|
Ông Phạm Tuấn Anh – chuyên viên Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý) |
Thông tin trên được ông Phạm Tuấn Anh -- chuyên viên Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế -- đưa ra tại hội nghị chuyên đề chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ do Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế tổ chức trong 2 ngày (29-30/12) tại Hà Nội.
“Lợi bất cập hại” vì thủ tục hành chính
Lĩnh vực dược và mỹ phẩm là một trong những lĩnh vực vô cùng rộng lớn và phức tạp của ngành Y tế. Từ trước tới nay, thuốc, mỹ phẩm luôn là mặt hàng đặc biệt được người dân quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng của mỗi người.
Theo ông Phạm Tuấn Anh -- chuyên viên Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế -- Hiện, thị trường dược phẩm ở Việt Nam có quy mô trên 5 tỉ USD/năm với 22.000 loại thuốc. Nhu cầu sử dụng dược phẩm của người dân nước ta đứng thứ 2 Đông Nam Á. Có cầu ắt có cung. Do nhu cầu sử dụng thuốc của người dân lớn nên hiện nay, hệ thống ngành Dược đang quản lý hơn 60.000 cơ sở kinh doanh, cung ứng thuốc.
|
Theo ông Anh, thị trường dược phẩm ở Việt Nam có quy mô trên 5 tỉ USD/năm (Ảnh: Minh Thuý) |
Việc quản lý chất lượng thuốc, kinh doanh thuốc, cơ sở cung ứng thuốc, chứng chỉ hành nghề, mỹ phẩm có tác động lớn tới các cơ sở kinh doanh, cung ứng thuốc và các doanh nghiệp trên cả nước. Mặc dù công tác quản lý có tác động lớn đến các cơ sở kinh doanh, cung ứng thuốc nhưng việc xử lý thủ tục hành chính rườm rà đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà thuốc, doanh nghiệp, khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ông Anh cho hay: “Nếu như trước đây một loại thuốc có vi phạm ở một tỉnh hoặc một địa bàn nào đó thì Sở Y tế sẽ làm công văn gửi lên Cục Quản lý Dược để kiểm tra. Khi phát hiện thuốc có vi phạm, Cục Quản lý Dược sẽ tiến hành đánh giá, thanh tra và tiếp tục ban hành công văn để xử lý vi phạm. Quá trình từ lúc phát hiện thuốc vi phạm đến khi Cục Quản lý Dược ra quyết định xử lý phải mất 1 tháng.”
Có thể thấy, việc xử lý một loại thuốc vi phạm mất rất nhiều thời gian, công sức vì thủ tục hành chính rườm rà. Nếu nhiều loại thuốc vi phạm cùng một lúc thì quá trình xử lý chắc chắn sẽ kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường thuốc. Bởi bằng nhiều cách khác nhau, những loại thuốc kém chất lượng, không đảm bảo an toàn có thể đến tay người dân trước khi họ nhận được thông báo thuốc không đảm bảo chất lượng từ Cục Quản lý Dược.
Chính vì vậy, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực dược đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý thuốc vi phạm và thuốc có dấu hiệu vi phạm, Cục Quản lý Dược đã chính thức số hoá và triển khai dịch vụ công trực tuyến.
|
Bệnh nhân chờ lấy thuốc ở bệnh viện (Ảnh: Minh Thuý) |
Khi triển khai dịch vụ công trực tuyến, các Sở Y tế sẽ chủ động cập nhật thông tin lên hệ thống những loại thuốc vi phạm. Ngay lập tức, Cục Quản lý Dược sẽ nhận được thông tin về những loại thuốc này để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời mà không cần phải chờ đợi văn bản của Sở Y tế các tỉnh, thành phố như trước kia rồi mới xử lý.
Tương tự như các Sở Y tế, với những nhà thuốc kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia, khi có thông tin thuốc vi phạm, các cơ sở bán lẻ, bán buôn thuốc trên toàn quốc đều nhận được cảnh báo về những thuốc kém chất lượng, không mua, bán những loại thuốc này để bảo vệ sức khoẻ cho người dân.
