Xuất khẩu Nga đang nhắm tới Việt Nam, Trung Quốc

Đồng rúp mất giá không phải là một thảm họa đối với Nga. Đồng tiền rẻ đi khiến các mặt hàng xuất khẩu Nga rẻ theo, qua đó tăng nhu cầu và doanh số tại nước ngoài. Đồng thời, giá lao động và chi phí vận hành của các doanh nghiệp nước ngoài tại Nga cũngcạnh tranh hơn so với các nước khác.
Xuất khẩu Nga đang nhắm tới Việt Nam, Trung Quốc

Rúp giảm sâu, xuất khẩu Nga hời lớn

Theo thông tin chính thức từ cơ quan thống kê Rosstat (Nga), lương danh nghĩa trung bình hàng tháng tại Nga đã giảm trong tháng 7, tính theo đô la Mỹ xuống còn hơn 500 USD/tháng. Giá lao động tại nước này xuống thấp hơn so với Romani và Trung Quốc, những nước vốn được biết tới với giá nhân công rẻ.

Trong ngành ô tô, đối với các nhà sản xuất, Nga đang trở thành nơi lắp ráp sinh lợi nhuận tốt hơn so với châu Âu, gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Romani. Trên nhật báo Vedomosti, Đại diện của hãng ô tô AvtoVAZ, ông Sergei Illyinsky cho biết, chi phí lao động trên 1 sản phẩm xe hơi tại Nga vào khoảng 250 USD, so với ở Romania là 340 USD và Thổ Nhĩ Kỳ là 450 USD.

Giá bán buôn thịt lợn Nga tháng 6 đã rẻ ngang với Trung Quốc. Thịt lợn Nga có giá 3 USD/kg, so với Trung Quốc là 3,10 USD/kg. Trong khi đầu năm nay, giá sản phẩm này của Nga vẫn ở mức 4,6 USD/kg.

Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga, ông Aleksey Ulyukaev cho biết, chính phủ đang tìm cách hỗ trợ các nhà xuất khẩu thịt nước này thâm nhập thị trường châu Á.

“Trung Quốc là nhà nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới. Chúng tôi phải vào thị trường này. Chúng tôi phải tham gia thị trường Hàn Quốc; chúng tôi cũng nên thâm nhập thị trường Việt Nam… Chúng tôi sẽ giúp các nhà xuất khẩu Nga”, ông Ulyukaev cho biết hôm tuần trước.

Theo Phòng phát triển Viễn Đông thuộc Hải quan Liên Bang Nga, xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm khác của Nga là sữa, mật ong và trứng của Nga trong nửa đầu năm 2015 đã tăng gấp 14 lần, lên 3.550 tấn. Sôcôla xuất khẩu thì tăng tới 34 lần, lên 1.048 tấn.

Các sản phẩm gia dụng và mỹ phẩm nước ngoài cũng được lợi nhờ đồng rúp yếu. Chi phí sản xuất các hóa mỹ phẩm của các hãng L’Oreal, Oriflame và Unilever giảm đi, giúp giá bán cạnh tranh hơn khi xuất khẩu.

Rúp ít có thể quay đầu tăng giá trở lại?

Theo tính toán, giá dầu lần đầu tiên kể từ năm 2009 lao xuống dưới 40 USD/thùng khiến nguồn vốn của nước Nga bị thâm hụt gần 600 tỷ rúp và tỷ lệ nợ xấu tăng gấp 2 lần.

Nghiêm trọng hơn, nếu đồng rúp xuống còn 65 đồng đổi một USD vào cuối năm 2015, khiến kinh tế Nga bị suy giảm tới 5% trong năm nay và 1% vào năm 2016.

Tỷ giá hiện hành 69,11 rúp/1 USD, rúp Nga đang tiến sát tới mức thấp nhất từ đầu năm 2015 tới nay là 75,85 rúp/ 1 USD, mức tỷ giá hôm 30/1 và mức thấp nhất từ trước tới nay là 80 rúp/1 USD hồi tháng 12 năm ngoái.

Hôm 22/8 vừa qua, Thủ tướng Nga Dimtry Medvedev thông báo, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương nước này đang chuẩn bị các biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của nước này bán ra ngoại hối nhằm đối phó với tình trạng đồng rúp tiếp tục yếu đi.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Nga thường tăng giao dịch ngoại hối vào thời điểm cuối tháng bởi họ cần rúp để chi trả các khoản thuế. Các giao dịch ngoại hối này sẽ giúp tăng nguồn cung ngoại hối, qua đó giúp Ngân hàng Trung ương Nga giảm áp lực giảm giá đồng rúp trong bối cảnh đồng tiền này đã mất giá tới 18% so với đô la Mỹ trong tháng qua khi mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga là dầu mỏ giảm giá sâu trên các thị trường thế giới.

Phương sách này từng được sử dụng hồi tháng 12 năm ngoái khi Chính phủ Nga chỉ đạo cho các công ty xuất khẩu nhà nước bán ra một phần dự trữ ngoại tệ của họ trong một khung thời gian quy định.

Hiện chưa rõ những yêu cầu cụ thể mà Chính phủ Nga đưa ra đối với những doanh nghiệp xuất khẩu nước này, có gì được điều chỉnh so với lần áp dụng biện pháp này tháng 12 năm ngoái hay không.

Ông Medvedev phủ nhận quan điểm cho rằng, Chính phủ Nga đang tăng cường kiểm soát đối với các giao dịch ngoại hối của các doanh nghiệp xuất khẩu: “Chúng tôi chưa bao giờ nới lỏng các quy định kiểm soát này, và trong tương lai cũng sẽ không bớt kiểm soát ngoại tệ”.

Đỗ Tuấn theo VnMedia