Xuất siêu tăng chưa hẳn đã mừng!

Xuất siêu là tín hiệu đáng mừng nhưng nếu xuất siêu do nhập khẩu suy giảm, đặc biệt là giảm với các mặt hàng mang tính chất đầu tư tài sản cố định hay nguyên vật liệu đầu vào sản xuất, thì có lẽ nên lo hơn nên mừng vì nó có thể là biểu hiện sớm của tình hình sản xuất suy giảm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quí 1-2016 xuất siêu 1,3 tỉ đô la Mỹ

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quí 1-2016 với một vài chênh lệch đáng kể so với con số mà Tổng cục Thống kê ước tính trước đây. Trong đó, đáng chú ý nhất là mức xuất siêu trong cả quí 1 (theo số của Tổng cục Hải quan) là 1,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 524 triệu đô la Mỹ so với mức 776 triệu đô la Mỹ mà Tổng cục Thống kê công bố ban đầu. Việc xuất siêu tăng lên là điều đáng mừng, tuy vậy không phải không còn những mối quan ngại đằng sau những con số được công bố.

Về tổng thể, xuất khẩu trong ba tháng đầu năm đạt 38,7 tỉ đô la Mỹ - tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng chỉ hơn 6% như trên là mức thấp nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu liên tục có xu hướng giảm sút kể từ năm 2011 đến nay nhưng sụt giảm về mức thấp dưới 10% thì mới chỉ xuất hiện trong năm 2015 và 2016. Diễn biến này cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sau giai đoạn bùng nổ nhờ hội nhập WTO, vì cả lý do khách quan (cầu thế giới sụt giảm, giá hàng hóa lao dốc) và chủ quan (chỉ xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp), đang dần chững lại. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu quí 1-2016 thì khu vực FDI vẫn chiếm 70% giá trị với tốc độ tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước chỉ chiếm tỷ trọng 30%, suy giảm 2,2%. Xu hướng ngày càng lấn át của các doanh nghiệp FDI đang khiến xuất khẩu của Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào các ông chủ người nước ngoài - những người có thể đến và đi nhanh chóng khi môi trường đầu tư thay đổi.

Chính sự suy giảm trong nhập khẩu trong khi xuất khẩu vẫn tăng trưởng đã giúp cán cân thương mại của Việt Nam quay trở lại trạng thái thặng dư trong quí 1 năm nay.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong quí 1 chỉ đạt 37,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 4% so với cùng kỳ (tương đương 1,58 tỉ đô la Mỹ). Sự sụt giảm diễn ra ở cả khu vực FDI (giảm 4,5%) và khu vực trong nước (giảm 3,3%). Đáng lưu ý, nhập khẩu máy móc phụ tùng của khu vực FDI có mức giảm rất lớn (giảm 1,44 tỉ đô la Mỹ), ngược hẳn với tình hình thu hút và giải ngân vốn FDI khá tích cực trong ba tháng đầu năm nay (với mức tăng lần lượt 119% và 14,8% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm 3,3% (tương đương 512 triệu đô la Mỹ. Các mặt hàng giảm nhiều nhất là phương tiện vận tải và phụ tùng (giảm 434 triệu đô la Mỹ); xăng dầu (giảm 420 triệu đô la Mỹ).

Chính sự suy giảm trong nhập khẩu trong khi xuất khẩu vẫn tăng trưởng đã giúp cán cân thương mại của Việt Nam quay trở lại trạng thái thặng dư trong quí 1 năm nay.

Xuất nhập khẩu các nhóm hàng chủ lực

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong ba tháng đầu năm nhìn chung có tốc độ tăng trưởng ở mức trung bình khá (5-10%), ngoại trừ mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng tới 24% so với cùng kỳ năm trước (đạt 8,27 tỉ đô la Mỹ; riêng trong tháng 3 đạt 3,57 tỉ đô la Mỹ, tăng 46,2%). Đứng đầu các thị trường xuất khẩu mặt hàng này là các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (với 1,12 tỉ đô la Mỹ), tiếp đến là Mỹ (1,09 tỉ đô la Mỹ, tăng 107%), Hàn Quốc (540 triệu đô la Mỹ, tăng 300%). Các mặt hàng như dệt may, giày dép, thủy sản có mức tăng trưởng so với cùng kỳ lần lượt là 6,5%; 9,6% và 5,2% với các thị trường lớn nhất vẫn là Mỹ, EU, Nhật Bản. Đối với các mặt hàng nông sản, đáng lưu ý là xuất khẩu gạo và cà phê đã có sự phục hồi khá ấn tượng ngay trong quí 1. Cụ thể, xuất khẩu cà phê đạt 810 triệu đô la Mỹ, tăng 6,1% về giá trị và 30% về lượng; gạo đạt 680 triệu đô la Mỹ, tăng 38,5% về giá trị và 38,1% về lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý là xu hướng này hoàn toàn có thể thay đổi do ảnh hưởng của tình hình hạn hán nghiêm trọng đầu năm sẽ khiến nguồn cung gạo và cà phê sụt giảm trong các quí tới (trong quí 1 chủ yếu nguồn xuất khẩu vẫn lấy từ hàng tồn kho từ năm trước để lại).

Về phía các mặt hàng nhập khẩu chính, ngoài máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng có mức sụt giảm đáng lo ngại (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước) thì nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cũng có mức giảm gây ngạc nhiên. Trong ba tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 19.700 chiếc ô tô, giảm 21% về số lượng và 17% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015. Lượng nhập khẩu giảm ở hầu hết các loại xe, trừ ô tô tải (ô tô từ chín chỗ ngồi trở xuống giảm 37%, các loại khác giảm 45,6%). Nguyên nhân được xác định là do tác động của cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới áp dụng từ đầu năm 2016. Sắt thép cũng là mặt hàng đáng chú ý khi kim ngạch nhập khẩu quí 1 đạt 4,72 triệu tấn, tăng tới 64,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 2,9 triệu tấn (tăng 70,5%). Tình trạng dư thừa công suất đã khiến thép Trung Quốc giá rẻ được đẩy mạnh nhập về Việt Nam, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Việc Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ bằng cách tăng thuế đối với mặt hàng thép nhập khẩu mới chỉ áp dụng từ nửa cuối tháng 3-2016 nên dự kiến hiệu quả của biện pháp trên chỉ bắt đầu phát huy tác dụng trong việc giảm lượng thép nhập khẩu từ quí 2 trở đi.

Theo TBKTSG