu một phương án khác mang tên thoái vốn. Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc và Hàn Quốc bị hấp dẫn bởi nhu cầu xây dựng hạ tầng tại Việt Nam. Với vị thế và thương hiệu của công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam, Coteccons rõ ràng là một cái tên tiềm năng để M&A.
Chương tiếp theo của ông Nguyễn Bá Dương
Về phần ông Nguyễn Bá Dương, sau khi rời Coteccons, ông có không ít lựa chọn cho điểm đến tiếp theo. Hiện tại, trong “hệ sinh thái Coteccons”, Ricons đang là doanh nghiệp quy mô lớn nhất, chỉ xếp sau Coteccons. Đây cũng là tâm điểm gây ra cuộc xung đột giữa nhóm cổ đông nước ngoài và Ban lãnh đạo Coteccons hiện nay.
Tuy nhiên, việc Coteccons nắm giữ 14,3% cổ phần tại Ricons có thể khiến ông Nguyễn Bá Dương không dễ dàng có toàn quyền xây dựng đế chế mới. Các nhà đầu tư nước ngoài khác hiện cũng nắm giữ khoảng 15% cổ phần của Ricons.
Trong hệ sinh thái Coteccons còn có nhiều công ty không liên quan tới Coteccons như Unicons, BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART…
Trong số này, có một công ty dường như được chuẩn bị sẵn cho kế hoạch hậu Coteccons khi đổi tên công ty này sang một cái tên mới khá ý nghĩa: “Newteccons”.
Newteccons tiền thân là Cổ phần Đầu tư Xây dựng Địa ốc F.D.C, được thành lập từ tháng 10 năm 2003, là một trong những công ty thuộc "hệ sinh thái" Coteccons Group.
Năm 2012, F.D.C bắt đầu có tiếng vang khi được lựa chọn thi công những công trình trọng điểm như: Nhà ga T2 – sân bay quốc tế Nội Bài, S17A - S18-2-2 Phú Mỹ Hưng, nhà máy Texhong Ngân Long, nhà máy sơn Jotun…
Những năm sau đó, F.D.C tham gia vào nhiều dự án của Coteccons như thi công tháp CT5 Masteri Thảo Điền, tham gia thi công tại siêu dự án The Landmark 81. Đến năm 2015, doanh thu của F.D.C cán mốc 1.000 tỷ đồng.
Năm 2017, F.D.C từ nhà thầu phụ bắt đầu đảm nhiệm vai trò nhà thầu chính dự án Flamingo Đại Lải và tham gia thi công siêu dự án quốc tế Casino Nam Hội An và năm trong top 10 doanh nghiệp xây dựng tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Tới tháng 1/2019, F.D.C chính thức thay đổi tên và logo thành Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons.
Thời gian gần đây, Newtecons liên tiếp trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn trong vai trò tổng thầu thi công như tòa nhà Cadivi Tower, trường phổ thông quốc tế Gateway Starlake, dự an dự án Kyocera hải Phòng, dự án nhà máy Mappletree logicstic Bắc Ninh, GP Tower tại cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ Đô Hà Nội.
|
Newtecons là bến đỗ tiếp theo của ông Nguyễn Bá Dương
|
Những người chơi khác chờ bứt phá
Những biến cố tại công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam hứa hẹn sẽ ảnh hưởng tới cả các đơn vị khác trong ngành. Trong khi Coteccons bận bịu cải tổ lại bộ máy quản trị, Newteccons cần thời gian để gây dựng lại vị thế, các doanh nghiệp xây dựng khác như Hòa Bình hay Vinaconex có thể tìm thấy cơ hội vươn lên.
Do dịch Covid-19, ngành xây dựng dân dụng đang gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều có doanh thu và lợi nhuận giảm, thể hiện khó khăn và áp lực cạnh tranh gia tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Hòa Bình đã ký nhiều hợp đồng với tổng giá trị đạt 5,5 nghìn tỷ đồng. Đó là một nỗ lực đáng kể từ ban lãnh đạo trong khoản thời gian khó khăn này. Mặc dù vậy, giá trị của các hợp đồng mới của năm 2020 mới chỉ bằng 35% tổng giá trị ký trong năm 2019.
Với vị thế sẵn có trong thị trường xây dựng dân dựng, Hòa Bình có tham vọng tham gia vào thị trường xây dựng hạ tầng. Hiện nay, Hòa Bình sở hữu 49,25% cổ phần Công ty cổ phần 479 (HB479), công ty con của CIENCO 4 chuyên về xây dựng hạ tầng.
Khoản đầu tư cũng đã mang lại những tín hiệu tích cực khi HB479 có thể sẽ được hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công. Trong tháng 8, HB479 đã tham gia vào dự án PPP – Cầu Ka Long 2 ở Quảng Ninh với giá trị hợp đồng đạt 252 tỷ VND. Hòa Bình cũng tham gia đấu thầu trong các dự án cao tốc Bắc-Nam.
Với Vinaconex, sau khi dứt điểm khỏi dự án Splendora An Khánh, công ty này đang dồn lực cho nhiều dự án, cả trong lĩnh vực xây dựng lẫn bất động sản.
Vinaconex đang có suất tham gia 5 gói thầu BOT tại các dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các dự án phát triển sân bay, Vinaconex cũng mong muốn tham dự.
Tại Đại hội cổ đông 2020, các cổ đông đã thông qua phương án phát hành 66,3 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/ cổ phần và dự kiến số tiền thu về là 994 tỷ đồng.
Số tiền này sẽ được dùng để triển khai dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội), triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng condotel resort ven biển Tuy Hòa (Phú Yên), làm vốn đối ứng cho công ty tham gia vào các dự án BOT...
Sau khi tái cấu trúc vốn tại An Khánh JVC thành công, Vinaconex sẽ dồn lực vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp ở các khu vực Hòa Lạc, Sơn Tây (Hà Nội).
Theo TheLeader