Bộ trưởng Bộ Y tế: Không nên trông chờ quá nhiều vào vaccine COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, chúng ta không nên trông chờ quá nhiều vào vaccine COVID-19 - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: Đình Nam - VGP)
Ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: Đình Nam - VGP)

Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế - đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng nay (13/11).

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch

Liên quan đến vaccine phòng COVID-19, ông Long cho hay: Bộ Y tế đang tích cực đàm phán, thương thuyết với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới, đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới “không nên trông chờ vào vaccine COVID-19”, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam không chỉ cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hợp tác sản xuất vaccine, tiếp cận các nguồn cung cấp trên thế giới, mà còn phải chủ động thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả từ trước đến nay, đặc biệt ưu tiên việc ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, quản lý chặt chẽ công tác cách ly, giám sát y tế sau cách ly đối với người nhập cảnh.

“Tinh thần chung là chúng ta không nên trông chờ quá nhiều vào vaccine, phải triển khai các hoạt động phòng, chống dịch như chúng ta đã làm trước đó. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải giữ vững các nguyên tắc, quan điểm, đồng thời, tăng cường ngăn chặn, phòng chống dịch, không được lơ là.” – ông Long nói.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp (Ảnh: Đình Nam

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp (Ảnh: Đình Nam

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, thuốc men, tập huấn cho công tác phòng chống dịch đã được làm tốt nhưng điều đáng lo ngại nhất là việc không có ca bệnh trong cộng đồng dẫn đến tâm lý chủ quan. Vì vậy, biện pháp quan trọng nhất là phải siết chặt lại các biện pháp phòng chống dịch.

Siết quản lý khu vực cách ly

Về công tác cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch, hiện có nhiều hình thức cách ly, trong đó, cách ly ở quân đội giữ vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, khi Bộ Y tế kiểm tra cơ sở lưu trú cách ly người nhập cảnh đã phát hiện một số nơi chưa bố trí khu cách ly biệt lập, thiếu các biển cảnh báo hoặc chưa rõ, chưa có khu gom rác thải riêng, nhân viên chưa thực hiện đầy đủ việc cài đặt các phần mềm phục vụ truy vết,…

Vì thế, ông Long nhấn mạnh: “Bộ Y tế đã hướng dẫn rất kỹ nếu khách sạn, cơ sở lưu trú không thực hiện đầy đủ thì lập tức dừng không cho thực hiện hoạt động cách ly.”

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ ban hành “Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 cho người nhập cảnh trên chuyến bay thương mại”, áp dụng cho tất cả các đối tượng có thể đi/về Việt Nam trên chuyến bay thương mại từ các quốc gia an toàn. Quy trình sẽ hướng dẫn cụ thể từ trước khi nhập cảnh, trên máy bay, cửa khẩu; di chuyển về khu cách ly; tại nơi cách ly và nơi lưu trú; theo dõi sức khỏe trong vòng 28 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Hiện, tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện rất căng thẳng. Mỗi ngày thế giới ghi nhận khoảng 500.000 ca mắc COVID-19, và có ngày vượt lên hơn 600.000 ca, đặc biệt là số người tử vong có ngày lên tới 10.000 ca. Tốc độ lây lan hiện nay của dịch COVID-19 buộc nhiều nước quay lại việc phong toả, giãn cách, gây khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội.

Đến nay, Việt Nam đã tròn 72 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng nhưng nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi số lượng chuyến bay đưa công dân Việt Nam, chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế) liên tục tăng. Riêng 2 tuần đầu tháng 11/2020, cả nước đã ghi nhận 76 ca mắc COVID-19 nhập cảnh. Đến nay, cả nước đã thực hiện 1.339.465 xét nghiệm Realtime-PCR.