Xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm trong tháng 5, khó lấy đà phục hồi mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Xuất khẩu của Trung Quốc giảm ít hơn so với dự báo, điều này là một tín hiệu lạc quan trong bối cảnh đà tăng trưởng sản xuất vẫn tiếp tục chậm lại.

Xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 5 (Ảnh: FT)
Xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 5 (Ảnh: FT)

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 đã thu hẹp nhiều hơn so với dự báo, do nhu cầu hàng hoá nước này trên toàn cầu giảm. Dữ liệu được công bố trong lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp khó khăn trong việc phục hồi đà tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.

Xuất khẩu đã giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với con số dự báo giảm 0,4% mà các nhà phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò do hãng Reuters thực hiện.

Trong khi đó, nhập khẩu giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức giảm 8% mà giới chuyên gia dự báo trước đó. Điều này khiến cho thặng dư thương mại của Trung Quốc ở mức 65,81 tỉ USD, giảm 16,1% và thấp hơn những con số dự báo.

Một số nhà kinh tế học cho rằng dữ liệu nhập khẩu cao hơn so với dự báo cho thấy đà phục hồi hậu COVID của nền kinh tế Trung Quốc vẫn được duy trì, mặc dù xuất khẩu giảm. Nhập khẩu đã giảm 7,9% trong tháng 4, so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu trong tháng đó tăng 8,5%, thấp hơn mức tăng đột biến trong tháng 3.

Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế Trung Quốc đến từ Capital Economics, viết trong một bản nghiên cứu rằng, do cơ sở so sánh thấp hơn so với năm ngoái và nhiều thay đổi về giá nhập khẩu, nên khối lượng nhập khẩu trong tháng 5 thực chất đã tăng 8,5%, đã được điều chỉnh theo mùa vụ, tốc độ nhanh nhất trong hơn một năm.

“Nhập khẩu tăng cao nhất trong vòng 18 tháng, củng cố thêm quan điểm của chúng tôi rằng đà phục hồi sau khi mở cửa vẫn tiếp tục”, Evans-Pritchard cho hay.

6.png
Dữ liệu về tăng trưởng xuất/nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc, tính theo % (Ảnh: FT)

Thương mại đóng vai trò huyết mạch đối với nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn đại dịch, nhưng lại sụt giảm trong những tháng gần đây khi nhu cầu hàng hoá xuất khẩu toàn cầu giảm. Ngành sản xuất cũng sụt giảm so với ngành dịch vụ, tính từ thời điểm các lệnh phong toả COVID được gỡ bỏ trong năm ngoái.

Hàng loạt chỉ số kinh tế trong những tuần gần đây đã cho thấy đà phục hồi kinh tế không đồng đều của Trung Quốc đang bắt đầu chậm lại, trong đó sản lượng công nghiệp và lợi nhuận, hoạt động sản xuất và tăng trưởng tín dụng đều giảm.

Trong khi hoạt động ngành dịch vụ tăng lên trong năm nay, vẫn có nhiều tín hiệu cho thấy tốc độ sẽ giảm dần so với mức tăng có được ban đầu sau khi chính sách zero-COVID được gỡ bỏ.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay, thương mại với Mỹ đã giảm 5,5% trong 5 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thặng dư thương mại của Trung Quốc với nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm 14,5%. Thương mại với Nhật Bản giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay là ASEAN, tăng 9,9%, tiếp đó là EU, tăng 3,6%.

Ông Evans-Pritchard dự đoán rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm do tác động của lãi suất cao ở khắp các nền kinh tế phát triển trong năm nay. “Về phần nhập khẩu, chúng tôi tin rằng sẽ có sự phục hồi trong các quý tiếp theo, do tác động tích cực từ việc mở cửa trở lại sẽ tiếp tục”, ông viết.

Theo Financial Times