Những vụ lái máy bay đào tẩu của phi công Đài Loan và Trung Quốc Đại lục liệu có tái diễn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tuần qua, vụ một Đại tá không quân Đài Loan mất tích cùng chiếc tiêm kích F-16 đã khiến hai bên bờ eo biển dậy sóng bởi những tin đồn nói đây là nạn nhân của hành động phá hoại hoặc một vụ “phản đào” lái máy bay chạy sang phía bên kia...

Chiếc F-16 số hiệu 6672 do Tưởng Chính Chí lái trước khi bị mất tích tối 17/11 (Ảnh: Guancha).
Chiếc F-16 số hiệu 6672 do Tưởng Chính Chí lái trước khi bị mất tích tối 17/11 (Ảnh: Guancha).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 22/11, chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Đài Loan do Đại tá Tưởng Chính Chí, phi đội trưởng của Liên đội không quân số 26 lái đã mất liên lạc tối hôm 17/11 chỉ 2 phút sau khi cất cánh hiện vẫn đang được tìm kiếm. Tuy nhiên, một số lượng lớn tin đồn đã xuất hiện trên Internet ở cả hai bên eo biển, nói rằng chiếc máy bay chiến đấu của Đài Loan đã bay đến Hạ Môn để "nổi dậy, đầu hàng". Cơ quan Quốc phòng Đài Loan ngày 19/11 ra tuyên bố, cho rằng động thái này là tung tin thất thiệt và bôi nhọ phi công mất tích, đồng thời tuyên bố rằng "không cho phép chà đạp niềm tin vào các sĩ quan và binh lính bảo vệ đất nước". Sự kiện này đã khiến nhiều người nhớ lại các “sự kiện đầu hàng và đào tẩu” diễn ra giữa hai quân đội hai bờ eo biển Đài Loan từ trước đến nay.

Trên thực tế, trong lịch sử chia cắt hai bờ eo biển Đài Loan trong 70 năm qua, nhất là trong giai đoạn Trung Quốc đại lục và Đài Loan đối đầu quân sự, các vụ đầu hàng (đào tẩu) giữa hai bên eo biển; tức là bên này coi là “đầu hàng”, nhưng lại là “phản đào” (đào tẩu) đối với bên kia - không có gì là lạ. Vào thời điểm đó, cả hai bên eo biển đều đặt ra mức tiền thưởng cao cho những sĩ quan và binh lính từ phía bên kia chạy sang.

Đại tá không quân Đài Loan Tưởng Chính Chí bị mất tích hôm 17/11 cùng chiếc tiêm kích F-16 (Ảnh: Guancha).

Đại tá không quân Đài Loan Tưởng Chính Chí bị mất tích hôm 17/11 cùng chiếc tiêm kích F-16 (Ảnh: Guancha).

Ngày 11/9/1988, trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển được hòa hoãn, phía Đại lục tuyên bố ngừng thực hiện phương thức trao thưởng ban hành năm 1962 cho những phi công Đài Loan "lái máy bay khởi nghĩa". Cùng thời gian đó, Đài Loan cũng không thực hiện các chính sách khuyến khích liên quan. Trong những năm 1990, bầu không khí ở cả hai bên eo biển Đài Loan hòa dịu lại và các chuyến bay, tàu thủy giữa hai bên dần được mở ra, không còn xảy ra các vụ đầu hàng (đào tẩu) nữa.

Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập vào tháng 10/1949, đã có hơn 20 vụ phi công của Lực lượng Không quân Đài Loan đầu hàng (đào tẩu) chạy sang Đại lục. Nhiều người trong số này đầu hàng (đào tẩu) từ Đài Loan đến Đại lục đã được trọng dụng. Đặc biệt là trong những năm 1980, ba sĩ quan quân đội Đài Loan đào tẩu sang đại lục đã trở thành giới tinh hoa chính trị trong hệ thống cầm quyền của Trung Quốc Đại lục. Họ gồm ba phi công của Không quân Đài Loan là Hoàng Thực Thành (Huang Zhicheng), Lý Đại Duy (Li Dawei) và Lâm Hiền Thuận (Lin Xianshun) đã bay đến Đại lục. Tất cả họ đều trở thành tướng lĩnh của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và có địa vị chính trị với tư cách là Ủy viên của Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Một người khác cũng đã đến Đại lục và trở thành một người nổi tiếng là Lâm Nghị Phu (Lin Yifu), một nhà kinh tế và sĩ quan quân đội Đài Loan, cũng đã trở thành đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc và đã hoạt động chính trị ở Đại lục trong hai nhiệm kỳ.

