Xuất hiện thuyết âm mưu mới về đại dịch Covid-19

VietTimes -- Facebook và YouTube cùng nhiều hãng công nghệ khác đang phải vật lộn đối phó với một thuyết âm mưu mới về đại dịch.
Nhiều người đã biểu tình chống lại lệnh cách ly xã hội do Covid-19 trước Tòa nhà Quốc hội ở Madison, Wisconsin vào ngày 24/4/2020. Ảnh: CNBC
Nhiều người đã biểu tình chống lại lệnh cách ly xã hội do Covid-19 trước Tòa nhà Quốc hội ở Madison, Wisconsin vào ngày 24/4/2020. Ảnh: CNBC

Một đoạn video có độ dài khoảng 26 phút có tên là “Plandemic” được quảng cáo là một trích đoạn của một bộ phim tài liệu lớn hơn dự kiến sẽ được phát hành vào mùa hè này. “Plandemic” được sản xuất bởi một công ty có tên là Elevate do nhà làm phim Mikki Willis thực hiện với sự tham gia của nhà khoa học chuyên nghiên cứu chứng mệt mỏi mãn tĩnh, tiến sĩ Judy Mikovits, cũng là người đi đầu trong chủ nghĩa chống vắc-xin.

Video đã cố gắng thuyết phục mọi người rằng đại dịch Covid-19 được tạo ra để một số cá nhân, tổ chức kiếm lợi từ việc bán vắc-xin. Hầu hết các tuyên bố trong video đều đi ngược lại lời khuyên của các chuyên gia y tế như việc cách ly sẽ gây hại cho hệ thống miễn dịch cộng đồng và đeo khẩu trang có thể khiến người ta bị nhiễm bệnh.

Video này được đăng tải lần đầu tiên trên mạng xã hội từ ngày 4/5 với nội dung đề cập đến nguồn gốc và cách thức lây lan của virus Corona.

Vào thứ năm, Facebook, YouTube và Vimeo đều cho biết họ đang xóa video khỏi nền tảng của họ. Nhưng trước khi bị xóa, video đã được lan truyền một cách chóng mặt. Ngoài các nền tảng video, nó có thể được tìm thấy trên Facebook, Instagram, Twitter và thậm chí LinkedIn.

Trên Facebook, “Plandemic” được đăng tải lần đầu bởi một người dùng tự xưng là người đã dựng lên bộ phim này. Video của người này đã có hơn 1,8 triệu lượt xem vào hôm thứ Năm và được chia sẻ hơn 150.000 lần và 17.000 lượt bình luận. Một “Plandemic” khác được đăng tải trên YouTube đã nhận được hơn 1 triệu lượt xem trước khi bị xóa, theo MIT Technology Review.

Ngoài ra, các hashtag #PlandemicDocumentary đã trở thành một trong những chủ đề hàng đầu trên Twitter tại Mỹ vào hôm thứ Năm.

Trong quá khứ, Mikovits đã từng bị cáo buộc với những tuyên bố sai lầm. Năm 2009, vị tiến sĩ này đã công bố một nghiên cứu về hội chứng mệt mỏi mãn tính nhưng không được hội đồng khoa học công nhận. Đến năm 2012, cô đã bị Viện Whittemore Peterson sa thải với cáo buộc trộm cắp tài sản và dữ liệu máy tính.

Bất chấp quá khứ không mấy tốt đẹp, Mikovits đã thể hiện mình là một nhân vật rất đáng tin cậy trong “Plandemic”. Không giống như những người theo thuyết âm mưu khác, họ hét lên hay nói dài dòng, lan man thì Mikovits đã trình bày lập luận của mình một cách rất bình tĩnh. Ngôn ngữ thuyết phục kết hợp với các clip được cắt ghép chọn lọc có vẻ như đã kéo được một bộ phần lớn người xem tin theo.

Ảnh: CNET
Ảnh: CNET

Lúc đầu, Facebook đã từ chối bình luận về việc video có vi phạm chính sách của hãng hay không. Tuy nhiên, đến cuối ngày thứ Năm cho biết “một nội dung trong video cho rằng đeo khẩu trang có thể khiến mọi người bị nhiễm bệnh có thể dẫn đến những hệ lụy xấu nghiêm trọng, vì vậy, chúng tôi sẽ xóa video”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới đã xử lý vấn đề khá chậm chạp so với những nền tảng khác.


Phát ngôn viên của YouTube cho biết nền tảng này đã nhanh chóng xóa bỏ video vì nó vi phạm các nguyên tắc cộng đồng của hãng, bao gồm những lời khuyên không có căn cứ về mặt y tế liên quan đến Covid-19. Theo công ty, video bị xóa vì đã có những tuyên bố sai lệch về phương pháp chữa trị Covid-19 chưa được các WHO ủng hộ.

Vimeo, một nền tảng video cũng lưu trữ các bản sao của video, cũng đã gỡ bỏ nó khỏi trang web của mình vào ngày 7 tháng 5.

Trong khi đó, Twitter cũng cho biết hãng đã ngăn chặn các hashtag như ”#PlagueofCorruption” và "#PlandemicMovie” khỏi các xu hướng và tìm kiếm của nền tảng.

Theo CNBC, DigitalTrends