Xử lý người dùng để chống vi phạm bản quyền là rất khó

Để chống vi phạm bản quyền phải tìm cách ngăn chặn tận gốc rễ của vấn đề, từ những đối tượng tạo ra nội dung vi phạm và công cụ vi phạm bản quyền, bao gồm các kho tải chứa nội dung vi phạm và các app hay trang web lậu, còn xử lý người dùng là rất khó khăn.
Ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền trên môi trường số cần phải trị tận gốc.
Ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền trên môi trường số cần phải trị tận gốc.

Sau khi ICTnews đăng loạt bài về vi phạm bản quyền trên Internet, một số độc giả đã liên hệ với ICTnews và đưa ra một số ý kiến đóng góp cho giải pháp xử lý nạn vi phạm bản quyền nội dung số ở Việt Nam.

Ông Lê Quốc (một nhà phát triển nội dung số ở TP.HCM) cho rằng, liên quan đến vi phạm bản quyền ở Việt Nam hiện nay có 3 đối tượng. Thứ nhất, tạm gọi là các ứng dụng chứa nội dung vi phạm bản quyền như: fshare, tenlua, 4share... Đây có thể coi như các kho chứa tài sản bất hợp pháp cho phép người dùng tự tải nội dung lên, tương tự như Google Drive... Phần lớn nội dung trong các kho chứa này là người dùng tải lên. Ví dụ, fshare có chính sách khuyến khích người dùng upload nội dung lên, nội dung đó càng phổ biến, nhiều lượt download thì người upload càng nhiều điểm thưởng, điểm thưởng này có thể quy đổi ra VIP fshare và có thể bán để quy đổi ra tiền được. Fshare cũng quy định phải mua tài khoản VIP mới dùng được băng thông cao nhất, còn với tài khoản miễn phí thì bị giới hạn băng thông.

Đối tượng thứ hai liên quan đến vi phạm bản quyền là những người cung cấp công cụ để người dùng tiếp cận với nội dung lậu. Họ viết ra các app hay add-on để người dùng có thể truy cập vào để xem nội dung như hdviet, hdplay, phimmoi và hàng trăm ứng dụng nội dung số khác. Các ứng dụng này có thể kết nối với các kho chứa nội dung kể trên để cung cấp nội dung cho người dùng cuối. Đối tượng thứ hai này có thể ví như là người tạo ra công cụ vi phạm. Còn đối tượng thứ ba chính là người dùng cuối, người sử dụng sử dụng nội dung vi phạm bản quyền.

Theo ông Lê Quốc, ở Việt Nam nếu nhà nước tính chuyện xử lý người dùng cuối vi phạm bản quyền là điều rất khó khăn và thiếu cơ sở pháp lý cũng như biện pháp kỹ thuật để theo dõi người sử dụng Internet. Do đó, để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền, nhà nước cần tạo ra những quy trình để xử lý vi phạm của đối tượng thứ nhất và thứ hai, hai đối tượng này có thể là hai đơn vị độc lập, hoặc có thể là 1 đơn vị vừa tạo ra kho nội dung vừa tạo ra ứng dụng để người dùng truy cập được.

Với đối tượng vi phạm thứ hai là những nhà cung cấp app nội dung như hdviet hay phimmoi và hàng trăm trang web phim khác chủ yếu họ thu lợi bằng cách chạy quảng cáo hoặc bán tài khoản vip. Đây là cách kiếm lợi phổ biến mà cơ quan nhà nước đang tìm cách ngăn chặn.

Nhưng theo ông Lê Quốc, nếu ko thu lợi được từ quảng cáo thì họ vẫn có cách kiếm tiền khác mà hiện tại ít người biết, đó là họ kinh doanh box Android. Ví dụ, hdplay vừa có app lậu, vừa có box hdplay bán dựa vào nội dung app lậu. Với box này họ sẽ thu lợi qua việc bán box, app chỉ tạo lợi thế về mặt nội dung cho họ bán box, bằng các chính sách như mua box hdplay tặng tài khoản Vip hdplay 1 năm.

Các nhà cung cấp nội dung lậu còn thu lợi từ việc bán box Android.

Các nhà cung cấp nội dung lậu còn thu lợi từ việc bán box Android.

Bên cạnh đó, để có chứng cứ về các cá nhân hay tổ chức vi phạm, nhà nước cần triển khai một đội ngũ có am hiểu về lĩnh vực nội dung số để săn những chứng cứ vi phạm bản quyền, đội ngũ này hoạt động ngầm giống như là cảnh sát chìm, am hiểu về công nghệ. Phải kết hợp bằng nhiều cách làm mới có thể tạo môi trường kinh doanh nội dung số lành mạnh, doanh nghiệp chân chính sẽ mạnh dạn đổ vốn làm nội dung có bản quyền trên Internet.

“Chống vi phạm bản quyền là một cuộc chiến không đơn giản, cần phải hiểu và xử lý tận gốc của vấn đề thì mới có thể xử lý được”, ông Lê Quốc nói.

Một ý kiến khác cũng cho rằng, nhà nước cần nghiên cứu xem xét tổng thể các chính sách của về quản lý tài sản số, chính sách bảo vệ tác quyền đã đủ mạnh chưa, đã phù hợp chưa. Bên cạnh đó các nhà cung cấp nội dung chính thống cũng phải nghiên cứu xem xét lại hiệu quả truyền thông marketing sản phẩm nội dung số của mình. Cũng như cần đánh giá lại hành vi và phản ứng của khách hàng trong môi trường trực tuyến ở Việt Nam.

Ở Việt Nam hiện nay, các yêu cầu hay đề nghị gỡ bỏ nội dung vi phạm dường như không có tác dụng. Theo ông Micheal Kwan, Giám đốc công nghệ khu vực Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), ở Việt Nam yêu cầu về “gỡ bỏ” nội dung vi phạm đã không còn phát huy tác dụng trong việc ngăn chặn sóng thần vi phạm bản quyền trên mạng. Từ tháng 4/2016, MPA đã gửi 27 thông báo yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm tới các ISP và nhà lưu trữ ở Việt Nam. Nhưng chỉ có duy nhất có một phản hồi là một trang web xuongphim.tv được lưu trữ bởi một ISP Việt Nam, sau đó trang web này đã gỡ bỏ và chấm dứt vi phạm nội dung mà MPA yêu cầu, hiện không còn truy cập được từ Việt Nam hay từ nước ngoài nữa.

Theo ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, các nhà sản xuất, các chủ sở hữu kênh, chương trình truyền hình cần phải lên tiếng phản kháng mạnh mẽ hành vi xâm phạm bản quyền. Các cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để xử lý, ngăn chặn. Đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn quảng cáo đến các trang web vi phạm. Khi đó các chương trình phim lậu, nội dung vi phạm sẽ khó đến được với người xem.

Theo ICTNews
http://ictnews.vn/internet/xu-ly-nguoi-dung-de-chong-vi-pham-ban-quyen-la-rat-kho-158521.ict