"Xóa sổ" hồ sơ giấy, giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Sáng nay, 17/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính

Công khai toàn bộ dịch vụ y tế, thuốc, trang thiết bị

Báo cáo với Tổ Công tác, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, dù phải căng mình chống dịch COVID-19, nhưng toàn ngành y tế vẫn đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… và đã có những kết quả khả quan.

Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nổi bật là hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) từ xa, giúp công tác KCB được duy trì trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành. Đến nay, đã có 1.500 điểm cầu được kết nối, một số nước xin kết nối với Việt Nam để cùng tổ chức KCB.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ Công tác và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng chủ trì buổi làm việc, với sự tham gia của đại diện của nhiều bộ, ngành.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế đặc biệt quan tâm vấn đề chuyển đổi số. Cuối tuần này, Bộ Y tế sẽ khai trương Cổng Công khai y tế, trong đó, công bố toàn bộ các dịch vụ y tế: 60.000 loại thuốc, 28.000 loại thực phẩm chức năng và tất cả trang thiết bị y tế lưu hành ở Việt Nam, tiến tới công khai cả quảng cáo và giá bán. Các dịch vụ y tế của cơ sở y tế cũng được công khai.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng đánh giá cao kết quả của ngành y tế trong xây dựng Chính phủ điện tử
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng đánh giá cao kết quả của ngành y tế trong xây dựng Chính phủ điện tử

“Bộ Y tế xác định phải công khai minh bạch theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương. Do đó, những dịch vụ công nào mà ngành Y tế cung ứng đều được công khai, “không để người dân mù mờ về chi phí KCB” như Thủ tướng đã chỉ đạo” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ Y tế chuẩn bị khai trương hai nền tảng là mạng lưới Y tế Việt Nam và phần mềm điều hành điện tử tại 12.000 điểm trạm y tế xã. Trong đó, mạng lưới Y tế Việt Nam kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước, giúp trao đổi, chia sẻ thông tin chuyên môn. Bộ Y tế cũng sẽ “xóa sổ” hồ sơ giấy ở 12.000 điểm trạm y tế xã để điều hành hoàn toàn bằng phần mềm điện tử, gồm cả tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, KCB … Điều này sẽ tiết kiệm thời gian, nhân công và chi phí khi mỗi trạm y tế xã phải có từ 38 -72 cuốn sổ.

Trên cơ sở này, sang năm 2021, 90 triệu hồ sơ sức khoẻ cá nhân sẽ được Bộ Y tế đưa vào sử dụng cùng với 120 triệu lượt hồ sơ KCB ngoại trú không dùng giấy, gồm cả hồ sơ khám sức khoẻ giấy phép lái xe.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long còn “bật mí”: Ngành đã ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh rất hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dù phải căng mình chống dịch COVID-19, nhưng toàn ngành y tế vẫn đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dù phải căng mình chống dịch COVID-19, nhưng toàn ngành y tế vẫn đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số…

Các thủ tục hành chính đều được điều chỉnh để số hóa

Báo cáo với Tổ Công tác về xây dựng Chính phủ điện tử, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã hoàn thành hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử của Bộ Y tế (V.Office) kết nối, qua trục liên thông văn bản quốc gia; 100% văn bản của Bộ được xử lý trên môi trường điện tử, tích hợp hồ sơ công việc, 100% lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ sử dụng chữ ký số.

Bộ Y tế cũng đã tích hợp 106 thủ tục hành chính (trang thiết bị y tế, y dược cổ truyền, an toàn thực phẩm, dược, y tế dự phòng, KCB) lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, với 1.479 hồ sơ, hoàn thành 30% chỉ tiêu giao.

Bộ Y tế đã có 8 thủ tục hành chính kết nối lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong đó thủ tục cấp sổ tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, còn 6 thủ tục sẽ hoàn thành trong năm nay. Các thủ tục hành chính của Bộ Y tế đều được xem xét, điều chỉnh để có thể số hóa, xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến.

Cổng dịch vụ công của Bộ Y khai trương tháng 11/2019, đến nay đã có 310 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 5.258 tài khoản đăng ký sử dụng; 17.122 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý qua Cổng và thực hiện tích hợp thanh toán với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Bộ Y tế đã kết nối, tích hợp tất cả 5 chỉ tiêu (Số bác sĩ/vạn dân; Số giường bệnh/vạn dân; Chỉ số hài lòng người bệnh nội trú; Số vụ ngộ độc thực phẩm và số người tử vong do ngộ độc thực phẩm; Tỷ lệ chất thải y tế từ các bệnh viện được xử lý theo quy định và phối hợp với Bộ TN&MT cung cấp chỉ tiêu tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý) và kết nối, cung cấp thông tin về dịch bệnh COVID-19 phục vụ chỉ đạo hàng ngày của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Công bố dịch vụ công thứ 100 của Bộ Y tế tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Công bố dịch vụ công thứ 100 của Bộ Y tế tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay, 20 bệnh viện trực thuộc Bộ và 41% các bệnh viện ở địa phương đã triển khai thanh toán điện tử.

Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi số Quốc gia để các bộ xây dựng, ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi sổ cấp Bộ nhằm theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện chuyển đối số hàng năm; chỉ đạo Bộ, ngành liên quan có chính sách giảm phí thanh toán dịch vụ y tế qua ngân hàng, các tổ chức thanh toán trung gian do phí này cho mỗi giao dịch, tỷ lệ phí này còn cao. Bộ Y tế cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe lái xe.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả ngành y tế đạt được trong bối cảnh dịch COVID-19 rất nặng nề, đồng thời, đề nghị Bộ Y tế quán triệt toàn ngành về 10 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã chỉ đạo.

Văn phòng Chính và Bộ Y tế ký kết quy chế phối hợp công tác
Văn phòng Chính và Bộ Y tế ký kết quy chế phối hợp công tác

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế về vấn đề xã hội hoá y tế với những đặc thù riêng. Ông Dũng cho biết việc thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ y tế, hiện tất cả các nền tảng đã chuẩn bị sẵn để kết nối, chia sẻ, các doanh nghiệp rất quan tâm, vấn đề là cách làm. Bộ Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh KCB từ xa, vì đây chính là giải pháp tốt để giãn cách trong dịch COVID-19 và giúp người dân được thụ hưởng y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở.

Bộ Y tế cần rà soát lại để xem xét, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính trước khi đẩy lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, ưu tiên đưa lên Công dịch vụ công những dịch vụ có nhiều hồ sơ. Cắt giảm từng điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.

Ngay sau buổi làm việc của Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các đại biểu đã ấn nút công bố dịch vụ công thứ 100 của Bộ Y tế tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Lễ ký kết quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chính và Bộ Y tế cũng diễn ra cùng ngày.

Ảnh: Thúy Nhiên