Xôn xao vụ tướng chỉ huy tình báo Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ bí mật tới Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nhiều nguồn tin cho rằng Chuẩn Đô đốc Studeman, phụ trách tình báo quân sự Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã đến Đài Loan vào tối ngày 22/11 trên chiếc chuyên cơ; tuy nhiên, cả Đài Loan và Mỹ đều từ chối trả lời về vấn đề này.

Chiếc chuyên cơ C-37A được cho là chở tướng tình báo Michael Studeman tới sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc tối 22/11 (Ảnh: UDN).
Chiếc chuyên cơ C-37A được cho là chở tướng tình báo Michael Studeman tới sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc tối 22/11 (Ảnh: UDN).

Theo trang web Deutsche Welle ngày 23/11, nhiều cơ quan truyền thông Đài Loan đưa tin tối ngày 22/11, một chuyên cơ hành chính của Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn Đài Bắc. Reuters cho biết, quan chức đi trên chiếc chuyên cơ là Chuẩn đô đốc Hải quân Michael Studeman, người phụ trách tình báo quân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này, và cơ quan Ngoại giao Đài Loan chỉ xác nhận một quan chức Mỹ đã đến Đài Loan vào ngày 22/11. Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào thêm vì chương trình chuyến thăm không được tiết lộ.

Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố công khai: "Đài Loan và Hoa Kỳ có quan hệ tương tác lẫn nhau thường xuyên; chúng tôi hoan nghênh các chuyến thăm của các quan chức Hoa Kỳ đến Đài Loan. Tuy nhiên, vì hành trình này chưa được công khai nên chúng tôi không giải thích thêm hoặc bình luận xuất phát từ sự tin tưởng lẫn nhau giữa Đài Loan và Hoa Kỳ".

Trước đó, khi Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Keith Krach đã đến thăm Đài Loan, phía Trung Quốc đã bày tỏ sự bất bình đối với hành động của Mỹ và đưa máy bay quân sự đến gần không phận của Đài Loan. Trong thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Trump đã liên tục gia tăng sự ủng hộ Đài Loan, bao gồm việc chấp thuận bán vũ khí cho Đài Loan.

Chuẩn đô đốc Hải quân Michael Studeman, người phụ trách tình báo quân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: Dongfang).

Chuẩn đô đốc Hải quân Michael Studeman, người phụ trách tình báo quân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: Dongfang).

Reuters viết rằng không rõ liệu tướng Michael Studeman có chọc giận Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, ông có thể là một trong những quan chức quân sự cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan trong vài năm qua. Ông Douglas Paal, cựu Giám đốc Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) nói với Reuters: "Nếu vị khách đến Đài Loan thực sự là Studeman, người phụ trách tình báo quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì tôi không nhớ là Mỹ đã từng cử các quan chức quân sự ở cấp này đến Đài Loan".

Tuy nhiên, ông Randall Schriver, người từng là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền của Tổng thống Trump, nói rằng chính quyền Donald Trump trong vài năm qua đều lặng lẽ thường xuyên cử các sĩ quan quân đội là tướng một sao đến Đài Loan. Ông nói rằng trước mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ luôn trao đổi thông tin tình báo chặt chẽ.

Ngoài ra, Bonnie Glazer, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS), một tổ chức tư vấn của Mỹ, cũng nói với Reuters rằng việc Mỹ cử các tướng lĩnh đến Đài Loan không phải là điều chưa từng có.

Vào ngày 22, tờ United Daily News (Liên Hợp báo) của Đài Loan đầu tiên công bố một số bức ảnh chụp chiếc máy bay hành chính của Mỹ không ghi rõ ký hiệu trên thân máy bay, chỉ xác định chiếc máy bay này là máy bay quân sự của Mỹ. Trang web planefinder.net, chuyên theo dõi hoạt động bay trên toàn cầu, cho thấy chiếc chuyên cơ tư nhân này khởi hành từ Hawaii, mà Trung tâm Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đặt tại Hawaii.

Mặc dù cơ quan Ngoại giao Đài Loan từ chối bình luận công khai về chuyến thăm của các quan chức Mỹ đến Đài Loan, nhưng họ đã đưa ra một tuyên bố khác, nhấn mạnh rằng một số phương tiện truyền thông Đài Loan đưa tin rằng bà Gina Haspel, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), đã đến Đài Loan trên chuyên cơ, điều này là không đúng sự thật. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan viết trong thông cáo: “Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ không có kế hoạch đến thăm và các thông tin liên quan là tin đồn thất thiệt".

Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) cũng từ chối bình luận về chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới Đài Loan. Trước khi chiếc chuyên cơ hành chính của Mỹ đến Đài Loan, Người đứng đầu cơ quan hành chính Đài Loan Tô Trinh Xương vào ngày 20/11 đã tuyên bố rằng Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ Andrew Wheeler sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Đài Loan vào tháng 12 theo lời mời của người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp. Ông Wheeler dự kiến ​​sẽ thăm Đài Loan trong ba ngày kể từ ngày 5 tháng 12 để thảo luận về các vấn đề môi trường.

Về vụ việc này, trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 23/11 viết, sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ dự kiến ​​sẽ thăm Đài Loan vào đầu tháng 12, đã có quan chức Mỹ đến thăm Đài Loan. Tờ China Times của Đài Loan đưa tin, quan chức chỉ huy tình báo Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ Michael Studeman đã đến Đài Loan vào ngày 22/11. Trước đó, truyền thông Đài Loan đồn đoán quan chức đến Đài Loan là Giám đốc CIA Gina Haspel, tuy nhiên tin đồn này ngay lập tức bị cơ quan Ngoại giao Đài Loan phủ nhận.

Hình ảnh do Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Bắc Kinh công bố cho thấy 7 máy bay quân sự Mỹ hoạt động gần Đài Loan trước khi chiếc chuyên cơ C-37A tới Đài Bắc (Ảnh: Dongfang).

Hình ảnh do Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Bắc Kinh công bố cho thấy 7 máy bay quân sự Mỹ hoạt động gần Đài Loan trước khi chiếc chuyên cơ C-37A tới Đài Bắc (Ảnh: Dongfang).

Theo báo chí Đài Loan, ông Studeman ở thăm Đài Loan trong ba ngày và dự kiến ​​sẽ về nước vào ngày 24/11. Ông đến Đài Loan lần này chủ yếu để kiểm tra trang thiết bị và công tác trao đổi, phối hợp tình báo giữa Đài Loan và Mỹ.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, trước đây được gọi là "Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, là bộ chỉ huy tác chiến liên hợp đầu tiên do quân đội Mỹ thành lập và là bộ chỉ huy liên hợp lớn nhất hiện nay, với quân số khoảng 300.000 người, chiếm 20% tổng số quân nhân tại ngũ của Mỹ.

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 23/11, Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) do Viện nghiên cứu Hải dương học, Đại học Bắc Kinh thành lập đã thông báo trên Twitter, nói 7 máy bay quân sự Mỹ đã xuất hiện ở eo biển Bashi phía nam Đài Loan trước khi chiếc chuyên cơ của ông Michael Studeman đến Đài Bắc.

Vì Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đã đến thăm Đài Loan trước đó, cũng đã đi trên chiếc chuyên cơ hành chính C-37A "Gulfstream-5" cùng kiểu loại, nên lúc đầu có thông tin cho rằng quan chức trên máy bay là bà Gina Haspel, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Nhưng cơ quan Ngoại giao Đài Loan lập tức phủ nhận. Sau đó, truyền thông Anh Reuters dẫn hai nguồn tin các quan chức Đài Loan, nói rằng quan chức đi trên chuyên cơ là người chỉ huy tình báo Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ Michael Studeman, tức là Chuẩn đô đốc "J2", Giám đốc tình báo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Mỹ đã không bình luận về việc có phải ông Studeman tới thăm Đài Loan hay không.

SCSPI đã đăng trên Twitter rằng trước khi một chuyên cơ C-37A của quân đội Mỹ đến Đài Loan vào đêm Chủ nhật 22/11, một máy bay trinh sát RC-135W của Không quân Mỹ, hai máy bay chống ngầm P-8 Poseidon của Hải quân, một UAV MQ-4C Poseidon, một máy bay trinh sát CL-604 và hai máy bay tiếp dầu trên không đã được phát hiện thấy hoạt động từ Biển Đông đến eo biển Bashi.

Hiện phía Trung Quốc đại lục chưa có phản ứng gì về thông tin đang gây xôn xao dư luận này.