Tình trạng bạo lực ở Israel đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông và tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Tầm ảnh hưởng của sự việc này có thể phải mất thời gian để đánh giá, và tùy thuộc vào việc xung đột kéo dài bao lâu, mức độ căng thẳng và liệu nó có khả năng lan sang các phần khác của khu vực hay không.
“Còn quá sớm” để phân tích về tầm ảnh hưởng, mặc dù các thị trường dầu mỏ và chứng khoán có thể chịu ảnh hưởng ngay tức thì”, Agustin Carstens, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), phát biểu tại Hiệp hội Kinh tế Doanh nghiệp Quốc gia.
Cuộc xung đột này có khả năng tạo ra thêm các yếu tố mới gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, vốn đang tăng trưởng chậm lại, và tới các thị trường Mỹ hiện đang cố gắng thích nghi với môi trường lãi suất cao trong thời gian dài hơn như Fed từng chỉ ra.
“Bất cứ nguồn cơn nào gây ra tình trạng không chắc chắn về tình hình kinh tế đều có thể làm chậm quá trình đưa ra quyết định, làm tăng rủi ro, đặc biệt là về giá dầu”, Carl Tannenbaum, nhà kinh tế học đến từ Northern Trust, nhận định.
“Các thị trường cũng sẽ theo dõi sát sao các kịch bản có thể diễn ra”, ông nói thêm. “Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc xung đột này có làm mất đi trạng thái cân bằng trong dài hạn hay không?”.
Đòn giáng mạnh với niềm tin kinh tế
Cuộc xung đột mới bùng phát chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm thảo luận của các lãnh đạo tài chính toàn cầu khi họ gặp gỡ tại Morocco vào tuần này, để tham gia vào cuộc thảo luận về tình hình kinh tế thế giới cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang trong trạng thái chao đảo sau khi bước ra khỏi đại dịch và căng thẳng thương mại gia tăng.
Đối với các ngân hàng trung ương, cuộc xung đột này có thể tạo thêm áp lực về lạm phát – Trung Đông không chỉ là nơi quy tụ các nước sản xuất dầu mỏ lớn như Iran và Arab Saudi, mà còn có những tuyến đường vận chuyển lớn băng qua Vịnh Suez – hoặc tạo ra đòn giáng mạnh vào niềm tin đối với nền kinh tế.
Giới chức Fed từng chỉ ra giá năng lượng cao như một rủi ro tiềm ẩn đối với triển vọng giảm lạm phát của họ, và từng tuyên bố rằng họ kỳ vọng nền kinh tế Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái – trừ khi xảy ra một sự kiện bất ngờ, một cú sốc đến từ bên ngoài.
Trong khi xung đột bùng phát tại một khu vực sản xuất dầu mỏ lớn, phản ứng của các nhà giao dịch và "tay chơi" lớn trong lĩnh vực dầu mỏ như Iran và Arab Saudi sẽ được theo dõi sát sao để xem liệu có một đợt tăng giá mới sắp đến hay không. Giao dịch trên thị trường trái phiếu và chứng khoán trong những ngày tới cũng sẽ cho thấy cách mà các thị trường phản ứng với cuộc xung đột.
“Cuộc xung đột này làm tăng rủi ro giá dầu sẽ đi lên, rủi ro với cả lạm phát và triển vọng tăng trưởng”, Karim Basta, nhà kinh tế học đến từ III Capital Management, nhận định. Điều này sẽ khiến Fed phải cân nhắc xem liệu giá cả cao hơn hay đà tăng trưởng chậm hơn mới là vấn đề đáng quan ngại.
Giới chức Fed hiện đang quan sát một đợt tăng lợi suất trái phiếu kho bạc mới đây, để xem liệu các nhà đầu tư có thúc đẩy các điều kiện tài chính vượt quá mức cần thiết để làm giảm lạm phát hay không, đồng thời nêu bật rủi ro nền kinh tế tăng trưởng chậm quá mức.
Nếu chiến sự giữa Israel và Hamas làm tăng thêm mối quan ngại về nền kinh tế toàn cầu, nó có thể đảo ngược xu hướng đó bởi dòng vốn có thể đổ vào nơi tương đối an toàn là trái phiếu kho bạc Mỹ, một xu hướng thường diễn ra vào những thời điểm có khả năng xảy ra khủng hoảng./.
Chuyên gia kinh tế: Giảm phát ở Trung Quốc có thể trở thành mối quan ngại toàn cầu
Thương mại suy yếu làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế toàn cầu bị đứt gãy
Tham vọng của Ấn Độ: Trở thành cột trụ của nền kinh tế toàn cầu, sánh ngang với Mỹ, Trung Quốc và EU
Theo Reuters