Phi công Hoàng Thực Thành và chiếc tiêm kích "Trung Chính" chạy sang Đại Lục năm 1981 (Ảnh: Sohu).

Phi công Hoàng Thực Thành và chiếc tiêm kích "Trung Chính" chạy sang Đại Lục năm 1981 (Ảnh: Sohu).

Trong số những người này, Hoàng Thực Thành sinh tháng 1 năm 1952 vốn là Thiếu tá chuyên gia bay sát hạch chuyên ngành trong Không quân quân đội Đài Loan. Năm 1981, Thành lái máy bay chạy sang Đại lục và trở thành “người mẫu tuyên truyền” cho PLA, đồng thời được liên tục thăng quân hàm trong PLA, từng giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Hàng không Quân sự, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Không quân Quân khu Nam Kinh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Không quân Quân khu Bắc Kinh, và Phó Tham mưu trưởng Không quân Trung Quốc, ông ta được thăng đến hàm Thiếu tướng không quân PLA và từng là Ủy viên của PLA trong Chính Hiệp (CPPCC) trong suốt 25 năm.

Hồi đó, vụ "Hoàng Thực Thành đào tẩu" đã gây chấn động mạnh trong giới quân sự Đài Loan và “Bộ trưởng Quốc phòng” Đài Loan khi đó là Cao Khôi Nguyên (Gao Kuiyuan) đã phải từ chức. Các sĩ quan bay cùng hàng ngày với Thành và những người bạn thân của ông ta đều bị điều tra và hạn chế sử dụng, không chừa một ai. Anh trai thứ hai của Hoàng Thực Thành, cũng phục vụ trong lực lượng không quân, không được thăng cấp do em trai “phản đào” cho đến khi nghỉ hưu vẫn chỉ là Thiếu tá.

Hoàng Thực Thành hiện nay với quân hàm Thiếu tướng không quân PLA (Ảnh: Sohu).

Hoàng Thực Thành hiện nay với quân hàm Thiếu tướng không quân PLA (Ảnh: Sohu).

Lý Đại Duy, sinh năm 1950, nguyên là Thiếu tá của không quân Lục quân Đài Loan. Năm 1983, ông từ Đài Loan chạy sang Đại Lục và gia nhập PLA. Ông từng là phó hiệu trưởng một trường hàng không thuộc Lực lượng Không quân PLA và là Phó Chủ nhiệm khoa Đào tạo của Học viện Chỉ huy Không quân PLA, được phong hàm Đại tá, ông cũng là Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc trong một thời gian dài. Chiếc máy bay U-6A "Hải ly" mà Lý Đại Duy lái tới Đại Lục sau đó đã được đưa vào Bảo tàng Quân sự Trung Quốc trên Đại lộ Trường An ở Bắc Kinh.

Lâm Hiền Thuận lái máy bay từ Đài Loan trốn sang Đại lục tháng 2 năm 1989, được bổ nhiệm làm Hiệu phó trường Hàng không, sau đó làm Trợ lý cho Tham mưu trưởng Không quân Quân khu Bắc Kinh. Ông cũng là sĩ quan Không quân Đài Loan cuối cùng đào tẩu về Đại Lục. Trả lời phỏng vấn truyền thông, Lâm Hiền Thuận cho biết cho đến nay ông không hối hận về quyết định của mình và hy vọng một ngày nào đó sẽ được trở lại Đài Loan.

Lâm Nghị Phu, giáo sư Viện nghiên cứu Kinh tế cấu trúc mới của Đại học Bắc Kinh và là chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), vốn tên là Lâm Chính Nghị, Sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Đài Loan, ông nhập ngũ và được phân bổ đến đảo Kim Môn với tư cách là Thượng úy, Đại đội trưởng. Năm 1979, ông ta ôm quả bóng rổ bơi từ Kim Môn vào Đại Lục và đổi tên thành Lâm Nghị Phu. Ông ta lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Bắc Kinh và sang Mỹ lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Chicago, trở thành nhà kinh tế học nổi tiếng ở Trung Quốc. Ông thành lập và giảng dạy bộ môn Lý luận Kinh tế cấu trúc mới, trở thành cố vấn cho giới quyết sách kinh tế cấp cao. Ông là Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc nhiều năm, sau đó đổi sang làm đại biểu Quốc hội. Vào ngày 18/12/2018, Quốc vụ viện Trung Quốc đã tặng ông danh hiệu Người tiên phong cải cách.

