2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 4,7 tỷ USD từ Trung Quốc

VietTimes -- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 2/2016 ước đạt 20,5 tỉ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 10,3 tỉ USD, nhập khẩu ước đạt 10,2 tỉ USD, xuất siêu được 100 triệu USD trong tháng này.
2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 4,7 tỷ USD từ Trung Quốc

Bộ Công thương vừa công bố chỉ số giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm năm 2016.

Theo đó, trong tháng 2/2016, chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam của Nikkei chỉ đạt 50,3 điểm, giảm so với mức 51,5 điểm của tháng trước, nhưng vẫn nằm trên ngưỡng không thay đổi (mức 50 điểm).

“Sức khỏe lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã được cải thiện trong ba tháng liên tiếp, nhưng mức độ cải thiện vào tháng 2/2016 là yếu nhất trong quãng thời gian này”, Bộ Công thương nhận định.

Sản lượng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng tháng thứ ba liên tiếp mặc dù chỉ tăng nhẹ và với tốc độ chậm hơn so với tháng trước đó. Việc tăng chậm lại này đã khiến tồn kho hàng thành phẩm của doanh nghiệp giảm vì các công ty sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn đặt hàng mới. Hàng tồn kho sau sản xuất hiện giảm với mức độ lớn nhất kể từ tháng 2/2014.

Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 2/2016 cũng tăng chậm hơn. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng nhanh hơn tháng trước. Tình hình việc làm trong tháng 2/2016 gần như không thay đổi so với tháng trước. Mức độ việc làm đã tăng trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian.

Giá cả đầu vào trong tháng 2 giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng qua chủ yếu do giá dầu giảm, theo đó, giá cả đầu vào đã liên tiếp giảm trong 8 tháng qua. Lĩnh vực hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản đều có giá đầu vào giảm. Trước việc chi phí đầu vào giảm và nhu cầu khách hàng còn yếu, các nhà sản xuất cũng đã hạ giá bán sản phẩm.

Nối tiếp tháng đầu tiên năm 2016 đạt mức xuất siêu 765 triệu USD, sang tháng 2/2016 Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 100 triệu USD, nhưng giá trị xuất siêu thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 2/2016 ước đạt 20,5 tỉ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 10,3 tỉ USD, nhập khẩu ước đạt 10,2 tỉ USD, xuất siêu được 100 triệu USD trong tháng này.

Trong 10,3 tỉ USD kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2016 - giảm 22,9% so với tháng trước - thì khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 2,9 tỉ USD, giảm 30,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 7,4 tỉ USD, giảm 19,5%. Nguyên nhân của việc sụt giảm này là do tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch giảm nhiều so với tháng trước gồm giày dép giảm 40,6%; thủy sản giảm 36,7%; gỗ & sản phẩm gỗ giảm 34%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 24,4%; dệt may giảm 20,1%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2015 tăng 8,4%.

Ở hướng ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2016 ước tính đạt 10,2 tỷ USD, giảm 19% so với tháng trước. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2016 ước đạt 22,8 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2016 từ hầu hết các thị trường chủ yếu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc ước tính đạt 7 tỷ USD, giảm 5,6% (nhập siêu từ thị trường này khoảng 4,7 tỷ USD, giảm 9,6%); tiếp đến là Hàn Quốc đạt 3,9 tỷ USD, giảm 4,8%; ASEAN đạt 3,2 tỷ USD, giảm 7,6%; Nhật Bản đạt 1,9 tỷ USD, giảm 9,5%; EU đạt 1,3 tỷ USD, giảm 26,6%; Hoa Kỳ đạt 1 tỷ USD, giảm 4,2%.

So với tháng trước, giá hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 1,02%; Khí đốt hóa lỏng giảm 11,75%; sắt thép giá tăng 3,43%....Giá hàng hoá nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm 4,77%, từ Nhật Bản giảm 3,21%. Giá hàng hoá nhập khẩu từ Hoa Kỳ giảm 0,8% trong tháng 2/2016.

H.V