Như vậy, chuyển đối số trong lĩnh vực dược không chỉ loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, tốn nhiều thời gian, công sức mà còn giúp người dân sớm nắm bắt được thông tin về những loại thuốc, mỹ phẩm kém chất lượng, đồng thời, công khai, minh bạch giá các loại thuốc, tiêu diệt triệt để tình trạng tham nhũng vặt từng là vấn đề nhức nhối trong thị trường dược phẩm ở Việt Nam.
Nỗ lực số hoá toàn bộ ngành Dược
Nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ sức khoẻ người dân, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã triển khai tổng cộng 7 hệ thống phần mềm, bao phủ 5 lĩnh vực gồm: Chất lượng thuốc, kinh doanh thuốc, cơ sở cung ứng thuốc, chứng chỉ hành nghề và mỹ phẩm.
Mới triển khai số hoá ngành Dược vỏn vẹn 2 năm nhưng Cục Quản lý Dược đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Đến nay, Cục đã cấp mã định danh (nguồn gốc, xuất xứ, công dụng) cho khoảng 23.500 thuốc, trong đó 100% thuốc đều là thuốc kê đơn. Dữ liệu của 23.500 loại thuốc này sẽ được sử dụng trong dữ liệu của bệnh án điện tử, thanh toán BHYT, y bạ điện tử, v.v.
|
Thuốc (Ảnh minh hoạ) |
Cùng với đó Cục Quản lý Dược đã xây dựng cơ sở dữ liệu về chứng chỉ dược và hành nghề kinh doanh dược. Riêng đối với cơ sở sản xuất thuốc, Cục Quản lý Dược đang quản lý khoảng 340 cơ sở xuất, nhập khẩu thuốc; khoảng 4.000 cơ sở bán buôn, hơn 60.000 cơ sở bán lẻ thuốc trên thị trường và xấp xỉ 120.000 chứng chỉ hành nghề dược. Đây là những con số biết nói thể hiện tình hình quản lý dược và thị trường thuốc ở nước ta.
Riêng về chứng chỉ hành nghề dược, ông Anh nhận định: Do chứng chỉ hành nghề dược được Sở Y tế cấp nên đã xảy ra tình trạng một người mới tốt nghiệp chuyên ngành dược cũng có thể “xin” được chứng chỉ hành nghề dược ở nhiều địa phương khác nhau trong khi Luật quy định mỗi cá nhân chỉ được hành nghề ở một cơ sở sản xuất trên toàn quốc.
Để khắc phục tình trạng “xin” chứng chỉ hành nghề, Cục Quản lý Dược đã xây dựng phần mềm quản lý hành nghề và kinh doanh dược để công khai toàn bộ thông tin về chứng chỉ hành nghề cùng các cơ sở kinh doanh dược cho các cơ sở y tế , tránh cấp trùng, cấp thiếu, cấp thừa chứng chỉ hành nghề dược.
Đáng chú ý, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhằm đảm bảo cung ứng thuốc, Cục Quản lý Dược đã xây dựng hệ thống kết nối 247 nhà máy có khả năng cung cấp thuốc với 48 hoạt chất phục vụ điều trị bệnh COVID-19. Hệ thống này đã chứng minh được hiệu quả tối đa khi các bác sĩ điều trị cho phi công người Anh mắc COVID-19 (bệnh nhân 91).
Thời gian tới, Cục Quản lý Dược sẽ tiếp tục nỗ lực chuyển đổi số toàn bộ ngành Dược, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, quy trình tác nghiệp, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; kết nối, tập hợp các Sở Y tế, doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp dược, bệnh viện. Đặc biệt, Cục Quản lý Dược sẽ ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ Analytics để xây dựng, phân tích dữ liệu, tăng cường quản lý ngành Dược.