Xin lỗi Jony, không có anh chợ vẫn đông!

VietTimes – Jony Ive, nhà thiết kế chính của Apple, người được coi là “phù thủy thiết kế” vừa tuyên bố rời khỏi ngôi nhà “Táo khuyết” để thành lập một công ty riêng. Liệu sự ra đi của Jony có ảnh hưởng lớn đến Apple?
Jony Ive và Tim Cook - những nhân vật chủ chốt của Apple (ảnh: Getty Images)
Jony Ive và Tim Cook - những nhân vật chủ chốt của Apple (ảnh: Getty Images)

Đối với những người hâm mộ sản phẩm có in hình trái táo khuyết thì sự ra đi của Jony Ive là một niềm nuối tiếc lớn.

Nhưng trên thực tế, Apple hoàn toàn có thể sống tốt mà không cần đến Jony Ive. Sự ra đi của Jony là cơ hội để Apple suy nghĩ lại về thiết kế của sản phẩm sau nhiều thập kỷ chịu ảnh hưởng bởi phong cách của ông.

Jony Ive là nhà thiết kế nổi tiếng đã hợp tác với nhà sáng lập Apple Steve Jobs để định hình các sản phẩm như iMac, iPod, iPhone và iPad. Sau cái chết của Steve Jobs vào năm 2011, Jony Ive được coi là người kế thừa hàng đầu trong công ty về tầm nhìn sản phẩm và sự nhạy cảm trong thiết kế.

Các thiết kế của Jony mang đến sự thành công về mặt thương mại và được nhiều hãng khác bắt chước. iPhone đã mở ra một kỷ nguyên mới cho điện thoại thông minh và trở thành sản phẩm điện tử phổ biến nhất hành tinh. Jony Ive đã được công nhận về năng lực khi mang về nhiều giải thưởng cho riêng mình.

Mặc dù sự chia tay của Jony Ive là đột ngột, các nhân viên Apple không hề được biết trước cũng như không có tin tức nào bị rò rỉ ra cho báo chí, nhưng đó không phải là một cú sốc lớn. Jony đã gắn bó với Apple gần 30 năm. Công ty này không còn là nhà sản xuất mới nổi, mà đã trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Trong những năm gần đây, Apple đã chuyển trọng tâm sang thiết kế các sản phẩm mang tính đột phá và bán các dịch vụ đi kèm, như dịch vụ âm nhạc trực tuyến và truyền hình trực tuyến.

Đã có những tin đồn từ nhiều năm nay rằng Jony Ive không còn tập trung nhiều vào công việc hàng ngày là thiết kế các sản phẩm của Apple. Thay vào đó, ông tập trung vào việc thiết kế trụ sở mới của Apple ở California – vốn được biết đến dưới cái tên trụ sở phi thuyền. Jony đã giám sát tất cả mọi thứ trong quá trình xây dựng trụ sở này, từ bản thiết kế tổng thể cho đến gỗ và đá sử dụng bên trong.

Tuy nhiên, liên quan đến việc ông thiết kế các sản phẩm của Apple trong những năm gần đây, rõ ràng Jony đã tạo ra một cái bóng quá lớn. Những chiếc iPhone và Macbook mới nhất cho thấy sự ảnh hưởng của kiểu thiết kế mà Jony đã mang lại, từ độ mỏng đến cảm giác chắc chắn của vỏ máy. Mọi người có thể nhận ra ngay ra một sản phẩm của Apple dù nó bị che đi logo – có được điều này chính là nhờ Jony Ive.

Nhưng Apple đã tiếp tục làm tốt trong khi Jony tập trung vào những thứ khác, chẳng hạn như xây khuôn viên trụ sở phi thuyền. Mặc dù doanh số của Apple đã giảm gần đây, nhưng điều đó là do sự bão hòa của thị trường điện thoại thông minh hơn là sự vắng mặt của Ive.

Jony Ive sẽ không biến mất hoàn toàn. Khi mở công ty riêng, Apple sẽ vẫn là một khách hàng quan trọng của ông.

Sự ra đi của Jony Ive có thể chứng minh điều có lợi cho Apple. Phần lớn thành công của Apple đã được tạo dựng nhờ việc làm cho các thiết bị trở nên thời thượng, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của thiết kế. Nhưng có lẽ đã đến lúc Apple phải suy nghĩ lại và làm mới thiết kế sản phẩm của mình, thoát khỏi cái bóng của Jony Ive. Hiện nay, những mẫu iPhone đời mới có thiết kế không khác biệt nhiều so với bản gốc xuất hiện từ năm 2007. Những chiếc máy tính xách tay MacBook đời mới cũng không khác nhiều chiếc PowerBook ra mắt năm 2001.

Một nhà thiết kế khác có thể giúp Apple thổi luồng gió mới cho các sản phẩm của mình. Người đó có thể không theo đuổi một thiết kế mỏng nhẹ mà thay vào đó là một thiết kế đủ để chứa một viên pin lớn hơn, thời lượng sử dụng lâu hơn. Một người nào đó ít chú trọng vào sự thanh lịch của sản phẩm mà mang đến một thiết kế đầy màu sắc và trẻ trung.

Những thay đổi như vậy có thể đi một chặng đường dài để làm tươi mới thương hiệu và hình ảnh của Apple. Và ai biết được, có thể Apple sẽ tìm thấy một “phù thủy” mới của mình trong quá trình này.