phi công Đài Loan Lâm Hiền Thuận được PLA lưu dụng và thăng quân hàm đến Đại tá (Ảnh: Sohu).

phi công Đài Loan Lâm Hiền Thuận được PLA lưu dụng và thăng quân hàm đến Đại tá (Ảnh: Sohu).

Tương tự, trước khi quan hệ xuyên eo biển ấm lên, cũng đã có nhiều vụ việc quan binh PLA đầu hàng (đào tẩu) Đài Loan. Những người vượt eo biển sang “đầu hàng” Đài Loan được Đài Loan gọi là “nghĩa sĩ”. Khi mới tới Đài Loan họ có thể nhận được số vàng rất lớn, thậm chí còn được chính quyền Đài Loan “sắp xếp” cưới vợ cho. Trương Thanh Vinh (Zhang Qingrong), sĩ quan quân đội Trung Quốc đầu tiên đầu hàng (đào tẩu) Đài Loan, đã từng nhận được giải thưởng như vậy.

Trương Thanh Vinh là người quê thành phố Bảo Định, Hà Bắc, từng gia nhập Bát Lộ Quân và đã giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng Pháo binh. Ông tham gia cuộc chiến “kháng Mỹ viện Triều” năm 1952. Sau khi kết thúc chiến tranh, ông giữ chức Sư đoàn phó pháo binh của Quân khu Phúc Châu. Vào ngày 17/12/1957, ông đi một chiếc thuyền đánh cá nhỏ từ Phúc Kiến chạy sang Đài Loan và cập bến Kim Môn. Trương Thanh Vinh được chính quyền Đài Loan phong là “Nghĩa sĩ”, được tặng thưởng 500 lượng vàng, được phong quân hàm Đại tá và đổi tên thành Trương Xuân Sinh. Tuy nhiên, cách giải quyết vấn đề của ông rất lúng túng. Tháng 10 năm 1958, ông bị kết tội chủ trương Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản cùng nhau đi theo con đường hòa bình để xây dựng Trung Quốc, bị xử bắn vào tháng 12 cùng năm.

Phi công Lý Thừa Tư lái chiếc MiG-15 chạy sang Đài Loan năm 1962 (Ảnh: Taiwannew).

Phi công Lý Thừa Tư lái chiếc MiG-15 chạy sang Đài Loan năm 1962 (Ảnh: Taiwannew).

Lưu Thừa Tư (Liu Chengsi) là phi công PLA đầu tiên lái máy bay chiến đấu trực tiếp đầu hàng (đào tẩu) sang Đài Loan gây chấn động cả hai bên eo biển. Sư đoàn không quân của Hải quân mà ông công tác cũng bị chỉnh đốn và nhiều cán bộ cũng bị thanh trừng. Lưu Thừa Tư nhận được giải thưởng 1.000 lượng vàng từ chính quyền Đài Loan, sau đó gia nhập lực lượng Không quân Đài Loan và được thăng chức Đại tá Phó chỉ huy trưởng Đài chỉ huy Không quân.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 13 vụ phi công PLA trực tiếp hoặc gián tiếp lái máy bay đào tẩu (đầu hàng) sang Đài Loan. So sánh thì số người từ Đài Loan đào thoát sang Đại lục nhiều hơn so với người Đại lục đào tẩu sang Đài Loan và mức độ trọng dụng và thành tựu mà họ đạt được cũng nổi bật hơn.

Phi công Đại Lục Ngô Vinh Căn lái máy bay chạy sang Đài Loan được thưởng 5 ngàn lạng vàng (Ảnh: UDN).

Phi công Đại Lục Ngô Vinh Căn lái máy bay chạy sang Đài Loan được thưởng 5 ngàn lạng vàng (Ảnh: UDN).

