|
Cầu Việt Trì không phục vụ được xe tải những vẫn phục vụ được đường sắt. |
Theo đó, Tổng cục Đường bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra hiện trường cầu Việt Trì, với các nội dung kiểm tra gồm: rà soát các hư hỏng ảnh hưởng đến ATGT, an toàn công trình cầu như: khe co giãn, bu lông, bê tông mặt cầu...
Vụ KHĐT được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư sửa chữa đột xuất các hư hỏng của cầu với kinh phí dự kiến dưới 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ. Theo yêu cầu của tổng cục, việc sửa chữa cầu Việt Trì phải đảm bảo để tới ngày 20/8/2016 hoàn thành cơ bản.
Cục QLĐB I được giao nhiệm vụ chỉ đạo công ty đang quản lý cầu Việt Trì lập phương án phân luồng và tổ chức phân luồng cho phép xe ô tô từ 7 chỗ trở xuống, xe máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu. Thời gian phân luồng dự kiến ngay sau khi sửa chữa xong, tức là trùng với ngày 20/8/2016.
Như vậy, các loại phương tiện trên 7 chỗ ngồi sẽ bắt buộc phải sử dụng cầu Hạc Trì và trả phí BOT khi qua cầu.
Đáng chú ý, trước đó nhà đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì đã gửi văn bản dọa đóng cửa doanh nghiệp vì các phương tiện chỉ chọn qua cầu Việt Trì, và chính cơ quan quản lý cũng đã cho phép phương tiện qua lại cầu Việt Trì như trước. Từ đó làm thiếu hụt nguồn thu, phá vỡ phương án tài chính của dự án BOT cầu Hạc Trì và đẩy doanh nghiệp tới khả năng phá sản.
Cầu Việt Trì được khai thác từ năm 1995. Cầu được xây dựng theo kết cấu cầu thép có tuổi thọ thiết kế 50 năm, phục vụ cả phương tiện vận tải đường bộ và đường sắt.
Theo đánh giá của doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đến năm 2014 cầu đã hư hỏng nhiều, không đảm bảo phục vụ toàn bộ lượng phương tiện qua lại, trong đó có nhiều phương tiện trọng tải lớn. Đó là lý do khiến phương án xây dựng cầu Hạc Trì theo hình thức BOT được chấp thuận và triển khai.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo mới của Tổng cục Đường bộ, thì việc sửa chữa cầu Việt Trì chỉ cần vài ngày với vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng là xong. Về tải trọng, cầu vẫn phục vụ các đoàn tàu đường sắt qua lại, với trọng lượng chắc chắn hơn hẳn nhiều xe vận tải đường bộ hạng nặng.