Trung Quốc rơi vào giảm phát, kinh tế toàn cầu sẽ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tình trạng giảm phát của Trung Quốc được tin chỉ là tạm thời, song mức ảnh hưởng của nó đang vươn tới các quốc gia, vốn đang tập trung vào cuộc chiến chống lạm phát, ở bên kia bán cầu.

Sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhận được nhiều sự quan tâm sau khi Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới đang tập trung cho một vấn đề khác: Lạm phát dai dẳng.

Theo Financial Times, giảm phát chỉ thực sự đáng lo ngại khi ngày càng nhiều công ty cố gắng hạ giá để thu hút người tiêu dùng. Để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc cần thêm những góc nhìn khác.

Thực hư tình trạng giảm phát ở Trung Quốc

Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau khi từ bỏ chính sách Zero Covid gây thất vọng, trong đó lĩnh vực bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng sản lượng vẫn đang tăng và mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5% vẫn trong tầm tay.

“Phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc vẫn còn yếu và không đồng đều, nhưng vẫn khác xa với kiểu giảm phát của Nhật Bản”, Duncan Wrigley, nhà kinh tế học đến từ hãng Pantheon Macroeconomics, nhận định.

1.png
Lạm phát cơ bản tăng là tín hiệu cho thấy giảm phát ở Trung Quốc có thể không kéo dài (Ảnh: FT)

Mặc dù giá tiêu dùng tháng 7/2023 của Trung Quốc đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, tình trạng giảm phát dường như chỉ là tạm thời. Bởi, số liệu CPI có thể bị ảnh hưởng hiệu ứng cơ sở (base effect).

Các nhà kinh tế thường muốn biết giá hôm nay cao hơn hoặc thấp hơn bao nhiêu so với một năm trước. Nhưng nếu có một tháng xảy ra mức lạm phát tăng đột biến, thì điều này có thể tạo ra hiệu ứng ngược lại một năm sau đó (base effect), kết quả là tạo ra ấn tượng rằng lạm phát đã chậm lại.

Chỉ riêng trong tháng 7/2023, CPI của Trung Quốc đã tăng 0,2% so với tháng trước và đã tăng 0,5% trong 7 tháng đầu năm 2023. Giá thịt lợn - một trong những cấu phần tác động lớn tới chỉ số CPI ở Trung Quốc - đã giảm 26% trong 12 tháng gần nhất, sau giai đoạn tăng phi mã khi Trung Quốc thực hiện các đợt phong tỏa quy mô lớn.

Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics, cho biết lạm phát cơ bản - loại trừ lương thực và năng lượng - đã tăng từ 0,4% trong tháng 6 lên 0,8% trong tháng 7 cho thấy giảm phát ở Trung Quốc chưa trở thành vấn đề dai dẳng.

Các quốc gia khác thì sao?

Khác với Trung Quốc, phần còn lại của thế giới đang hứng chịu làn sóng lạm phát trong vài năm trở lại đây. Mặc dù lạm phát được ghi nhận ở hầu hết các quốc gia nhưng nguyên nhân lại khác nhau.

Giá tăng do sự suy giảm trong chuỗi cung ứng toàn cầu khá phổ biến, nhưng ở Mỹ vấn đề này đã bị khuếch đại do sự tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng cực kỳ mạnh mẽ. Việc 'bơm tiền' trong đại dịch đang gây lạm phát do cầu kéo ở quốc gia này.

Nguyên nhân gây ra lạm phát ở châu Âu và các nền kinh tế mới nổi rất khác.

2.png
Đà phục hồi kinh tế của Mỹ mạnh hơn nhiều so với các khu vực khác (Ảnh: FT)

Ở châu Âu, khó khăn bắt nguồn từ giá khí đốt tăng vọt. Ở các nước đang phát triển, giá lương thực và chi phí năng lượng cao hơn đã khiến giá cả leo thang trên diện rộng.

Paul Donovan, nhà kinh tế học đến từ UBS, nói rằng trong trường hợp giảm phát của Trung Quốc, sức ép giá rất có thể chỉ là vấn đề “cục bộ”.

Mặc dù giá các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể giảm do các vấn đề của nền kinh tế nước này, nhưng ông Donovan nhấn mạnh rằng “rất nhiều điều kinh khủng xảy ra” đối với hàng xuất khẩu trước khi chúng được chuyển đến điểm đến cuối cùng. “Hầu hết giá của một thứ được sản xuất ở Trung Quốc và bán trên lãnh thổ Mỹ sẽ đều được trả cho nhân công Mỹ - dưới dạng chi phí vận chuyển hay quảng cáo”, ông nói.

Tác động tiềm ẩn

Vấn đề lớn lạm phát, đặc biệt là ở châu Âu và các nền kinh tế mới nổi, chính là chi phí nhập khẩu cao hơn, thúc đẩy các công ty nội địa cố gắng bảo vệ biên lợi nhuận bằng cách nâng giá bán.

Giá hàng hóa tại cổng nhà máy (FGP) của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét ở một khía cạnh nào đó, điều này sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia khác.

Các nước châu Âu sẽ được hưởng lợi từ nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, ít cạnh tranh các nguồn cung cấp khí đốt cho lục địa già.

Tất nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng tất cả các bên đều được hưởng lợi nếu kinh tế Trung Quốc suy yếu.

Theo Dhaval Joshi, chiến lược gia trưởng tại BCA Research, Trung Quốc đã đóng góp 40% vào tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong 10 năm qua. Bất kỳ rắc rối kinh tế nào ở Bắc Kinh đều sẽ ảnh hưởng đến sản lượng thế giới.

Nhưng hiện tại, hậu quả từ giảm phát của Trung Quốc dường như vẫn nằm trong tầm kiểm soát./.

Theo Financial Times