Trước Lưu Thừa Tư, vào ngày 12 tháng 1 năm 1960, Dương Đức Tài, một phi công của Trung đoàn 5 thuộc Sư đoàn 2 thuộc Lực lượng không quân Hải quân của PLA, đã lái chiếc máy bay chiến đấu MiG-15 từ sân bay Lộ Kiều, Chiết Giang chạy sang Đài Loan và đã rơi máy bay thiệt mạng khi bị cưỡng bức hạ cánh ở Nghi Lan, Đài Loan. Ngày 15 tháng 9 năm 1961, các phi công hàng không dân dụng Đại lục Thiệu Hy Nhan và Cao Trí Học (sau đổi tên thành Cao Hữu Tông khi đến Đài Loan) đã cất cánh từ Giao Huyện, Sơn Đông và hạ cánh xuống đảo Jeju, Hàn Quốc trên một chiếc máy bay vận tải hạng nhẹ. Cả hai đến Đài Loan vào ngày 7/10 cùng năm. Sau đó, Thiệu Hy Nhan theo học khoa Ngoại ngữ thuộc Đại học Đài Loan, sau khi tốt nghiệp sang Mỹ lấy bằng thạc sĩ, rồi trở về Đài Loan làm việc trong Liên đoàn chống Cộng châu Á. Năm 1999, ông ta nghỉ hưu và định cư Mỹ. Cao Hữu Tông được bố trí làm việc trong không quân Đài Loan, phụ trách công tác Tâm lý chiến. Sau đó, ông giải ngũ khi đang giữ chức vụ Đại tá phó Phòng 2 thuộc Bộ chỉ huy Không quân Đài Loan.

Ngô Vinh Căn, một phi công đại lục khác đã đào thoát sang Đài Loan năm 1982 bằng máy bay chiến đấu MiG-19. Anh ta được thưởng 5.000 lượng vàng và quân hàm Thiếu tá. Vì có vẻ ngoài điển trai và vẻ ngoài lém lỉnh, Ngô Vinh Căn được báo chí săn đón, trở thành “A Căn ca” - đối tượng săn lùng điên cuồng của phụ nữ Đài Loan lúc bấy giờ. Những việc làm của anh ta cũng được dựng thành phim truyền hình ở Đài Loan và được Vương Thăng, Tổng cục Chiến tranh Chính trị và Tưởng Trọng Linh, Tổng tư lệnh Lục quân nhận làm con nuôi. Năm 1987, Ngô Vinh Căn sau khi bị phó giám đốc hộp đêm lừa hàng chục triệu đồng phí ly hôn, Căn vào trường quân đội làm giảng viên và tái hôn năm 1990. Cuối năm 1994, anh ta xuất ngũ từ trường quân sự rồi nhập cư vào Mỹ.

Lễ đón tiếp, trao thưởng 2 ngàn lạng vàng cho Tưởng Văn Hào, phi công Đại Lục chạy sang Đài Loan năm 1989 (Ảnh: UDN).

Lễ đón tiếp, trao thưởng 2 ngàn lạng vàng cho Tưởng Văn Hào, phi công Đại Lục chạy sang Đài Loan năm 1989 (Ảnh: UDN).

Thông tin công khai cho thấy người lái máy bay Đại lục cuối cùng đầu hàng (đào tẩu) Đài Loan cho đến nay là phi công Lục quân Tưởng Văn Hào, người đã bay đến Đài Loan vào ngày 16/9/1989. Tưởng Văn Hào sinh ngày 3/12/1965, tốt nghiệp Trường Không quân PLA năm 1986, là phi công cấp 3. Sau khi đến Đài Loan, anh ta nhận được 2.000 lượng vàng và mang quân hàm Trung úy. Sau khi xuất ngũ với quân hàm đại úy, Hào bén duyên với nghề lặn và chụp ảnh sinh thái dưới nước.

Tưởng Văn Hào và Lâm Hiền Thuận lần lượt trở thành những phi công quân sự cuối cùng của hai bên eo biển đào tẩu sang phía đối diện. Trong môi trường hòa hoãn chung giữa hai bờ eo biển lúc bấy giờ, vụ đào tẩu của cả hai người đều bị giới chức hai bên cố tình hạ thấp. Tuy nhiên, với việc quan hệ xuyên eo biển tiếp tục trở nên căng thẳng, thậm chí xảy ra đối đầu, khó có thể nói rằng lịch sử các vụ đầu hàng (đào tẩu) trong tương lai của phi công cả Đại Lục và Đài Loan tới phía bên kia sẽ không lặp lại.