Xét tổng thể, treo biển trước nhà là việc nên làm

Thanh Hằng
Thanh Hằng

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tấm biển "Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng, chống dịch Covid-19” đem treo trước nhà thì chả làm ai mất mát gì đáng kể, trong khi tác dụng mà nó đem lại cho việc phòng ngừa lây nhiễm của gia đình và xã hội là rất lớn.

LTS: Người từ vùng dịch về Hà Nội có cần phải treo biển trước nhà để nhắc nhở thân nhân và cộng đồng biết mà có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm thích hợp hay không, là câu hỏi đang được tranh luận sôi nổi. VietTimes trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Thanh Hằng nêu quan điểm về vấn đề này.


Đang có nhiều ý kiến trái chiều khi trong văn bản hỏa tốc của Hà Nội trong phối hợp thực hiện công tác y tế để thí điểm mở đường bay nội địa đi và đến Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đề nghị treo biển trước cửa nhà ghi dòng chữ: "Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng, chống dịch Covid-19” với những người từ vùng dịch đến.

Trong khi một số ý kiến cho rằng không nên sử dụng biện pháp trên, thì nhiều người đã trải qua các đợt giãn cách của Hà Nội, nhất là ám ảnh về hậu quả của đại dịch ở TP.HCM, lại cho rằng đề nghị của Sở Y tế Hà Nội là cần thiết.

Bởi nguy cơ dịch bùng phát ở Hà Nội vẫn rình rập. Việc ổ dịch ở Bệnh viện Việt Đức xuất hiện mới đây đã cho thấy điều này. Đặc biệt, ngày 13/10, Hà Nội đã xuất hiện ca F0 đi từ TP HCM về và gia đình 4 người đã trở thành F1, cho thấy sự cảnh báo là rất cần thiết.

Trong khi đó, ý thức của nhiều người dân chưa cao. Nhiều người đi từ vùng dịch về thuộc diện tự theo dõi sức khỏe, nhưng khi trở thành F0 mới thấy lịch trình đi lại, tiếp xúc của họ khá nhiều, thậm chí, đang thời gian cách ly cũng tụ tập ăn nhậu tại nhà, rồi đi nơi khác ăn uống, như một thanh niên ở Hà Nam; hay không thực hiện nghiêm túc 5K và khai báo y tế như một vị giám đốc ở Hà Nội, đã khiến lây lan cho nhiều người khác và bị xử lý.

Đặc biệt, chỉ vài chục giờ sau khi Hà Nội kết thúc Chỉ thị 16, chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15, mà rất nhiều người đã tụ tập đi chơi đêm Trung thu, có người còn không đeo khẩu trang cứ như thể dịch đã qua từ khi nào, là một minh chứng.

Vả lại, việc treo biển ở cổng các gia đình có F0, F1 đã được thực hiện ở Hà Nội từ đầu mùa dịch năm 2020, hoàn toàn không phải là biện pháp mới nhằm “gây khó” cho những người “bay” đến Hà Nội từ vùng dịch.

Bà Lã Thu Lan – Phó Giám đốc CDC Hà Nội – cho biết: Hiện nay, gần như những người về từ vùng dịch chỉ có chính quyền nắm được. Vì thế, việc treo biển như một thông điệp để nhắc người từ vùng dịch về có ý thức 5K, giữ gìn cho cộng đồng, cũng là để nhắc nhở mọi người xung quanh ý thức phòng dịch tốt hơn.

“Việc cảnh báo cho người dân càng không thừa khi Hà Nội đã tiêm phủ mũi 1 vắc xin cho đa số người dân từ 18 tuổi trở lên, nhưng số người tiêm mũi 2 mới đạt trên 2,5 triệu người, mà đa số vừa tiêm trong vòng 1 tuần qua, nên chưa có đủ kháng thể bảo vệ. Đặc biệt, vẫn còn các đối tượng chưa được tiêm: Người cao tuổi, có nhiều bệnh nền phải trì hoãn tiêm, người chống chỉ định tiêm, phụ nữ mang thai dưới 13 tuần và trẻ em, số này ước tính trên 3 triệu người. Vì thế, dịch COVID-19 luôn rình rập và có thể bùng phát bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho những người chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi.” – Bà Lan nêu ý kiến.

Giải thích về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết: “Mục tiêu của việc treo biển không gì khác là để đảm bảo an toàn phòng dịch. Để có được thành quả chống dịch như ngày hôm nay, Hà Nội phải rất nỗ lực. Hiện nay, chúng tôi cũng đang rất quyết tâm bảo vệ thành quả đó, cũng chính là bảo vệ được tính mạng và sức khỏe cho người dân. Việc này không phải là siết chặt về mặt y tế hay quản lý. Treo biển chỉ đơn thuần các cơ quan y tế hướng dẫn để theo dõi sức khỏe của người dân trong bối cảnh có nguy cơ về dịch bệnh. Do không thực hiện việc cách ly nữa, nên ý thức của công dân rất quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Khi treo biển, cơ quan chức năng về y tế, tổ Covid-19 cộng đồng, hàng xóm, láng giềng... đều biết có người về từ vùng dịch, từ đó có biện pháp phòng chống dịch và giám sát được tốt nhất, an toàn nhất cho tất cả mọi người.”

UBND TP Hà Nội cho hay đang rất tích cực phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị ngành hàng không; giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, CDC TP Hà Nội thường xuyên về kiểm dịch; tổng hợp danh sách để thông báo cho các cơ quan, ban ngành của thành phố, quận huyện, xã phường để phối hợp đón hành khách trên các chuyến bay về lưu trú tại địa bàn và thực hiện việc theo dõi sức khỏe tại nhà.

Hà Nội mặc dầu đang dần khoẻ lại, nhưng dịch bệnh vẫn có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Bài học đau lòng của TP.HCM khi có thời điểm hơn 300 người chết/ngày là kinh nghiệm không thể để lặp lại ở bất cứ đâu trên mảnh đất hình chữ S này. Xin đừng quên, nhiều nghìn con người đã ra đi sau cuộc càn quét khốc liệt của COVID-19 gần đây.

Chỉ khi nào Hà Nội đã tiêm phủ được 2 mũi vaccine COVID-19 trên 70% và tiêm vắc xin cho các cháu dưới 18 tuổi, để đủ tự tin đối phó với dịch bệnh, để không xảy ra thảm hoạ y tế cho người dân Thủ đô, thì lúc đó, các biện pháp phòng, chống dịch mới nên nới lỏng thêm những bước dài, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tất nhiên tấm biển treo trước nhà cần có lời lẽ thanh nhã, font chữ, cỡ chữ, màu chữ và hoà sắc tổng thể cần gợi cảm giác yêm ấm, tươi vui, hoà ái. Người cách ly tại nhà thì cần vui vẻ hạn chế tự do cá nhân trong ít ngày theo dõi sức khoẻ. Còn về phía cộng đồng, thì cũng cần có ý thức và thái độ ứng xử đúng mực, văn minh với đồng bào vừa từ vùng dịch trở về.

Tất cả những việc này đều không có gì phức tạp, tức hoàn toàn khả thi vậy.